Dự báo các tác động của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp

05/01/2024

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất về môi trường và phát triển mà các hệ sinh thái tự nhiên và hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam, tác động nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp do tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại của ngành do biến đổi khí hậu. Đối với nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu thể hiện rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

(Hình ảnh minh họa, nguồn: Freepik)

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (2009), đánh giá tác động của biến đổi khí hậu thường được dựa trên các kịch bản của biến đổi khí hậu trong tương lai và được biểu hiện như là thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biến dâng và những thông tin khác. Có thể phân tích những thay đổi và xu hướng trong các thông số khí hậu bằng cách sử dụng thông tin và dữ liệu sẵn có. Khi phân tích các tác động của biến đổi khí hậu, điều quan trọng là phải đánh giá được những tác động trực tiếp và hậu quả kinh tế-xã hội của biến đổi khí hậu và xem xét vai trò của các dịch vụ hệ sinh thái và quy mô xã hội của tác động biến đổi khí hậu. Những tác động này có thể còn dẫn đến tác động kinh tế (như suy giảm cơ sở hạ tầng, thay đổi hoặc làm mất doanh thu trong sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp...).

Việc canh tác các loại cây trồng, năng suất và chất lượng phụ thuộc trực tiếp vào các yếu tố khí hậu. Biến đổi khí hậu đã gây ra một số tác động đến nông nghiệp và là một trong những yếu tố góp phần vào ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong tương lai. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cây trồng phụ thuộc vào vị trí địa lý của khu vực chủ yếu do thời tiết cực đoan và dịch bệnh. Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam, nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm ngập khoảng từ 0,3 đến 0,5 triệu ha tại đồng bằng sông Hồng, 1,5-2,0 triệu ha tại đồng bằng sông Cửu Long và những năm lũ lớn khoảng trên 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long bị ngập từ 4-5 tháng, trong đó chủ yếu là đất lúa bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể sản xuất. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Theo đánh giá của Ngân hàng phát triển châu Á, nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, thực trạng trên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân.

Một số dự báo ngành nông nghiệp:

Dự báo lĩnh vực trồng trọt: Nhiệt độ tăng, nắng nóng kéo dài, tốc độ bốc thoát hơi nước tăng mạnh khiến cho nhu cầu tưới nước gia tăng. Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao có thể làm gia tăng dịch bệnh cho cây trồng và làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài sinh vật và ngược lại có thể làm phát sinh một số chủng, loài sâu bệnh mới. Kết quả tính toán theo kịch bản biến đổi khí hậu cho thấy, năng suất lúa và ngô của Việt Nam đến năm 2030 sẽ bị giảm lần lượt là 8,8 và 18,7% và đến năm 2050 sẽ giảm 15,06 và 32,9%.

Dự báo lĩnh vực chăn nuôi: Biến đổi khí hậu tác động đến chăn nuôi bao gồm những thay đổi trong sản xuất và chất lượng của thức ăn chăn nuôi, làm gia tăng dịch bệnh (M. Melissa Rojas-Downing và cộng sự, 2017). Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với chăn nuôi được cho là tiêu cực và khác nhau đối với mỗi loại vật nuôi. Tác động của biến đổi khí hậu đối với chăn nuôi lợn rõ rệt hơn đối với các vật nuôi khác (kể cả bò, gia cầm, cừu...). Chăn nuôi lợn dự kiến sẽ giảm khoảng 8,2% số đầu con.

Dự báo lĩnh vực lâm nghiệp: Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đa dạng sinh học rừng và lâm nghiệp, gồm: (i) Tăng nguy cơ cháy rừng ở tất cả các vùng sinh thái, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Các loại rừng có nguy cơ cháy cao gồm rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp; (ii) Tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở vùng núi như vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc; các rủi ro từ sạt lở bờ biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long; (iii) Tác động đến sự phân bố của các đa dạng sinh học rừng nhạy cảm, trong đó đa dạng sinh học rừng ngập mặn sẽ chịu tác động mạnh của nước biển dâng; (iv) Tăng nguy cơ phát triển sâu bệnh hại rừng, đặc biệt là rừng trồng thuần loài các loài cây như keo, bạch đàn, thông; (v) Tác động đến năng suất và mức độ phù hợp của rừng trồng; và (vi) Thay đổi phân bố và suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài có phân bố sinh thái hẹp.

Dự báo lĩnh vực thủy sản: Xâm nhập mặn sẽ làm diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt giảm đáng kể, chất lượng môi trường sinh thái bị ảnh hưởng. Đa dạng sinh học tại khu vực cửa sông, rừng ngập mặn bị thay đổi. Thiệt hại về mặt kinh tế hàng năm của lĩnh vực khai thác thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050 (theo giá so sánh 2012, tỉ lệ chiết khấu 3%/năm) được dự báo lần lượt ở mức khoảng 115 tỉ đồng và 60 tỉ đồng.

Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo các tác động của biến đổi khí hậu để thích ứng với các diễn biến thời tiết ngày càng thất thường. Kịp thời đưa ra giải pháp chiến lược phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển xanh và bền vững./.

(Nguyễn Trung Kiên, Ban Chính sách và Chiến lược)

Danh mục tài liệu tham khảo:

Tài liệu tiếng Việt

1.                Bế Minh Châu và cộng sự (2008), Đánh giá tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng, Báo cáo chuyên đề, Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng, Hà Nội.

2.                Bộ tài nguyên và môi trường (cập nhật 2020), Báo cáo đánh giá kỹ thuật do quốc gia tự quyết định của Việt Nam.

3.                Báo cáo hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc.

4.                Báo cáo kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 – Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5.                Nguyễn Thế Nhã và nnk (2008), Đánh giá tác động của BĐKH đến nguy cơ sâu róm thông ở vùng Bắc Trung bộ. Báo cáo chuyên đề. Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng, Hà Nội.

6.                Nguyễn Viết Thành và cộng sự (2015), Đánh giá tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đại học Kinh tế, Hà Nội.

7.                Mai Văn Trịnh và Nguyễn Hồng Sơn (2014), Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến năng suất cây lúa, ngô và đậu tương ở Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, 12, 3-9.

8.                Phạm Minh Thoa, Vũ Tấn Phương, Vương Văn Quỳnh, Đào Lê Huyền Trang (2013), Đánh giá tác động, xác định các giải pháp ứng phó, xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực lâm nghiệp. Báo cáo tổng kết nhiệm vụ, VNForest & RCFEE, Hà Nội.

9.                Vũ Tấn Phương và Nguyễn Viết Xuân (2008), Bước đầu đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH với lâm nghiệp, Báo cáo khoa học, Trung tâm nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng, Hà Nội.

Tài liệu tiếng anh

1.                M. Melissa Rojas-Downing, A. Pouyan Nejadhashemi, T. Harrigan, S. A. Woznicki, “Climate Change and Livestock: Impacts, Adaptation, and Mitigation”.


Tin khác