Đánh giá giữa kì kết quả thực hiện các mục tiêu của Nghị định 31/2021/QH15 và 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án triển khai nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 cho thấy, trong 23 mục tiêu, 10 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 13 mục tiêu rất thách thức cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Trong 102 nhiệm vụ, có 35 nhiệm vụ đã hoàn thành và 30 nhiệm vụ đang hoàn thiện, 37 nhiệm vụ đang triển khai. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, có 63% số nhiệm vụ đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành.
Ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nêu rõ, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Nguồn: Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2023
Theo kết quả đánh giá giữa kỳ việc triển khai cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 2021-2025, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được đà tăng trưởng; Không gian kinh tế được mở rộng, tạo các động lực tăng trưởng mới, bền vững hơn; Xử lý một số dự án kém, tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; Các loại hình thị trường phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn. Kết quả sơ bộ sau gần 2 năm thực hiện cho thấy, có khoảng 10 trong số 23 chỉ tiêu (có thông tin đánh giá) có khả năng hoàn thành. Một số chỉ tiêu đạt kết quả khả quan như tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 31/2021/QH15 vẫn còn nhưng hạn chế như: Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể; Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm; Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt kì vọng; Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; Các loại thị trường hoạt động còn chưa hiệu quả, chưa bền vững. Trong 23 chỉ tiêu đặt ra, khả năng đạt được 13 chỉ tiêu còn lại gặp thách thức rất lớn, thậm chí có một số chỉ tiêu rất khó đạt, đặc biệt là các chỉ tiêu quan trọng như tăng năng suất lao động, số lượng doanh nghiệp. Các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại tổ chức tín dụng, mặc dù cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng khả năng hoàn thành mục tiêu gặp nhiều khó khăn”. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Mức độ cải thiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 2021-2022 là 4,7%, năm 2023 ước tăng 4%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình giai đoạn 2016-2020 (5,9%). Tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo trong GDP tăng chậm, năm 2021 là 24,3%, năm 2022 là 24,7%. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới. Ngoài ra, phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm, năng lực hấp thụ vốn giảm. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng chậm lại, quy mô còn nhỏ, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa theo kịp tiến trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số. Doanh nghiệp tư nhân trong nước tuy đã từng bước tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhưng chủ yếu vẫn ở những giai đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, liên kết giữa doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn yếu, chưa có nhiều cải thiện.
Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp để triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế: Hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung nguồn lực sửa đổi, bổ sung và xây dựng hệ thống pháp luật mới nhằm khai thác tốt hơn các cơ hội mới, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa, tuần hoàn; Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm; Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển một số doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi giá trị; Phát huy vai trò đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất./.
Nguyễn Trung Kiên/Bộ Môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/Ipsard