Tổ chức khoa học công nghệ công lập trong ngành nông nghiệp
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 3 ba Viện xếp hạng đặc biệt (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có 19 viện thành viên, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có 13 viện thành viên; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có 13 viện thành viên) và 08 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp khoa học (Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III; Viện nghiên cứu Hải sản; Viện Chăn nuôi; Viện Thú y; Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), 01 học viện, 03 trường đại học, 05 viện quy hoạch, trực thuộc Bộ. Tổng số đơn vị được phân loại tự chủ tài chính giai đoạn 2018-2022 là 11 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Bộ, trong đó, 6 tổ chức là đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ và 64 tổ chức là đơn vị dự toán cấp 3 thuộc Bộ (trực thuộc 5 tổ chức là đơn vị dự toán cấp 2).
Toàn bộ công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thông qua đầu mối viện xếp hạng đặc biệt từ khâu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ đến khâu nghiệm thu đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ để đảm bảo tính tập trung, kế thừa các kết quả khoa học, tăng cường sự phối hợp giữa các viện thành viên và vai trò quản lý cũng như tự chủ, tự chịu trách nhiệm của viện xếp hạng đặc biệt.
Mặc dù đã triển khai cơ chế tự chủ từ năm 2005 theo đề án 115 tuy nhiên đến nay chỉ có 01 tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; 02 tổ chức tự đảm bảo chi thường xuyên còn lại mới chỉ đảm bảo một phần chi thường xuyên (loại 3 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP).
Đổi mới chính sách gần đây
Với chủ trương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức khoa học công nghệ công lập cụ thể là các viện nghiên cứu, trường đại học và các trung tâm nghiên cứu là các đối tượng ưu tiên được đổi mới về mặt tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và có các chính sách ưu tiên mạnh mẽ khác.
Sau khi Luật Khoa học công nghệ được ban hành năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP tạo ra sự tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về tài chính, nhân sự. Nghị định 54/2016 NĐ-CP đã quy định điều kiện và trình tự, thủ tục chuyển đổi tổ chức khoa học công nghệ công lập thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, những nghị định này đều chưa phân rõ đối tượng tự chủ một phần chi thường xuyên, ví dụ tự đảm bảo chi 80% kinh phí thường xuyên sẽ khác với đơn vị tự đảm bảo 20% kinh phí thường xuyên. Không có quy định về các trường hợp rủi ro khi thực hiện nhiệm khoa học công nghệ (thiên tai, dịch bệnh, lạm phát…). Các vấn đề về tiền lương và định mức đầu tư vẫn chưa được giải quyết. Nghị định 16 và 54 là lấy tự chủ về tài chính để quyết định các mức tự chủ còn lại (nhiệm vụ, nhân sự, bộ máy), lấy việc xã hội hóa dần chi phí các dịch vụ sự nghiệp công làm lộ trình tăng mức tự chủ. Chưa rõ ràng trong việc sử dụng và trích lập các quỹ đối với tổ chức khoa học và công nghệ chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Bị giới hạn mức trần chi thu nhập tăng thêm đối với tổ chức đã tự bảo đảm chi thường xuyên.
Năm 2021, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của tổ chức khoa học công nghệ công lập. Tổ chức khoa học công nghệ tự chủ ở mức cao được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp, được sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh liên kết, được sử dụng tài sản công để tham gia liên doanh liên kết (nhưng phải theo Luật Tài sản công). Đồng thời giao quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công có đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định lộ trình chuyển đổi 30% số lượng đơn vị sự nghiệp công nhóm 3 tương ứng với từng mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên, trên thực tế, quy định chi tiết việc chuyển đổi số lượng đơn vị gặp nhiều khó khăn do mức độ tự chủ của các đơn vị nhóm 3 có thể sẽ thay đổi hằng năm phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị. Các đơn vị tự chủ nhóm 2 chỉ cho phép trích lập tối đa 2 lần quỹ lương ngạch bậc cho quỹ bổ sung thu nhập. Các đơn vị tự chủ một phần vẫn phải xin phép về phương án sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị. Về liên doanh liên kết thì tất cả sản phẩm, tài sản liên doanh liên kết phải thông qua định giá và xây dựng dự án mới được tham gia liên doanh liên kết.
Định hướng và giải pháp
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra các giải pháp và phương hướng cho hoạt đột đổi mới khoa học công nghệ trong thời gian tới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%.
Để thực hiện được mục tiêu này thì một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới cơ chế và hình thành các thể chế thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, trong đó tập trung vào:
- Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đầu tư từ ngân sách tập trung cho các nghiên cứu cơ bản, chiến lược, trọng điểm. Thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế tự chủ về tổ chức, nhiệm vụ và tài chính, tự chịu trách nhiệm. Đề xuất cơ chế, chính sách giao quyền tự chủ đảm bảo tính khả thi để các tổ chức khoa học công nghệ thực sự chủ động, được quyền khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực có sẵn để nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng cơ chế liên kết giữa tổ chức khoa học công nghệ công lập với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến trên thế giới. Thu hút doanh nghiệp đầu tư, hợp tác công - tư trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.
- Xây dựng cơ chế minh bạch tạo điều kiện thuận lợi để các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khác thành lập và vận hành có hiệu quả các trung tâm về đổi mới sáng tạo, hình thành các mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao
- Hoàn thiện cơ chế chuyển giao quyền khai thác, chuyển nhượng quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp để ứng dụng nhanh vào sản xuất.
Nguyễn Chí Trung- Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/IPSARD