CÁC RÀO CẢN TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ: HÀNG RÀO AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT

03/01/2024

Tham gia thương mại quốc tế, nông sản Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều rủi ro và rào cản. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những thay đổi để đáp ứng và phù hợp với các yêu cầu và tiêu chuẩn của các thị trường truyền thống và thị trường mới, cạnh tranh được với nhiều cường quốc nông sản lớn trên nhiều mặt hàng nông sản. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (16 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, 3 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán). Hội nhập mang lại nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam như: mở cửa thị trường, tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đầu vào, thu hút mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào chế biến, khoa học công nghệ.

 

Tuy nhiên, nhiều rào cản thương mại đã và đang là những thách thức lớn cho xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam như Hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, Hàng rào kỹ thuật thương mại, quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại để tận dụng các ưu đãi về thuế quan, bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá. Nhiều tiêu chuẩn mới phức tạp hơn được đặt ra như yêu cầu sản xuất bền vững, sản xuất xanh, giảm phát thải các bon, bảo vệ môi trường, các quy định về lao động trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, Việt Nam cũng phải chú ý hơn các vấn đề về sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia thương mại quốc tế. Trong số nhiều rào thương mại phi thuế quan, nông sản Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn nhất đối với Hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật – đây là điểm yếu chưa được khắc phục triệt để trong toàn chuỗi cung ứng và đang là thách thức hiện hữu và lâu dài của nông sản Việt Nam khi tham gia thương mại quốc tế.

A ship in a harborDescription automatically generated

Nguồn: Ảnh của viet_ngoaithuong@yahoo.com.

Hiện nay, chất lượng, tính an toàn nguyên liệu và sản phẩm nông sản Việt Nam liên tục được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn với các yêu cầu của thị trường truyền thống và thị trường mới. Tỷ lệ nông sản không đáp ứng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đã có chiều hướng giảm, nhưng thiếu ổn định. Thị trường quốc tế đã nới lỏng hàng rào thuế quan thông qua các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhưng vẫn tiếp tục tăng cường hàng rào kỹ thuật phi thuế quan ở mức cao nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, hàng rào kiểm dịch động thực vật ngày càng được nâng cao với nhiều yêu cầu mới, phức tạp hơn và với nhiều hình thức khác nhau.

Trong khi, sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong thương mại quốc tế liên quan đến kiểm dịch động thực vật khi hệ thống sản xuất vẫn tồn tại nhiều vấn đề hạn chế cần quan tâm như i) Dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ii) Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm cao (MRLs) và các chất tồn dư khác (đặc biệt là thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ); iii) Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng chưa theo kịp với những yêu cầu thị trường (quản lý từ vùng trồng, vùng nuôi đên cơ sở thu mua, phân loại, đóng gói, yêu cầu về thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt chuẩn và được công nhân tương đương với các nước). Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm i) Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng đầu vào thiếu thống nhất và chưa tuân thủ đúng quy trình, hệ thống sản xuất chưa thay đổi kịp thời với yêu cầu của thị trường; ii) Năng lực tổ chức quản lý và kiểm soát chưa tốt trên toàn chuỗi cung ứng, ii) Nhiều sản phẩm nông sản chế biến đang sử dụng nguồn nguyên liệu khác nhau (trong vùng quản lý, ngoài vùng quản lý, nhập khẩu nước thứ 3 ..), iii) Thiếu các đơn vị cung cấp dịch vụ công hiệu quả cho doanh nghiệp và người sản xuất như cung cấp thông tin, kiến thức về kiểm dịch động thực vật của các nước, hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng kiểm dịch động thực vật. Mặt khác, tiêu chuẩn và chính sách kiểm dịch động thực vật các nước liên tục được cập nhật, đổi mới và duy trì ở mức cao so với điều kiện hiện tại trong hệ thống sản xuất và chế biến trong nước. Nhiều biện pháp đột xuất cũng được các nước tăng cường áp dụng. Trong khí đó, vai trò của cơ quan/tổ chức hỗ trợ và các hiệp hội còn yếu trong việc hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và thương nhân trong tiếp cận và hiểu rõ các quy định, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật của các nước đối tác.

Theo đó, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn cạnh tranh bằng giá thấp và nguồn cung lớn, vẫn tập trung một số thị trường truyền thống. Một số nông sản Việt Nam bị cảnh báo hoặc bị trả lại khi xuất khẩu sang thị trường các nước, đặc biệt là các thị trường giá trị cao như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Đối với các sản phẩm bị cảnh báo hoặc trả lại sẽ bị các đối tác tăng cường mức độ và tần suất kiểm tra, làm kéo dài thời gian giao hàng (tăng thời gian kiểm tra, lưu kho ở các cảng), theo đó làm giảm chất lượng sản phẩm. Việc tăng tần suất kiểm tra làm tăng chi phí, thiệt hại tài chính và trực tiếp ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng cho doanh nghiệp và cả quốc gia. Đồng thời, nguy cơ sản phẩm bị trả lại bị mất quyền xuất khẩu về dài hạn. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng sau thu hoạch (kho lạnh, logistics) yếu kém dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp hơn nhiều đối thủ và phụ thuộc vào các thị trường gần và thị trường truyền thống như Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhìn chung, để kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng, chi phí tuân thủ khá lớn khi chuỗi cung ứng của Việt Nam khá phức tạp, nhiều tác nhân tham gia và quy mô sản xuất manh mún. Mặt khác, đối với các biện pháp đột xuất của các nước áp dụng, doanh nghiệp khó thay đổi kịp thời để đáp ứng, theo đó nguy cơ bị trả lại hàng, tăng thời gian và chi phí lưu tại các cảng và cửa khẩu giảm chất lượng sản phẩm.

Về dài hạn, các rào cản về kiểm dịch động thực vật tiếp tục có nhiều thay đổi với mức độ cao, phức tạp và nhiều hình thức khác nhau. Do đó, hệ thống tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần tiếp tục chuyển đổi theo hướng chủ động đáp ứng sự thay đổi của thị trường.

A truck on the roadDescription automatically generated

Nguồn: Ảnh của viet_ngoaithuong@yahoo.com.

 

Th.S Bùi Thị Việt Anh – Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp

 


Tin khác