Hội thảo do ông Hoàng Vũ Quang (Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) và ông Trần Nhật Lam (Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) đồng chủ trì.
Tham dự hội thảo có đại diện một số bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm của xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu; Phòng Nghiệp vụ và Môi trường (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương); Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, Trung tâm Phát triển nông thôn, Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Bộ môn Nghiên cứu Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn).
Về phía các địa phương, hội thảo có sự tham dự trực tuyến của các đại biểu tại 10 điểm cầu ở 05 tỉnh và 05 huyện, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Văn phòng Điều phối nông thôn mới 05 tỉnh đang có huyện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu (gồm các tỉnh: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Đồng Nai); Ủy ban nhân dân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới 05 huyện đang thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, gồm các huyện: Hải Hậu (Nam Định); Nam Đàn (Nghệ An); Nghi Xuân (Hà Tĩnh); Đơn Dương (Lâm Đồng); Xuân Lộc (Đồng Nai).
Ảnh: Họp tham vấn ý kiến về quy định/hướng dẫn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, xây dựng nông thôn mới “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, huyện cần tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cho đến nay, nông thôn mới đạt chuẩn và nông thôn mới nâng cao đã có các tiêu chí cụ thể ở cấp xã và cấp huyện, nông thôn mới kiểu mẫu đã có quy định áp dụng đối với cấp xã, tuy nhiên nông thôn mới kiểu mẫu ở cấp huyện chưa có hướng dẫn hay quy định cụ thể mà mới chỉ đang triển khai thí điểm tại 04 huyện: Hải Hậu (Nam Định); Nam Đàn (Nghệ An); Đơn Dương (Lâm Đồng); Xuân Lộc (Đồng Nai). Ngoài 04 huyện điểm, trong Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nêu mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng huyện Nghi Xuân trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác cũng có kế hoạch/mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn này. Vấn đề đặt ra là: như thế nào là huyện nông thôn mới kiểu mẫu và cần có quy định hay hướng dẫn hay tiêu chí như thế nào để thực hiện và xét công nhận các huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025?
Trong báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Luân (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp) đã phân tích 05 quan điểm về huyện nông thôn mới kiểu mẫu: (1) Phải đảm bảo tính kế thừa, toàn diện và bền vững; (2) Phải đảm bảo tính đặc trưng; (3) Phải có tiêu chí đánh giá; (4) Phải hướng về cơ sở; (5) Phải hướng đến cách làm mới. Báo cáo cũng rút ra 05 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu: (1) Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cần có đề án thực hiện; (2) Đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cần kèm theo tiêu chí đối với lĩnh vực kiểu mẫu; (3) Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đòi hỏi phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, phải xác định xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; (4) Cần song hành giữa xây dựng nâng cao và kiểu mẫu; (5) Đề án cần có mục tiêu phù hợp, còn tiêu chí kiểu mẫu đặt ra trong đề án của 04 huyện chỉ nhằm thí điểm, làm động lực thúc đẩy chứ không chính thức sẽ trở thành thước đo để xét công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất một số quy định đối với huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 như:
(1) Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025;
(2) Có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã còn lại đạt ít nhất 17/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao;
(3) Có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực kiểu mẫu của huyện;
(4) Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp huyện của năm xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt từ …% trở lên;
(5) Có Đề án/Kế hoạch xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên phê duyệt;
(6) Đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ảnh: Slide trình bày tại hội thảo tham vấn
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng để công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trước hết huyện phải đảm bảo đạt được đầy đủ các quy định về huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, để đảm bảo tính kế thừa và nhất quán: nông thôn mới nâng cao là nền tảng quan trọng nhất và cần được duy trì bền vững, còn nông thôn mới kiểu mẫu là động lực hướng tới để phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương, không thể “quá độ” lên nông thôn mới kiểu mẫu khi chưa đảm bảo tốt các tiêu chí nâng cao. Các đại biểu cũng đồng tình với quan điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu phải thể hiện được những đặc trưng thực sự nổi bật, cho cả địa phương và vùng miền, để khi nhắc đến tên huyện thì lĩnh vực kiểu mẫu của huyện được biết đến như một điểm nhấn ấn tượng; và ngược lại khi muốn thăm quan một lĩnh vực/mô hình tiêu biểu ở nông thôn thì người ta gợi ý đến huyện như một điển hình.
Vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận là: quy định tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu là bao nhiêu phần trăm; lĩnh vực kiểu mẫu và tiêu chí kiểu mẫu cho lĩnh vực đó do cơ quan nào quy định; thủ tục công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu được tiến hành như thế nào; Thủ tướng Chính phủ hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định/hướng dẫn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025… Ông Trần Nhật Lam đề nghị nhóm nghiên cứu cần phân tích kỹ lưỡng, có báo cáo đánh giá kết quả thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 04 huyện điểm và báo cáo đề xuất dự thảo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với việc công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, trong đó có phân công các bộ, ngành liên quan xây dựng khung tiêu chí kiểu mẫu theo lĩnh vực đối với cấp huyện và có kèm theo quy định về việc áp dụng quy trình xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ…
Tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự hội thảo, ông Hoàng Vũ Quang giao nhóm nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu, đồng thời đề nghị tiếp tục phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức lấy ý kiến các địa phương và bộ, ngành để hoàn thiện đề xuất ban hành quy định/hướng dẫn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp cho giai đoạn 2021-2025 cũng như những năm tiếp theo./.
Đỗ Gia Phong, Nguyễn Ngọc Luân
(Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp/Ipsard)