Khi nhắc đến Bình Thuận, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến trái thanh long với 90% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa việc, nếu thị trường Trung Quốc “đóng cửa” với mặt hàng này của Việt Nam, nông dân chỉ biết “khóc ròng”. Vì vậy, không thể trông chờ vào một thị trường và thúc đẩy chế biến sâu là cách giải “bài toán” cho trái thanh long và Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) là một mô hình Hợp tác xã điển hình không chỉ giải được bài toán giải cứu thanh long mà còn làm giàu được từ trái thanh long.
Thành công nhờ những nông dân chuyên nghiệp
Thành lập từ tháng 7/2017, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ lúc ban đầu có 9 thành viên với số vốn 900 triệu đồng. Đến nay, Hợp tác xã có 12 thành viên với 35ha thanh long, trong đó có 5ha được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 30ha VietGAP. Hợp tác xã còn liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương với gần 200ha thanh long đạt chất lượng VietGAP.
Ảnh: Phạm Công Bá, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đã xác định muốn thành công cần xóa bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và manh mún của người nông dân sản xuất, cầ phải xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để làm ra những sản phẩm chất lượng.
Sản xuất theo quy trình sạch và đa dạng thị trường xuất khẩu
Bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường chính ngạch, trái thanh long được sản xuất theo quy trình sạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường
Để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP cho ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, Hợp tác xã hướng dẫn thành viên tuân thủ những quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, ghi nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực...
Việc bảo đảm các yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất tạo điều kiện cho Hợp tác xã nhanh chóng được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đây là giấy thông hành giúp thanh long của Hợp tác xã thâm nhập thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Nhở đó, những năm qua, trái thanh long của Hợp tác xã luôn cho giá trị cao, ngay cả trong thời kỳ thị trường chủ lực như Trung Quốc thực hiện chính sách 'zero Covid'.
Giải bài toán xuất thô, thúc đẩy chế biến sâu
Việc tăng hàm lượng khoa học - kỹ thuật, chủ động giảm lượng xuất thô để tăng tỷ lệ chế biến sâu đã và đang giúp Hợp tác xã Hòa Lệ liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững giữa bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt với sự góp mặt của cả các mặt hàng trong nước và ngoại nhập.
Ảnh: Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ
Đến nay, Hợp tác xã có 10 loại sản phẩm chế biến từ trái và hoa thanh long. Điển hình như nước ép thanh long, rượu thanh long, mứt, trà hoa thanh long, hoa thanh long sấy, dầu ép từ hạt thanh long, nước mắm thanh long… Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận và lần lượt chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản.
Không chỉ vậy, các sản phẩm thanh long tươi và chế biến của Hợp tác xã cũng luôn được sáng tạo, đưa vào thực đơn các món ăn trong tiệc đãi khách.
Ảnh: Nguyễn Thị Thúy An, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT
Với những gì đã đạt được, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ đã trở thành một trong những mô hình sản xuất thanh long khép kín từ trồng trọt, canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn an toàn./.
Ths. Nguyễn Thị Thúy An/Ban nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/IPSARD