Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, nền nông nghiệp thâm canh, phụ thuộc vào hóa chất đầu vào cùng với quá trình công nghiệp hóa nông thôn đã để lại những hậu quả nghiêm trọng như suy thoái đất, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường, thu hẹp diện tích đất canh tác. Đứng trước những vấn đề trên, Trung Quốc đã lựa chọn phát triển nông nghiệp sinh thái là cách tiếp cận trong sản xuất để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo nguồn cung lương thực, phục hồi hệ sinh thái và môi trường xung quanh.
Thuật ngữ “nông nghiệp sinh thái” bắt đầu được sử dụng tại Trung Quốc từ những năm cuối thế kỷ XX và được hiểu là một hệ thống nông nghiệp bền vững, kết hợp các kỹ thuật tiên tiến hiện đại với kiến thức truyền thống dựa trên các nguyên tắc sinh thái. Theo Luo (2016), nông nghiệp sinh thái xem xét mối quan hệ giữa các sinh vật nông nghiệp với bối cảnh xã hội và môi trường xung quanh nhằm tìm hiểu sự tương tác, sự tiến hóa, quy luật và sự phát triển bền vững của các thành phần trên. Quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc được chia thành 4 giai đoạn chính: (i) Giai đoạn 1 - từ cuối những năm 1970 đến giữa những năm 1980: tập trung nghiên cứu và thử nghiệm trên diện tích nhỏ; (ii) Giai đoạn 2 - từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 1990: tập trung vào thành lập các làng nông nghiệp, trang trại và nghiên cứu các mô hình kỹ thuật sinh thái và công nghệ đặc biệt; và bắt đầu thực hiện thí điểm huyện nông nghiệp sinh thái; (iii) Giai đoạn 3 – từ đầu những năm 1990 đến năm 2000: xây dựng các huyện nông nghiệp sinh thái thí điểm; và (iv) Giai đoạn 4 - từ năm 2000 trở lại đây: thực hiện quá trình công nghiệp hóa sinh thái (theo Wenliang).
Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách khác nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp sinh thái. Tương ứng với 4 giai đoạn phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc là 4 giai đoạn thay đổi các định hướng trong chính sách. Ở giai đoạn 1, Trung Quốc chưa phát triển các chính sách nông nghiệp sinh thái chính thức nhưng đã có một số văn bản hướng đến sinh thái nông nghiệp nông thôn và duy trì cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp. Các văn bản chính sách giai đoạn này tập trung vào các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ tài nguyên sinh thái nông nghiệp và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từ các đầu vào sản xuất. Giai đoạn 2 là giai đoạn các chính sách sinh thái nhắm vào bảo vệ môi trường. Các chính sách ở giai đoạn này tập trung vào quản trị hệ sinh thái nông nghiệp và phát triển nông nghiệp sinh thái nhằm tăng cường bảo vệ môi trường nông nghiệp. Giai đoạn 3 tập trung vào các chính sách quản lý toàn diện môi trường nông nghiệp nông thôn và thực hiện thí điểm các chính sách nông nghiệp sinh thái. Giai đoạn 4 là giai đoạn hình thành hệ thống nông nghiệp sinh thái và các chính sách nông nghiệp sinh thái hiện đại. Đến nay, Trung Quốc đã thiết lập được khung pháp lý sơ bộ cho phát triển nông nghiệp sinh thái, bao gồm các luật và quy định về bảo vệ các nguồn tài nguyên như đất, nước, đồng cỏ, diện tích rừng v.v. Trung Quốc cũng đã ban hành Luật phát triển Kinh tế tuần hoàn (2008) và sản xuất sạch cũng như phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm vật nuôi. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án cấp quốc gia đã được thực hiện nhằm kiểm tra chất lượng đất, bảo vệ sinh thái đồng cỏ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, tất cả các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp sinh thái hiện đại dựa trên tình hình thực tế của địa phương.
Tính đến năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng được hơn 600 huyện trình diễn nông nghiệp sinh thái và hơn 1000 làng nông nghiệp sinh thái (Xie, 2016). Một ví dụ điển hình là Cộng đồng nông thôn Puhan - hoạt động như một hợp tác xã đa chức năng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Cộng đồng đã thu hút sự tham gia của 3.865 hộ gia đình từ 43 ngôi làng ở thị trấn Puzhou và Hanyang với diện tích canh tác khoảng trên 5.300 ha (GIFT, 2017). Theo đó, hợp tác xã đã đào tạo cho nông dân về thực hành canh tác bền vững và kỹ thuật bảo vệ cây trồng nhằm hạn chế tình trạng nông dân sử dụng quá mức hóa chất đầu vào và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hơn 5000 ha đất nông nghiệp của các hộ gia đình được sử dụng để canh tác các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Các phương pháp canh tác cũng được thay đổi từng bước, bắt đầu từ cải tạo đất và tiến tới sử dụng phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, hơn 8 hợp tác xã đã được thành lập dưới sự quản lý của Cộng đồng nông thôn Puhan. Sự phát triển của Cộng đồng nông thôn Puhan là minh chứng cho tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái dựa vào cộng đồng.
Các lĩnh vực hoạt động của Cộng đồng nông thôn Puhan
Nguồn: GRET, 2017.
Bên cạnh việc điều chỉnh và thực hiện các chính sách nông nghiệp sinh thái, các mô hình/kỹ thuật nông nghiệp sinh thái cũng đã được phát triển và lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất. Các mô hình/kỹ thuật bao gồm: (i) Nông nghiệp tuần hoàn; (ii) Nông nghiệp sinh thái sân vườn; (iii) Kỹ thuật nông nghiệp sinh thái kiểm soát dịch hại; (iv) Kỹ thuật sinh thái năng lượng nông thôn; (v) Nông nghiệp kết hợp du lịch nông thôn; (vi) Kỹ thuật sinh thái đa ngành toàn diện.
Dựa trên sự phát triển nông nghiệp sinh thái của Trung Quốc có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho trường hợp của Việt Nam như: (i) Phát triển nông nghiệp sinh thái phải lấy nông dân làm chủ, tiếp cận từ dưới lên và dựa vào cộng đồng là một hướng đi tiềm năng và bền vững để phát triển nông nghiệp sinh thái; (ii) Cần có khung chính sách và pháp lý đầy đủ, bao gồm các vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như hệ sinh thái xung quanh; (iii) Cần có kế hoạch cụ thể, tập trung vào từng vấn đề cho từng giai đoạn phát triển nông nghiệp sinh thái, (iv) Bên cạnh các chính sách quốc gia thì mỗi địa phương cũng cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, hướng tới phát triển bền vững.
Trần Thị Thủy và Đào Thanh Huế, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp
Tài liệu tham khảo
1. Global Institute for Tomorrow (GIFT), 2017. An integrated approach to sustainable agriculture and rural regeneration in China’s Yellow River Golden Triangle (Executive Summary). URL http://prog. global-inst.com/ftp/Projects/GIFT_SusAgri_RuralRegeneration_China2017_ExecSummary.pdf (accessed 28.8.2018).
2. Luo, S, 2016. Agroecology development in China, in Luo, S, Gliessman, S eds., Agroecology in China: Science, practice, and sustainable management. Boca Raton, FL: CRC Press: 3–35.
3. Wenliang, W. The Chinese Ecological Agriculture: Development Strategies, Typical models & Technologies. https://www.scj.go.jp/en/sca/activities/conferences/conf_5_programs/pdf/5thas1wu.pdf.
4. Xie, J, 2016. China’s view on implementation and performance of agroecology. https://www.ipcinfo.org/fileadmin/user_upload/bodies/CL_154/Agroecoloby/Mr_Xie-China_speech.pdf.