Hội thảo Đối thoại đa bên về thị trường các-bon ngành nông nghiệp

21/09/2023

Lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng đất (AFOLU) có vai trò rất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, các giá trị môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học thì lĩnh vực AFOLU còn có vị trí quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ các-bon đảm bảo cho lộ trình thực hiện cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC, 2022); cam kết cắt giảm 30% khí mê-tan so với lượng phát thải khí mê-tan 2020 và cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26. Những cam kết này đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất hơn nữa vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính chung của toàn cầu.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường 2020 thì chi phí cho ứng phó BĐKH ngày càng tăng (chiếm tương ứng từ 3-5% GDP), trong khi ngân sách mới chỉ đáp ứng được gần 30%. Trên phạm vi thế giới, nguồn lực từ các nguồn tài chính công mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/30 – 1/10 nhu cầu nguồn lực cần thiết để đầu tư cho giảm nhẹ biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển. Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với khoảng trống nhu câu tài chính và thực tế thực hiện các biện pháp NDC, chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống nông-lương-thực phẩm các-bon thấp. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều cơ chế tài chính các-bon, với các quy định tiếp cận khác nhau nhằm bổ sung thêm cho tiến trình thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính nhưng đồng thời phải đảm bảo được ổn định tăng trưởng, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người nông dân.

Trao đổi tín chỉ giảm phát thải các-bon gần đây đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và cả thị trường các-bon tự nguyện và các cơ chế giao dịch các-bon bắt buộc với yêu cầu khung pháp lý và quy trình vận hành tiêu chuẩn. Để cung cấp kiến thức và hiểu biết tốt hơn nhằm chuẩn bị cho ngành nông nghiệp sẵn sàng tham gia vào các dự án tín chỉ các-bon và thị trường các-bon trong nước và quốc tế. Thông qua đối thoại, đã giúp các đại biểu nắm bắt được quy trình ngắn hạn tiềm năng cho các dự án và chương trình tín chỉ các-bon; các công cụ đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) nhằm hỗ trợ xác định tín chỉ các-bon, quy trình vận hành và tiêu chuẩn thị trường tín chỉ các-bon trong nông nghiệp. Ngoài ra hội thảo cũng thảo luận về xây dựng hướng dẫn ngắn hạn giúp các bên liên quan tham gia thị trường các-bon trong nông nghiệp (ví dụ: đăng ký thực hiện dự án tín chỉ các-bon ở đâu và như thế nào, quy mô dự án được phép, lượng tín chỉ được phép trao đổi (mua/bán), cấp phép, cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án các-bon đã đăng ký, tránh tính trùng lặp với các cam kết trong NDC và xây dựng lộ trình chiến lược để phát triển khung pháp lý chính thức cho cả thị trường các-bon tự nguyện và thị trường các-bon bắt buộc, đặc biệt là các dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

Lê Trọng Hải/ Ipsard


Tin khác