Mô hình cánh đồng lớn trong ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long

22/01/2024

Cánh đồng mẫu lớn là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Cánh đồng lớn là cánh đồng lúa được nông dân trồng một loại giống lúa được doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và đồng thời tiêu sản phẩm. Đây được xem là mối liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học) trong sản xuất - tiêu thụ lúa gạo. Mối liên kết này đã tạo điều kiện cho các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích cao hơn. Nhà nông hưởng lợi từ những dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, gia tăng giá trị, doanh nghiệp yên tâm về chất lượng đầu ra, ổn định vùng nguyên liệu.

Khởi phát ở An Giang từ năm 2010 và tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh khác trong vùng, khi “cánh đồng lớn” ra đời, chính quyền các địa phương, ngành nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp đều nhìn thấy cơ hội để tạo sự liên kết chuỗi giá trị, từng bước chấm dứt tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã tồn tại nhiều năm, đồng thời khắc phục tình trạng nông dân sản xuất hàng chục giống lúa khác nhau trên cùng một cánh đồng, sau đó doanh nghiệp mua xô bồ, rồi pha trộn xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo chủ lực trong vùng như công ty Gentraco, Lộc Trời, Trung An… đã hỗ trợ đầu vào (giống, vật tư nông nghiệp) gắn với bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân. Hầu hết các mô hình cánh đồng lớn thực hiện trong vùng đều thành công tốt đẹp cả về tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tiêu thụ thuận lợi, tăng thu nhập cho nông dân.

https://www.baodongthap.vn/database/image/2020/11/26/dt2-4b.jpg

 

screen-shot-2022-11-05-at-15.43.22.png

Cánh đồng sẽ “lớn lên” khi có tư duy đủ rộng

 

https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2022/20220110/images/T8-at1.gif

Hình: Các công cụ canh tác mới được áp dụng trên cánh đồng lớn (nguồn: Internet)

Thông qua mô hình này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo với người nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên lợi đủ lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo nhu cầu của các thị trường nhập khẩu. Tiêu biểu cho mô hình này là việc hướng đi của Tập đoàn Lộc Trời. Doanh nghiệp này đã tập trung vào phát triển giống, sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học các sản phẩm hữu cơ để giảm bớt thuốc trừ sâu và nhất là doanh nghiệp đã triển khai lực lượng “3 cùng” (lực lượng kỹ sư cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân). Lực lượng “3 cùng” có mặt trực tiếp trên những cánh đồng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu trong sản xuất của người nông dân và chuyển giao đến họ những tiến bộ, khoa học, kỹ thuật canh tác tiên tiến. Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu xây dựng lực lượng “3 cùng” và triển khai chương trình lớn Cùng nông dân ra đồng vào năm 2006, đến nay lực lượng “3 cùng” đã đạt 1.325 kỹ sư nông nghiệp. Ngoài ra, lực lượng “3 cùng” cũng phục vụ tập đoàn xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn và xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, với 5 nhà máy chế biến gạo hiện đại trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 25.000 hộ nông dân tham gia sản xuất gạo chất lượng cao.

Mô hình cánh đồng lớn đã thành công tại các địa phương trước hết là nhờ lực lượng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình. Xuất phát từ hiện trạng nông dân có các trình độ kỹ thuật khác nhau nên việc tập huấn, hướng dẫn nông dân phải được làm hết sức kỹ lưỡng. Ngoài ra, kế hoạch đào tạo những nông dân nòng cốt để họ trở thành một nhóm cán bộ kỹ thuật có khả năng hướng dẫn nông dân ở từng cánh đồng giữ vai trò lớn vì lực lượng cán bộ khuyến nông của nhà nước hoặc của doanh nghiệp sẽ không đủ khi số cánh đồng tăng lên. Mặt khác, việc nối kết cánh đồng lớn với thị trường là vấn đề cốt lõi với sự tham gia của các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo trong đó quan trọng nhất là các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo trong vùng. Với việc cam kết tiêu thụ lúa của doanh nghiệp người nông dân không lo bị tiểu thương thu mua ép giá ép cấp hoặc lo không bán được lúa.

Mô hình cánh đồng lớn đã tạo ra nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Trước hết, với mô hình này có thể tạo ra những vùng chuyên canh lớn về lúa gạo, cà phê, chè, mía đường, trái cây,…trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, mô hình này còn thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất về cơ giới hóa, hóa học hóa, nông nghiệp công nghệ cao (các thiết bị 4.0 như máy bay không người lái, thiết bị giám sát dịch bệnh,…); tạo ra sản phẩm đồng đều về kích thước, mẫu mã và chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; giúp khai thác hiệu quả lợi thế của kinh tế quy mô, giảm giá thành và tăng thu nhập của các bên tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, trên thực tế phát triển của mô hình cánh đồng mẫu lớn trong vài năm gần đây đã bộc lộ một số thách thức khiến cho diện tích canh tác theo mô hình này không được mở rộng mà có xu hướng giảm đi. Hợp đồng giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng lúa với giá cố định đã có nhưng chỉ là những hợp đồng dựa trên “lòng tin” giữa hai bên, chưa có ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này dẫn đến tình trạng có thời điểm giá lúa thị trường tăng cao, nông dân lại “bẻ kèo” bán bên ngoài cho thương lái. Doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn thì không mua được lúa của nông dân như đã cam kết, không đủ hàng để giao cho đối tác… dẫn đến việc doanh nghiệp và nông dân mất lòng tin và không dám “hợp tác” lâu dài. Ngược lại, nhiều khi doanh nghiệp không có đủ vốn để thu mua làm cho giá cả và tiền bạc chậm trễ nên sự liên kết không bền chặt. Mặc dù là một mô hình sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị rất hữu hiệu nhưng mức vốn của các doanh nghiệp tham gia bị hạn chế, ngân hàng không cho vay hoặc cho vay rất ít nên phải giới hạn trong phạm vi nguồn lực tự có. Lúc đầu, diện tích cánh đồng lớn của công ty khoảng 8.000 ha nhưng nay chỉ còn khoảng 5.000 ha. Mặc dù tập đoàn có khả năng liên kết sản xuất lúa khoảng 23.000 ha nhưng hiện vẫn thiếu vốn để thực hiện . Như vậy, thách thức chính của mô hình này là khả năng mở rộng phụ thuộc nhiều vào đấu tư (thị trường trong nước và xuất khẩu), năng lực vốn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo, lòng tin của người dân vào các đối tác, tính hiệu quả trong hoạt động của các đối tác tham gia (hợp tác xã, chính quyền địa phương…)

Nhìn chung, mô hình cánh đồng lớn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gỡ được những hạn chế do kinh tế hộ gia đình tạo ra từ nhiều năm nay như manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học công nghệ nhất là những công nghệ 4.0. Chính vì vậy nhiều người dân và doanh nghiệp ở nhiều địa phương tham gia mô hình, tạo ra những thành tích lớn trong xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm qua cho dù để cho mô hình này phát triển bền vững cần phải có những chính sách đổi mới mạnh mẽ hơn về đất đai, vốn tín dụng hay đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh lúa. Đặc biệt, cần khuyến khích sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, chế biến và thương mại gạo trong vùng. Mặt khác, cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đa dạng hơn các phương thức tiêu thụ bao gồm một số phương thức hiện đại như nông dân tham gia cổ phần trong doanh nhiệp kinh doanh gạo, đấu thầu tiêu thụ cánh đồng lớn ở giai đoạn lúa chín, một bộ phận nông dân ở cánh đồng lớn có thể trở thành thương lái làm dịch vụ vận chuyển lúa đến nhà máy của doanh nghiệp. Cần tăng cường đào tạo các nông dân nòng cốt để họ có thể điều hành, quản lý cánh đồng lớn cũng như xây dựng những tổ chức kinh tế hợp tác như hợp tác xã, hội quán… Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng cánh đồng lớn, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa, hoàn thiện thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện, nâng cấp giao thông đến cánh đồng, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, ưu tiên bảo hiểm nông nghiệp cũng như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng lớn xây dựng vùng nguyên liệu lớn cho chế biến và xuất khẩu. Đây là một phương thức sản xuất kiểu mới thay thế kiểu sản xuất truyền thống dựa vào nông hộ cá thể bao đời nay nên việc mở rộng đòi hỏi làm chắc từng bước song song với việc đúc kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, gắn kết chặt chẽ với đào tạo nông dân, xây dựng nông thôn mới. Mặc dù là mô hình ban đầu phát triển trong ngành lúa gạo nhưng mô hình cánh đồng lớn cũng có thể mở rộng áp dụng cho những cây trồng có điều kiện canh tác tương tự như cà phê, mía, chè…

 

Phạm Minh Trí


Tin khác