Tiếp tục chú trọng đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông lâm thuỷ sản xuất khẩu trong năm 2024

24/01/2024

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm sống, cua xuất khẩu vào Trung Quốc, 01 cơ sở vào Hoa Kỳ, 02 cơ sở vào Liên bang Nga; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ,…); đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, bưởi...), thực hiện tốt công tác dự báo, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu.

Nhờ đó, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2023 mặc dù trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới và rào cản thị trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, đạt 53,01 tỷ đô la Mỹ, giảm 1,2% so với năm 2022, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,7%. Trong đó xuất khẩu nông sản chính 27,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,8%; chăn nuôi gần 515,5 triệu đô la Mỹ, tăng 26,2%; lâm sản chính 14,4 tỷ đô la Mỹ, giảm 15,8%; thủy sản 8,98 tỷ đô la Mỹ, giảm 17,8%. Có 06 hàng/nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ đô la Mỹ (gạo, hàng rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ).

Kế hoạch năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...); mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Đặc biệt tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với: dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm sang thị trường Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Vũ Huy Phúc

Ban Thị trường và Ngành hàng


Tin khác