Mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn quy trình canh tác lúa bền vững – Câu chuyện về Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạch, An Giang

20/06/2024

Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang như một nhân tố điển hình về việc đẩy mạnh sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn quy trình canh tác lúa bền vững và liên kết tiêu thụ. Ông Trần Văn Lô Ba- Chủ tịch Hội đồng quản trị- Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ những bước đầu của quy trình canh tác lúa ứng dụng cơ giới hóa.

 

Ảnh: Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh

Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh được quy hoạch là vùng sản xuất chuyên canh lúa nếp của huyện Phú Tân, với diện tích đất trồng lúa nếp 1.700 ha. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh nhưng thiếu bền vững; mô hình liên kết lúa nếp theo chuỗi giá trị được hình thành nhưng chậm nhân rộng. Người dân luôn phải đối mặt bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng tần suất, khó dự đoán; ảnh hưởng lớn của biến động thị trường; diện tích sản xuất tại địa phương manh mún, nhỏ lẻ. Một số ít người dân còn sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật theo tập quán canh tác trước đây, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát tốt. Việc liên kết tiêu thụ vẫn tồn tại những hạn chế, bên cạnh đó vai trò các chủ thể tham gia liên kết chưa phát huy đầy đủ. Vụ đông xuân 2022-2023, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh Việt Nam (GIC Việt Nam) triển khai và tổ chức thực hiện mô hình canh tác lúa bền vững.

Mô hình canh tác lúa bền vững được thực hiện trên diện tích 20 ha. Hộ dân được tham gia lớp tập huấn với nội dung hướng dẫn quy trình canh tác lúa bền vững; hướng dẫn quản lý sâu bệnh tổng hợp theo IPM và quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật MRLs; hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký theo dõi trong suốt quá trình sản xuất; hướng dẫn các tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững…Hộ nông dân thực hiện mô hình ghi chép đầy đủ các chi phí từ gieo sạ đến thu hoạch bao gồm: chi phí vật tư, phân bón, nhiên liệu và thiết bị, chi phí thuê mướn lao động và cuối vụ sẽ tổng hợp tính hiệu quả sản xuất mỗi mô hình.

Ông Lô Ba cho rằng xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững là xu thế sản xuất mới dựa trên nền sản xuất theo hướng “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; góp phần giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu trong hệ thống sản xuất lúa nước. Đây cũng là hướng mà ông để tâm 3-4 năm nay để triển khai cho các thành viên Hợp tác xã.

Sau khi nông dân tham gia thực hiện mô hình trình diễn đã áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình đặt ra, nhờ vậy giảm được nhiều chi phí sản xuất như: giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động... Kết quả cho thấy, mặc dù năng suất của ruộng sản xuất theo mô hình thấp hơn với ruộng ngoài mô hình, và ruộng mô hình có sử dụng phân hữu cơ nên chi phí phân bón cao hơn đối chứng, nhưng nhờ mức đầu tư chi phí sản xuất ở khâu giống và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, nên tổng chi phí thấp hơn nhiều so với ruộng ngoài mô hình. Kết quả ruộng mô hình thu được lợi nhuận cao hơn so với ruộng ngoài mô hình khoảng 1.922.000 đồng/ha.

Đồng thời, xét về hiệu quả môi trường, mô hình canh tác áp dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ, thu gom rơm và vùi rơm thì tổng lượng phát thải khí nhà kính là 1.972 kg CO2 tương đương /vụ/ha, còn ruộng ngoài mô hình (đốt rơm rạ, không áp dụng ngập khô xen kẽ) tổng lượng phát thải khí nhà kính đến 6.137 kg CO2 tương đương/vụ/ha. Như vậy, canh tác theo yêu cầu kỹ thuật của mô hình, theo tiêu chuẩn quy trình canh tác lúa bền vững, thực hiện vụ Đông xuân 2022 -2023 ở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh trên lúa nếp làm giảm lượng phát thải khí nhà kính 3 lần so với tập quán canh tác thông thường của nông dân.

                Để phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải; tiếp tục tuyên truyền, vận động thành viên và nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thực hiện tốt các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ. Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, lúa nếp chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến 2030 với quy mô 50 ha tại ấp Phú Lộc và Gò Ba Gia trong năm 2024-2025, và dự kiến đến năm 2030 nhân rộng trên toàn bộ 1.700 ha của địa bàn xã.

Thúy An/Ban Chính sách và Chiến lược/Ipsard

 

 


Tin khác