Thuốc bảo vệ thực vât: đánh giá rủi ro và các vấn đề an toàn

21/11/2023

Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, đến năm 2050 dân số thế giới sẽ vào khoảng 9,1 tỷ người. Diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, phát triển giao thông, công nghiệp, xây dựng nhà ở. Một trong các giải pháp bảo vệ an ninh lương thực và đảm bảo năng suất cây trồng là thuốc bảo vệ thực vật. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp để ngăn ngừa hoặc kiểm soát sâu bệnh, bệnh tật, cỏ dại và các mầm bệnh thực vật khác nhằm giảm hoặc loại bỏ tổn thất năng suất và duy trì chất lượng sản phẩm cao. Bên cạnh những lợi ích với cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật cũng gây tác động khôn lường đến đến môi trường và con người.

Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Trong khi đó, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Mặc dù thuốc trừ sâu được phát triển thông qua các quy trình quản lý rất nghiêm ngặt để giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người và môi trường, nhưng tình trạng bà con nông dân lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng cho cây trồng đang khá phổ biến, dẫn đến những lo ngại nghiêm trọng về rủi ro sức khỏe do phơi nhiễm nghề nghiệp và do dư lượng trong thực phẩm và nước uống. Việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu nghề nghiệp thường xảy ra trong trường hợp công nhân nông nghiệp trên đồng ruộng và nhà kính, công nhân trong ngành sản xuất thuốc trừ sâu. Sự phơi nhiễm của người dân nói chung với thuốc trừ sâu xảy ra chủ yếu thông qua việc ăn thực phẩm và nước uống bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, trong khi việc phơi nhiễm đáng kể cũng có thể xảy ra trong hoặc xung quanh nhà. Theo đánh giá nguy cơ sức khỏe do độc tính và khả năng phơi nhiễm thuốc trừ sâu cho thấy: con người tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu độc tính vừa phải có nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn so với tiếp xúc ít với thuốc trừ sâu độc tính cao. Nhưng liệu việc phơi nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu có trong thực phẩm và nước uống thông qua chế độ ăn có đe dọa sức khỏe con người hay không, vẫn là chủ đề gây tranh cãi quyết liệt trong giới khoa học.

Trong một cuộc thử nghiệm độc tính đánh giá nguy cơ của thuốc bảo vệ thực vật đến sức khỏe con người, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã đánh giá được rủi ro của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người. Kết quả cho thấy, thông thường liều LD50 phơi nhiễm qua đường miệng thấp hơn qua da vì thuốc trừ sâu có thể xâm nhập vào máu qua dạ dày dễ hơn qua da. Đáng lưu ý là độc tính thực của sản phẩm thuốc trừ sâu thương mại bị ảnh hưởng bởi công thức thuốc. Ví dụ, thuốc bảo vệ thực vật độc tính cao khi được sản xuất ở dạng nhũ tương đậm đặc sẽ độc hại hơn ở dạng huyền phù vi nang do số lượng thành phần hoạt tính cao hơn. Ngoài ra, thuốc ở dạng nhũ tương đặc độc hơn dạng huyền phù vi nang vì nó thường chứa rất nhiều dung môi hữu cơ hộc hại. Hơn nữa, công thức thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng thường có độc tính cao hơn nhiều công thức thuốc dạng rắn tương ứng vì chất rắn thường khó thâm nhập qua da hơn.

Bảng 1: Độc tính cấp tính của thuốc bảo vệ thực vật theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới

Loại

Phân loại

LD 50 cho chuột (mg/kg bw)

Miệng

Ngoài da

Rắn

Chất lỏng

Rắn

Chất lỏng

Ia

Cực kỳ nguy hiểm

<5

<20

<10

<40

Ib

Rất nguy hiểm

5–50

20–200

10–100

40–400

II

Nguy hiểm vừa phải

50–500

200–2.000

100–1.000

400–4.000

III

Hơi nguy hiểm

>501

>2.001

>1.001

>4.001

U

Không giống như trình bày mối nguy hiểm cấp tính

>2.000

>3.000

Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới

Liên quan đến các tác động bất lợi đối với môi trường (ô nhiễm nước, đất và không khí do rửa trôi, chảy tràn và phun trôi, cũng như các tác động bất lợi đối với động vật hoang dã, cá, thực vật và các sinh vật khác), nhiều tác động trong số này phụ thuộc vào độc tính của thuốc trừ sâu, các biện pháp được thực hiện trong quá trình sử dụng, liều lượng sử dụng, khả năng hấp phụ của chất keo trong đất, điều kiện thời tiết phổ biến sau khi sử dụng và thời gian thuốc trừ sâu tồn tại trong môi trường.

Đặc biệt, việc sử dụng thuốc trừ sâu không phù hợp có liên quan đến: (1) tác động bất lợi đối với các sinh vật không phải mục tiêu gây hại (ví dụ: giảm quần thể các loài có ích), (2) ô nhiễm nước do thuốc trừ sâu lưu động hoặc do trôi dạt thuốc trừ sâu, (3) ô nhiễm không khí từ thuốc trừ sâu dễ bay hơi, (4) tổn thương cây trồng không phải mục tiêu do trôi dạt thuốc diệt cỏ, (5) tổn thương đối với cây trồng luân canh do dư lượng thuốc diệt cỏ vẫn còn trên đồng ruộng, (6) tổn thương cây trồng do tỷ lệ phun cao, phun sai thời điểm hoặc điều kiện môi trường không thuận lợi trong và sau khi sử dụng thuốc trừ sâu.

Hiện nay, các thành tựu về nghiên cứu, phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp khắc phục các nhược điểm và phát huy ưu thế và hiệu quả sử dụng thuốc sinh học bảo vệ thực vật tốt hơn. Những năm gần đây, các nhà khoa học tại nhiều nước đã tập trung nghiên cứu, phát triển được nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứa các vi sinh vật có ích, nguồn gốc tự nhiên, thảo mộc… không những có hiệu lực cao mà còn có giá thành sản phẩm thấp, dễ bảo quản, dễ sử dụng… Đây sẽ là động lực cho người sản xuất, người kinh doanh và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến nông và truyền thông, nhận thức, hiểu biết của nông dân trong bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, cộng đồng và môi trường sinh thái ngày càng được nâng cao, tránh phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Một số biện pháp cụ thể gồm:

-                Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp: Bên cạnh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì việc áp dụng các biện pháp canh tác cơ bản như vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối, luân canh, xen canh cây trồng, sử dụng giống kháng và tuân thủ lịch thời vụ cũng có thể làm sâu bệnh ít xuất hiện, giảm việc phun thuốc giai đoạn đầu vụ.

-                Áp dụng phương pháp đấu tranh sinh học để quản lý sâu hại trên đồng ruộng bằng cách sử dụng thiên địch (bọ xít hoa gai vai nhọn Eocanthecona furcellata), ong ký sinh... từ đó giúp giảm lượng thuốc trừ sâu nông dân sử dụng, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

-                Công nghệ sinh thái cũng có thể áp dụng để khống chế sâu hại trên ruộng, làm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Kết luận:

Thuốc bảo vệ thực vật đã đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất nông sản, giúp duy trì sản lượng sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Mặc dù thuốc bảo vệ thực vật được phát triển để sử dụng với rủi ro tối thiểu cho sức khỏe con người và môi trường, nhiều nghiên cứu đã nêu lên mối lo ngại về rủi ro sức khỏe do nông dân (hoặc những người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cuối cùng khác) và do sự phơi nhiễm phi nghề nghiệp của người dân với dư lượng tìm thấy trên thực phẩm và nước uống. Một số chỉ số đã được sử dụng để đánh giá nguy cơ tiềm ẩn của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người và môi trường.

Ngoài ra, yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ… ở trong và ngoài nước đang là một động lực và áp lực có hiệu quả khuyến khích người sản xuất sử dụng rộng rãi thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân hữu cơ vi sinh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là một xu thế khách quan, tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Và đây cũng là một cơ hội và động lực mạnh mẽ thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất, cung ứng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam ./.

(Nguyễn Trung Kiên, Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược)


Tin khác