Nội dung chính của Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu
Theo Quy định, Liên minh Châu Âu sẽ cấm nhập khẩu mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Tất cả 100% các sản phẩn nông nghiệp vào Liên minh Châu Âu phải có thông tin định vị bằng hệ thống giám sát viễn thám. Liên minh Châu Âu yêu cầu các doanh nghiệp cần xác định chính xác lô đất nơi các sản phẩm nông sản được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020; tiến hành phân loại các quốc gia theo ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro tiêu chuẩn và rủi ro cao dựa trên đánh giá khách quan và minh bạch; yêu cầu các công ty bán cà phê ở Liên minh Châu Âu thu thập tọa độ, vị trí của trang trại, vườn sản xuất cà phê ở các nước, đề xuất yêu cầu dán nhãn các quốc gia trồng cà phê có mức độ rủi ro thấp hoặc mức độ rủi ro cao; cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng yêu cầu thẩm định nghiêm ngặt hơn so với các vùng rủi ro thấp, cụ thể, tỉ lệ kiểm tra lần lượt được tính như sau: 9% với rủi ro cao, 3% với rủi ro tiêu chuẩn và 1% với rủi ro thấp.
Các cơ quan có thẩm quyền của Liên minh Châu Âu sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (như tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ đâu. Các hình phạt đối với việc không tuân thủ luật sẽ ở mức ít nhất là 4% tổng doanh thu hằng năm tại Liên minh Châu Âu của bên vi phạm.
Với 9 hệ thống tiêu chuẩn tự nguyện phổ biến nhất thế giới gồm ISCC, Fairtrade, Rainforest Alliance & UTZ, RSPO, ISPO/MSPO, RTRS, ProTerra, FSC, PEFC nhưng vẫn chưa đạt quy chuẩn nông sản bền vững. Theo đó, các diễn đàn/hiệp hội nông sản EU vẫn đang tiếp tục nỗ lực cải thiện các hệ thống tiêu chuẩn này. Trong bối cảnh đó, rất cần sự hỗ trợ của các chính phủ, luật pháp quốc gia và sự giám sát rộng lớn của cộng đồng quốc tế để có thể tiến tới những cam kết đồng bộ theo Luật Chống phá rừng.
Ngoài ra, phía Châu Âu cũng yêu cầu các nhà sản xuất phải chứng minh sản phẩm đảm bảo quyền con người, tôn trọng đời sống an sinh xã hội của người dân bản địa.
Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu, cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam bứt phá chứng minh chủ trương phát triển xanh và bền vững với thế giới.
Thách thức cho cà phê Việt Nam
Đối chiếu với quy định này, những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và cà phê sẽ chịu ảnh hưởng khi chính thức được áp dụng, đặc biệt là cà phê, đối tượng cây trồng đang có một số diện tích xen kẽ với rừng.
Quy định chống phá rừng định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác. Điều này có nghĩa rừng sản xuất (chủ yếu trồng cây công nghiệp như cao su, hạt điều, cà phê, tiêu, chè...) vốn đang chiếm tới hơn 52% diện tích rừng của Việt Nam không mang tính bền vững và có nguy cơ có thể bị liệt vào khái niệm “suy thoái rừng”. Theo Công ty ENVERITAS (tổ chức phi chính phủ về phát triển bền vững của Mỹ) báo cáo tại Hội thảo của ICO về chống phá rừng, Việt Nam có khoảng 8.000 ha vùng trồng cà phê thuộc 90.000 ha rừng bị mất vào năm 2021. Ngoài ra, giá cà phê Việt Nam niên vụ 2023/2024 lên đến mức kỷ lục 70.000 đồng/kg, có thể mang đến nguy cơ người dân phá rừng để trồng cây cà phê. Đây cũng đang là thời điểm cảnh báo việc phá rừng để sản xuất.
Thách thức tiếp theo của ngành cà phê Việt Nam là nền tảng sản xuất nhỏ lẻ. Việt Nam có trên 1 triệu hộ nông dân trồng cà phê, trong đó có hơn 70% hộ nông dân có diện tích dưới 0,5 ha, do vậy việc truy xuất nguồn gốc chứng minh trước năm 2020 về sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng rất khó khăn, đặc biệt khi tổ chức áp dụng đồng bộ quy định mới.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin ngành hàng chưa được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống định vị vườn trồng, truy xuất nguồn gốc. Việt Nam chưa có bản đồ phân các vùng trồng rủi ro cao, rủi ro thấp về trồng cà phê, chi phí xây dựng bản đồ định vị vườn cà phê để truy xuất nguồn gốc là rất lớn; vùng trồng cà phê manh mún nhỏ lẻ vì vậy thông tin định vị GPRS đòi hỏi tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức.
Hiện nay mới chỉ có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Nestle đã tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để chứng minh yêu cầu của thị trường Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, nếu mỗi doanh nghiệp tự xây dựng một hệ thống này thì chi phí tăng lên rất cao, người mua phải trả giá cao hơn, người bán thì bị trả giá thấp. Vì vậy, trước hết Việt Nam cần phải có một cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng và vườn trồng cà phê để chứng minh được nguồn gốc hàng hóa được sản xuất trên đất không phá rừng, đảm bảo hoạt động xuất khẩu thông suốt.
Đối với vấn đề tuân thủ luật pháp liên quan của quốc gia sản xuất, bao gồm cả quyền con người, việc sản xuất phải tôn trọng đời sống an sinh của người dân bản địa, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm khi điều kiện sản xuất ở nước ta còn nhiều hạn chế như lạm dụng phân bón, ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng và ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, báo cáo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế gần nhất (năm 2018) đơn phương cho rằng ngành công nghiệp cà phê Việt Nam có trường hợp không chỉ liên quan đến nạn phá rừng mà còn sử dụng lao động trẻ em chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc thiểu số. Điểm nhạy cảm này theo quy định mới cà phê của ta xuất khẩu sang Liên minh Châu Âurất có thể sẽ là mặt hàng đầu tiên bị giám sát ở mức độ cao nhất, trong khi đây là hàng hóa xuất khẩu hàng đầu vào thị trường này (chiếm tới 11% thị trường Liên minh Châu Âu).
Cơ hội cho cà phê Việt Nam
Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững và những nhà nhập khẩu cà phê lớn của Châu Âu đánh giá Việt Nam phá rừng sản xuất cà phê là rất thấp, tỷ lệ phá rừng để sản xuất cà phê của Việt Nam chưa đến 0,1%; do vậy sản phẩm nông sản cà phê của Việt Nam có cơ hội lớn tránh được việc vi phạm quy định của Châu Âu.
Từ năm 2014, Việt Nam đã có chủ trương đóng cửa, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và ngày 22/07/2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2017 Việt Nam cơ bản chấm dứt hoàn toàn cho phép khai thác chính và tận thu gỗ rừng tự nhiên, trong khi đó, quy định của Liên minh Châu Âuchỉ áp dụng từ ngày 31/12/2020.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc, chính phủ Việt Nam, đặc biệt là phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình về mã số vùng trồng cho cây cà phê vói nhiều mô hình về truy xuất nguồn gốc. Hiện nay có khoảng 40% diện tích cà phê theo các tiêu chuẩn bền vững của các nhà thu mua lớn trên thế giới (4C, UTZ, ...)...
Việt Nam đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu
Đánh giá về tác động của quy định mới của Liên minh Châu Âu về phòng chống phá rừng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, quy định của Liên minh Châu Âu về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê, vừa là thách thức vừa là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam cấu trúc lại các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cà phê để phát triển bền vững, chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh.
Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường Liên minh Châu Âu. Để sớm đáp ứng và có lộ trình thực hiện quy định này của Liên minh Châu Âu, nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của Liên minh Châu Âu về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản. Việt Nam cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, bản đồ về rừng và vùng trồng cà phê; thống nhất với Liên minh Châu Âu để hỗ trợ khai báo sao cho được chấp nhận, có kế hoạch hành động thích ứng với đạo luật quy định chống phá rừng Châu Âu, có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, tuyên truyền phổ biến quy định chống phá rừng Châu Âu đến cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp và người trồng cà phê.
Hiệp hội Cà phê ca - cao Việt Nam, các tổ chức kinh tế, các tổ chức phi chính phủ , các cơ quan quản lý nhà nước cùng cùng cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc truy xuất nguồn gốc cà phê tại vườn.
Trong giai đoạn chuyển giao từ nay tới 2025 (khi Luật Chống phá rừng chính thức có hiệu lực), doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn buộc phải chọn lựa tham gia một trong các hệ thống tiêu chuẩn tự nguyện được chính quyền Liên minh Châu Âu khuyến khích. Tuy nhiên việc tham gia này cần chuyển hướng sang tập trung toàn diện hơn là chạy theo số lượng, tham gia một hệ thống tiêu chuẩn cho toàn bộ quy trình của một sản phẩm, thay vì tham gia nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng phần quy trình cung ứng của sản phẩm đó.
Ngày 29/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Tổ chức Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tổ chức Hội nghị “Sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng theo quy định của Liên minh châu Âu”. Biên bản ghi nhớ về phát triển ngành hàng cà phê theo hướng giảm phát thải, không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng, đảm bảo sinh kế cho nông hộ được ký kết tại Hội nghị giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Nghị viện Châu Âu và các cơ quan liên quan. Nghị viện Châu Âu sẽ triển khai dự án “Nông nghiệp bền vững vì các hệ sinh thái rừng” (Dự án SAFE). Dự án này sẽ hỗ trợ chuyển đổi các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng theo quy định EUDR tại Việt Nam, trong đó tập trung vào ngành hàng cà phê là ngành bị ảnh hưởng chính bởi Quy định chống phá rừng.
Bên cạnh đó, Nghị viện Châu Âu khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia lớn và các tổ chức phát triển như Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hình thức đối tác công - tư. Việc hợp tác này nhằm triển khai việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả, chi phí thấp, tăng cường hệ thống giám sát và chuyển đổi sinh kế cho nông dân ở những vùng rủi ro. Đây là nền tảng để đảm bảo đưa Việt Nam vào nhóm rủi ro thấp khi áp dụng quy định chống phá rừng Châu Âu, xây dựng uy tín và thương hiệu cho nông sản Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.
Khung Kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng quy định chống phá rừng Châu Âu cũng được trình bày lần đầu tiên bao gồm các nội dung:
- Thành lập các nhóm đối tác công tư cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi quy định chống phá rừng Châu Âuvà triển khai các hoạt động hợp tác công tư;
- Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền, phổ biến quy định quy định chống phá rừng Châu Âuđến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng;
- Xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng;
- Xây dựng cơ chế chia sẻ và phản hồi thông tin;
- Xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng triển khai cơ chế tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng;
- Xây dựng và triển khác các mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững tại các vùng rủi ro;
- Xây dựng kênh đối thoại thường xuyên với Liên minh Châu Âu, tổng hợp, chia sẻ thông tin định kỳ;
- Huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng thích ứng với quy định chống phá rừng Châu Âu./.
Triệu Mỹ Hạnh, Bộ Môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng/Ipsard