Nghịch lý muốn thừa kế đất nông nghiệp phải có giấy xác nhận là... 'nông dân'

16/10/2023

Nhiều người được nhận thừa kế, tặng, cho hoặc sang nhượng đất nông nghiệp đang gặp rắc rối khi phải hoàn thành yêu cầu ‘giấy xác nhận là nông dân’ trực tiếp sản xuất mới được nhận đất. Quy định này dường như đã lỗi thời nhưng vẫn tồn tại trong các văn bản pháp luật một thời gian dài, gây khó khăn cho người dân.

Thực chất chuyện phải có xác nhận"nông dân" mới được thừa kế đất nông nghiệp đã có từ lâu nhưng không phải ai cũng biết hoặc việc triển khai tại các địa phương chưa rõ ràng. Chỉ đến khi, làn sóng người dân di cư về quê sinh sống, nhiều doanh nghiệp đóng cửa thời kỳ hậu Covid-19 khiến hàng triệu công nhân về quê sống bám vào đất nông nghiệp của cha mẹ, anh chị em thì vấn đề này mới nổi lên tại nhiều địa phương.

Không sản xuất nông nghiệp, không được nhận thừa kế đất

Cụ thể là tại Điều 191 Luật Đất đai 2013 đã quy định, những trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận, tặng, cho quyền sử dụng đất nếu: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận, tặng quyền sử dụng đất trồng lúa".

Còn tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTC quy định rõ căn cứ xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cá nhân được hưởng lương thường xuyên, đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội thì không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Theo quy định, luật không yêu cầu ai nhận đất nông nghiệp cũng phải có xác nhận "nông dân". Cụ thể trong Luật Đất đai 2013 chỉ yêu cầu không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa nếu hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trừ đất lúa, các loại đất nông nghiệp khác không bị hạn chế quyền được cấp giấy chứng nhận cho người dân

Nhưng thực tế, dù chỉ quy định là đất trồng lúa nhưng điều này cũng gây bất cập, khó khăn cho nhiều người nên mới có chuyện ông bác sĩ, anh kỹ sư … cũng phải đi xin xác nhận là 'nông dân' khi chuyển nhượng, tặng cho đối với đất nông nghiệp nói chung, gồm đất trồng lúa và các loại đất khác.

-7732-1696933454.jpg

Phải có xác nhận "nông dân" mới được thừa kế, tặng, cho đất nông nghiệp là không hợp với thực tiễn.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích, việc trong luật yêu cầu xác nhận “nông dân" xuất phát từ nguyên nhân Việt Nam vốn là nước nông nghiệp nên để bảo đảm vấn đề an ninh lương thực, luật luôn nghiêng về các chính sách bảo vệ đất trồng lúa. Ngay như việc cho chuyển đổi đổi đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản hiện nay cũng phải đảm bảo có thể hoàn trả lại mặt đất phục vụ trồng lúa sau khi dừng nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, giai đoạn trước đây, Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, HTX canh tác vì vậy, sau này khi hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa phải giao lại cho đúng người có nhu cầu để bảo đảm vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Chẳng hạn, một ông nông dân cho 2 con học thành bác sĩ, kỹ sư. Khi ông nông dân này mất, nếu 2 người con cùng thừa kế đất nông nghiệp của bố, thì chắc chắn họ sẽ không thể tiếp tục trồng lúa, làm nông nghiệp mà có thể để hoang hoặc cho thuê đất. Điều này vừa gây lãng phí đất nông nghiệp, không bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực.

Luật phải hợp thực tiễn

Tuy nhiên, xét trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước và nhiều địa phương đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ. Từ đó, mô hình bố mẹ ở quê làm nông dân nhưng con cái làm các ngành phi nông nghiệp như công nhân, bác sĩ… rất nhiều, thậm chí là phổ biến.

Và xét trên khía cạnh công việc, điều kiện kinh tế, nhiều gia đình dù bố mẹ làm nông nhưng con cái chắc chắn không muốn tiếp tục làm nông nghiệp. Nhưng dù sao, đây cũng là đất của bố mẹ họ để lại nên những người làm trong ngành phi nông nghiệp vẫn có quyền thừa kế, được sang tên đổi chủ. Nhưng để được nhận phần đất này từ cha ông, họ phải chứng minh mình là "nông dân" thì chắc chắn không được bởi họ đâu có trực tiếp sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp của bố mẹ. Còn nếu trường hợp họ có được giấy xác nhận “nông dân” thì có lẽ chỉ là do gian lận bằng hình thức nào đó.

Như vậy, theo GS Đặng Hùng Võ, quy định phải có giấy xác nhận "nông dân" là không phù hợp với thực tiễn hiện nay vì tạo ra những bất hợp lý, gây khó cho người dân.

Quy định này vô hình chung đã tách hộ nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm tách bạch tư cách con nhà nông dân “ly hương” thành công nhân với con nông dân “bám trụ” trên đồng ruộng vẫn được công nhận là nông dân. Điều này chẳng khác gì việc người anh phải xa xứ lên thành phố làm công nhân nhưng nay doanh nghiệp mà người anh đang làm phải ngưng hoạt động,  khi người anh phải về quê sống thì phải chấp nhận cảnh "ăn bám" người em, người chị nông dân của mình.

Nhất là trong điều kiện nhiều người là công nhân phải về quê trốn dịch Covid và trong thời kỳ hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, khiến hàng triệu công nhân phải quay về quê sống nhưng không có đất để phát triển kinh tế mà phải sống 'tầm gửi' vào đất nông nghiệp của cha mẹ, anh chị em mình lại càng không hợp lý.

Chính vì vậy, việc bỏ quy định này trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là cần thiết. Nhưng nhiều người cũng cho rằng, không biết quy định này được sửa đổi thì khi có luật mới, các nhà quản lý có “đẻ” thêm những quy định khác gây khó khăn, trái thực tiễn cho người dân không?

Đi liền với đó, việc tiếp cận chính sách pháp luật không phải ai cũng rõ, nhất là với người nông dân nên cần có sự phổ biến, hướng dẫn phù hợp, tránh tình trạng quy định xác nhận “nông dân” đã có nhiều năm nhưng đến thời điểm gần đây với rộ lên, cho thấy những quy định ngang trái nhưng vẫn sống dai dẳng trong một thời gian dài.

Minh Nhương


vnbusiness.vn

Tin khác