Giới thiệu tài liệu hướng dẫn về Hệ thống canh tác trong nhà kính

10/06/2024

Trong những năm gần đây, năng suất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi một loạt vấn đề bao gồm các hiện tượng khí hậu bất lợi và thường xuyên, sự lây lan ngày càng tăng của sâu bệnh và sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên như đất và nước, gây ra thiệt hại đáng kể cho người nông dân. Thế giới đang vận hành theo những chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đây là những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và đội ngũ nông dân. Trong bối cảnh đó, mỗi người đang hối hả tìm kiếm, cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã ban hành ấn phẩm Hệ thống canh tác được bảo vệ với những hướng dẫn chi tiết từ vật liệu đến  phương thức xây dựng, cách quản lý hệ thống canh tác trong nhà kính, nhà lưới phù hợp với nông hộ vừa và nhỏ.

 

Năm 2023, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc với sự hỗ trợ của Văn phòng tiểu vùng ở Caribe và Phòng Bảo vệ và Sản xuất thực vật đã xuất bản “Hệ thống bảo vệ quá trình canh tác ”, bao gồm 13 ấn phẩm thông tin kỹ thuật. Các hệ thống canh tác trong nhà kính cung cấp một giải pháp thay thế và đã được điều chỉnh theo thời gian để kiểm soát hoặc giải quyết một cách hiệu quả các yếu tố sản xuất chính ảnh hưởng đến năng suất - từ nước, chất dinh dưỡng và đất, đến khí hậu, sâu bệnh.

Ấn phẩm mang đến cho người dân kiến ​​thức kỹ thuật về các công nghệ và thực hành thích hợp để cải thiện quản lý cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế như nước và đất, chất dinh dưỡng và lao động, cũng như thúc đẩy sản xuất tại địa phương, tạo ra việc làm, tăng cơ hội kinh doanh và giảm nhập khẩu để đạt được an ninh lương thực.

Hình Minh hoạ - Nguồn Freepick

Sản xuất áp dụng Hệ thống canh tác trong nhà kính mang lại những ưu điểm sau:

Khả năng cung cấp điều kiện khí hậu tối ưu cho tăng trưởng, giảm thiểu tác động tiêu cực của các hiện tượng khí hậu cực đoan như mưa quá nhiều, gió lớn, đợt lạnh và sóng nhiệt hiệu quả trong việc sử dụng đất, nước, chất dinh dưỡng và ánh sáng mặt trời kiểm soát sâu bệnh hiệu quả giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu và tăng chất lượng cây trồng

Năng suất tăng so với các hệ thống sản xuất ngoài đồng ruộng giảm nguy cơ thua lỗ trong đầu tư vào đầu vào và lao động (do tăng cường kiểm soát và giảm thiểu các yếu tố bên ngoài). Nông dân có thể trồng trọt quanh năm và lên lịch thu hoạch khi có cơ hội thị trường.

Hơn nữa, các hệ thống canh tác được bảo vệ cho phép sử dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến như nuôi cấy không cần đất (ví dụ: thủy canh và chất nền), ghép cây giống chất lượng cao, tác nhân kiểm soát sinh học, giải pháp dinh dưỡng tuần hoàn, canh tác thẳng đứng, tưới nhỏ giọt và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, việc sử dụng các hệ thống canh tác trong nhà kính cũng có thể có những hạn chế và do đó, các khía cạnh và vấn đề sau đây cần được xem xét và giải quyết:

Hệ thống kiểm soát khí hậu: Ở Việt Nam, nhất là các tỉnh thành miền bắc có mùa đông rét dài, người dân có thể duy trì và kéo dài thời gian canh tác bằng hệ thống nhà kính (dĩ nhiên với quy mô nhỏ hơn đáng kể). Tuy nhiên, những người nông dân quy mô nhỏ không đủ khả năng chi trả chi phí làm mát hoặc sưởi ấm cao có thể ngừng trồng trọt hoặc có nguy cơ giảm năng suất.

Đầu tư ban đầu cao: Điều này có thể phụ thuộc phần nào vào tính kinh tế theo quy mô; diện tích lắp đặt càng lớn thì chi phí trên một đơn vị diện tích càng thấp.

Trình độ chuyên môn cao: Cần có kiến ​​thức và kỹ năng cụ thể liên quan đến cây trồng, cơ sở hạ tầng, khí hậu, nước, đất và chất dinh dưỡng cũng như quản lý sâu bệnh.

Thực trạng diễn ra tại Đà Lạt cho thấy, nhà kính, nhà lưới đã và đang phá huỷ cảnh quan mộng mơ và sức khoẻ hệ sinh thái nơi đây, dẫu cho phương pháp canh tác này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn nhờ năng suất cao. Trong khi ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ nông nghiệp nâu (thâm dụng tài nguyên, vật tư đầu vào, sử dụng tài nguyên không hiệu quả, quy trình sản xuất kém bền vững, quản lý sử dụng và xử lý phụ phẩm, chất thải không hiệu quả) sang nông nghiệp xanh (sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật tư đầu vào, áp dụng sản xuất theo chuẩn bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, các bon thấp, giảm áp lực ô nhiễm không khí, đất, nước, khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học).

Hiện nay, tại Việt Nam đang có rất nhiều chính sách khuyến khích đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.  Tuy nhiên, việc sản xuất trong nhà lưới, nhà màng (nhà kính) cần được xem xét lại hiệu quả cả về kinh tế, xã hội, môi trường và sức khoẻ của cộng đồng, không nên chạy theo phong trào. Nếu xét thấy phương pháp sản xuất này không phù hợp với đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, cây trồng… ở địa phương thì không nên ứng dụng.

Nguyễn Trung Kiên/Ban Chính sách Chiến lược/IPSARD

References

FAO. 2023. Introduction and advantages of protected cultivation systems

https://openknowledge.fao.org/handle/20.500.14283/cc7839en

Doãn Trí Tuệ, 2023. Đôi điều về sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng ở Nghệ An

https://nongnghiep.vn/doi-dieu-ve-san-xuat-nong-nghiep-trong-nha-luoi-nha-mang-o-nghe-an-d365560.html

 

 


Tin khác