Mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cà phê ở Sơn La

05/01/2024

Từ khoảng những năm 1945, nhận thấy điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp, người Pháp đã đưa cây cà phê arabica đến trồng tại tỉnh Sơn La. Sau hơn 70 năm, cây cà phê arabica đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh này. Năm 2020, diện tích cà phê tỉnh Sơn La đạt 17.804 ha, sản lượng ước đạt 25.581 tấn (cà phê nhân). Với diện tích trồng lớn, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Năm 2017, tỉnh đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân sống, cà phê hạt rang và cà phê bột.

Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế về chất lượng, năng suất, nhưng hoạt động sản xuất, chế biến cà phê Sơn La vẫn còn tồn tại, hạn chế như: chưa hình thành nhiều tổ chức liên kết trong sản xuất; diện tích cà phê già cỗi cần cải tạo chiếm tỷ lệ khá lớn; chất lượng giống chưa đảm bảo; năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; người dân chỉ trồng, thu hoạch quả xanh rồi bán, cây cà phê trồng rồi để tự nhiên, không được chăm sóc thường xuyên…

Mô hình hợp tác xã ARA-Tay Coffee ra đời vào tháng 6/2020 đã từng bước khắc phục những hạn chế nêu trên và trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trong liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm ở tỉnh Sơn La. Câu chuyện bắt đầu từ một cô gái người Thái tên gọi Cầm Thị Mòn…

1. Thực trạng phát triển

Sinh ra và lớn lên ở xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn), từ nhỏ, chị Mòn thường theo bố mẹ lên nương phụ hái cà phê, nên đã thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Mặc dù gia đình có tới 2 ha cà phê, nhưng khi đó sản xuất còn mang tính chất manh mún, may ra cũng chỉ đủ ăn, có những năm sương muối, toàn bộ diện tích cà phê của cả bản bị thiệt hại. Khi thu hoạch, bà con cũng chưa biết lựa chọn những quả chín, mà hái hết cả quả xanh, những năm được mùa thì lại bị tư thương ép giá, bố chị Mòn khi muốn uống cà phê cũng phải tự rang và giã bằng cối đá, nhiều hộ trong bản đã chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây khác. Học hết phổ thông trung học, lập gia đình riêng, chị Mòn vẫn tiếp tục công việc trồng cà phê và luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất ra những sản phẩm cà phê có chất lượng được thị trường trong nước biết đến và tiến tới có thể xuất khẩu.

Năm 2018, Dự án Care (thuộc tổ chức phi chính phủ của Úc) hỗ trợ thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm ở Chiềng Chung, chị Mòn và một số thành viên được Dự án lựa chọn cho đi thăm mô hình hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao ở Tây Nguyên. Chị đã tìm hiểu, so sánh và đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sản xuất cả phê ở Tây Nguyên với Sơn La. Trên thực tế, mặc dù cà phê arabica của Sơn La có chất lượng tốt hơn nhiều so với cà phê ở Tây Nguyên, nhưng vẫn chủ yếu là bán sản phẩm thô, năm nào được giá cũng chỉ từ 25.000-30.000 đồng/kg cà phê nhân, còn ở Tây Nguyên bán được 60.000 đồng/kg. Từ đó, chị Mòn đã hình thành ý tưởng thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất sản phẩm cà phê chất lượng cao. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Dự án Care, đầu năm 2019, chị đã vận động thành lập hợp tác xã ARA-Tay Coffee gồm 14 thành viên, với tổng vốn góp 534 triệu đồng, trong đó chủ yếu là các thành viên nhóm phụ nữ tiết kiệm. Tên hợp tác xã là ARA-Tay gồm ARA là arabica, còn Tay dịch ra tiếng phổ thông là Thái, tên hợp tác xã có ý nghĩa là cà phê arabica của người Thái, nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm cà phê của địa phương ra thị trường. Logo của hợp tác xã cũng được lấy cảm hứng từ hình ảnh con người và họa tiết từ chiếc piêu (khăn) đặc trưng của người phụ nữ Thái và có màu đỏ chủ đạo dựa trên hình ảnh những quả cà phê chín đỏ tươi mỗi vụ mùa thu hoạch. Tên gọi ARA-Tay cùng logo của hợp tác xã mang hàm ý chỉ bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái dành cho cây cà phê.




Ảnh. Nhà màng phơi cà phê và Giấy chứng nhận cà phê đặc sản của hợp tác xã ARA-Tay

Để thuyết phục, hướng dẫn bà con ở bản làm quen với cách làm cà phê theo kiểu mới thật sự không đơn giản chút nào. Nhưng không nản, những người đứng đầu hợp tác xã như chị Mòn phải không ngừng hỗ trợ và giải thích cho bà con, buổi cầm tay chỉ việc để bà con dần thay đổi từ thói quen hái xô cà phê, thu hoạch tất cả quả chín, xanh, non, bị sâu... sang hái chọn quả cà phê chín. Tiếp đó là thay đổi cả cách vận chuyển, đóng gói, rửa hạt... Lần đầu tiên, người dân trong bản được làm quen với máy móc, công nghệ và những thuật ngữ “rang đậm, nhạt”, “hương vị trái cây, socola”. Ở bản, mọi người chỉ thường làm cà phê, cốt sao cho nhanh chóng, để còn lo toan cho những nương lúa, đi làm thêm việc để kiếm thu nhập. Nhưng thuyết phục dần và minh chứng rõ nét nhất là giá của cà phê đã tăng lên tới vài lần, là cách chứng minh hiệu quả nhất để bà con nghe theo, tin tưởng và tự tin với con đường tăng thêm giá trị cho hạt cà phê tại địa phương. Hiện nay, diện tích cà phê của các thành viên hợp tác xã lên đến hơn 200 ha và 300 ha vệ tinh của các hộ trong xã để có thể lựa chọn được những quả cà phê có chất lượng tốt nhất. Ngay sau khi thành lập, các thành viên hợp tác xã được dự án cho đi tập huấn và thuê chuyên gia từ Buôn Ma Thuột lên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng xưởng sản xuất, máy rửa quả, máy pha cà phê, bao bì và máy đóng gói sản phẩm; đặc biệt là 2 máy xát vỏ hiện đại dùng công nghệ chế biến ướt, công suất 5 tấn quả/giờ, giúp bảo đảm hương vị cà phê tự nhiên, tiết kiệm nước, vỏ cà phê được ủ thành phân vi sinh, tiết kiệm chi phí và không gây ô nhiễm môi trường. Năm 2019, ngay sau khi đi vào hoạt động, hợp tác xã đã chính thức sản xuất ra 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao, gồm: cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Đầu năm 2020, tại cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2020 do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, sản phẩm cà phê của hợp tác xã đứng thứ 7 trong 60 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê trong cả nước tham gia cuộc thi.

 


Ảnh: Sản phẩm cà phê của Hợp tác xã ARA-Tay

Để mở rộng sản xuất, từ năm 2021, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ cà phê với 52 hộ dân địa phương là người dân tộc Thái với thời hạn hợp đồng 5 năm. Các hộ liên kết với hợp tác xã được ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ cà phê và được cam kết giá mua cao hơn giá thị trường (đối với cà phê tươi, hợp tác xã thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 3 nghìn đồng/kg cho các hộ thành viên), được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ làm nhà sấy năng lượng mặt trời, đẩy mạnh sơ chế, chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập gia đình.

Hiện nay, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, hợp tác xã đang tích cực hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sơ chế cà phê, từng bước phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững. Đồng thời, với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, hợp tác xã đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Cơ hội và thách thức

Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, những cây cà phê arabica trồng trên đất đỏ bazan ở những ngọn đồi cao trên 1.000 m với nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm là 10oC làm cho cà phê có vị ngọt và giữ được hương vị tự nhiên hoa quả phong phú. Hiện nay xã Chiềng Chung có gần 700 ha cà phê, trong đó, khoảng 450 ha cho thu hoạch quả. Cây cà phê đang là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập và động lực chính thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Nhờ đó, hợp tác xã ARA-Tay có điều kiện tốt về vùng nguyên liệu để sản xuất cà phê đặc sản. Đồng thời, hợp tác xã cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để liên kết tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Thành viên hợp tác xã được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến cà phê, được đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và chế biến cà phê đặc sản.

Tuy nhiên, hợp tác xã cũng gặp nhiều khó khăn như:

- Cây cà phê đã được trồng từ hàng chục năm nên nhiều vườn cây đang có xu hướng già cỗi, năng suất thấp.

- Bà con vẫn còn thói quen thu hái quả xanh lẫn quả chín, gây khó khăn cho hợp tác xã khi chế biến cà phê chất lượng cao đòi hỏi 100% quả chín để đạt đủ độ đường. Để hái được quả chín như vậy bà con phải hái từng quả một và tốn rất nhiều công sức. Thay đổi thói quen hái cà phê là cả một quá trình lâu dài, cho đến nay vẫn là một khó khăn của hợp tác xã.

- Hợp tác xã mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm nên còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức hoạt động, thiếu trang thiết bị máy móc chuyên dụng để sản xuất, chủ yếu phải sản xuất thủ công. Điều này cũng làm hạn chế sản lượng cà phê được chế biến chất lượng cao của hợp tác xã.

- Thương hiệu cà phê ARA-Tay còn mới lạ trên thị trường nên sức cạnh tranh còn hạn chế. Giá cả cà phê trên thị trường không ổn định. Hiện khách hàng của hợp tác xã mới chủ yếu là khách hàng trong nước

Đánh giá chung

Từ khi có hợp tác xã ARA-Tay sản xuất cà phê đặc sản, bà con đã biết bình phẩm “hương vị natural với sắc đỏ đậm đà, vị trái cây lên men thơm mát kèm hậu vị ngọt”. Từ chỗ chỉ thỉnh thoảng uống cà phê hòa tan thì giờ đây chị em phụ nữ trong hợp tác xã và bà con nơi đây đã có thể thử nếm và biết đến chất lượng cà phê của mình trồng. Trước đây khi nghĩ đến uống cà phê thì mọi người thường cho rằng cà phê rất đắng và không muốn uống, nhưng khi được thưởng thức cà phê do chính mình làm ra thì họ lại bất ngờ khi cảm nhận được rõ các vị trong cà phê “chua thanh, đắng nhẹ” và nhiều hương vị trái cây phong phú. Cũng bởi thế mà những người phụ nữ Thái nơi đây càng nhiệt huyết đam mê với trồng và chế biến cà phê. Người thì đánh giá “cà phê ở đây có màu nâu cánh gián, nước trong, mùi thơm, vị chua thanh, đắng nhẹ, hậu vị lâu”, như một chuyên gia. Bà con tự tin: “Người Pháp đã mang cây cà phê đến đây thì người Sơn La sẽ mang cà phê đặc sản ra thế giới”.

Ảnh. Nhóm công tác của Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp làm việc tại hợp tác xã ARA-Tay

Từ những phụ nữ Thái đen chỉ biết trồng, hái và bán cà phê xô, sau ba năm bà con đã làm chủ quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, đánh giá đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Sự thành công của mô hình cho thấy: người nghèo vùng dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể liên kết để phát triển sản xuất tập thể, thay đổi tập quán truyền thống, kết nối thị trường, sử dụng thương mại điện tử, giảm nghèo và tạo ra sinh kế bền vững./.

Nguyễn Ngọc Luân, Nguyễn Thu Dương – Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp

 


Tin khác