Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 (World Food Day) có chủ đề “Nước là sự sống, Nước là thực phẩm. Không bỏ ai ở lại phía sau” (Water is Life, Water is Food. Leave No One behind). Chủ đề năm nay nhằm mục đích nêu bật vai trò quan trọng của nước đối với sự sống trên trái đât và nước là nền tảng cho sản xuất lương thực, thực phẩm. Với chủ đề này, các chuyên gia và các nhà hoạt động mong muốn nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của việc quản lý nước một cách thông minh trong bối cảnh dân số tăng nhanh, phát triển kinh tế nóng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đang đe dọa nguồn nước sẵn có.
Một vài con số:
- 95% lương thực được sản xuất ra trên mặt đất, và đều bắt nguồn từ đất và nước.
- Sản xuất nông nghiệp chiếm tới 72% lượng nước được hút từ nước mặt hay nước ngầm trên toàn cầu, chủ yếu để phục vụ hoạt động tưới tiêu, ngoài ra còn để chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Tỷ lệ này có thể lên tới 95% ở một số quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ này trong các ngành công nghiệp chỉ sử dụng 16%, các hộ gia đình và dịch vụ tại đô thị sử dụng 12%.
- Hơn 600 triệu người phụ thuộc, hoặc phụ thuộc một phần, vào các hệ thống sản xuất thủy sản để có nguồn sinh kế
- Trên thế giới, hiện 2,4 tỷ người sống tại các quốc gia đang trong tình trạng thiếu nước, và khoảng 10% dân số toàn cầu đang sống tại các quốc gia đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn ngước ở mức độ cao và rất nghiêm trọng.
- Cứ năm trẻ em trên toàn thế giới thì có một trẻ không có đủ nước cho nhu cầu hằng này và trẻ em ở hơn 80 quốc gia sống trong các khu vực dễ bị tổn thương về nước ở mức cao, điều đó có nghĩa là các khu vực này phụ thuộc vào nguồn nước mặt, các nguồn nước chưa được xử lý hay các nguồn nước phải mất hơn 30 phút để có thể lấy được.
- Hơn 80% lượng nước thải được đưa ra môi trường mà không qua xử lý
- Khoảng 74% các đợt thiên tai xảy ra trong giai đoạn từ 2001-2018 có liên quan tới nước, gây thiệt hại kinh tế khoảng hơn 700 tỷ đô la
- Từ năm 2000, các đợt thiên tai gắn với lũ lụt tăng 134%, và số lượng và thời gian các đợt hạn hán tăng thêm 29%
- Đất ngập nước – nguồn đa dạng sinh học nhất trong các hệ sinh thái – đang mất dần đi, với tốc độ gấp 3 lần so với rừng. Diện tích đất ngập nước đã mất đi 85% trong vòng 300 năm qua.
- Gần 1 tỷ tấn lương thực – tương đương với 17% lượng lương thực phục vụ cho tiêu dùng trên thế giới – bị bỏ đi mỗi năm, dẫn tới việc lãng phí các tài nguyên quý giá, như nước, để sản xuất lương thực, thực phẩm.
- Nhu cầu sử dụng nước sạch trên toàn cầu đã tăng gấp sáu lần trong 100 năm qua và đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 1%/năm kể từ những năm 1980. Nhu cầu nước cho sản xuất lương thực toàn cầu được dự đoán tăng 35% vào năm 2050.
- Cứ 10 người trên toàn thế giới thì có bốn người không có đủ nước an toàn để uống. Cho tới năm 2050, hơn một nửa dân số toàn cầu được cho là sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, phát sinh khi nhu cầu vượt quá các nguồn nước sẵn có.
- Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hình thái mưa, giảm lượng nước sẵn có và làm trầm trọng hơn thiệt hại do lũ lụt và hạn hán trên toàn thế giới. Sự tan chảy của các lớp băng bao phủ và sông băng đang gây ra nhiều hệ quả hơn, như các trận lũ quét trong ngắn hạn, đồng thời đe dọa làm giảm các nguồn cung nước cho hàng trăm triệu người trong tương lai.
- Giảm nhiệt độ tăng lên toàn cầu, sẽ có lợi cho nguồn nước và giảm thiếu hụt nước do biến đổi khí hậu gây ra.
(Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Phát triển nông thôn/Ipsard tổng hợp từ Báo cáo Phát triển nước Thế giới 2021 của Liên Hợp Quốc: "Định giá nguồn nước")