Bốn mươi năm đổi mới chính sách phát triển ngành thuỷ sản

27/08/2024

Việt Nam là quốc gia ven biển Đông, biển đảo với lợi thế địa lý, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cung cấp lợi thế về trữ lượng hải sản vô cùng to lớn. Ra đời từ sớm, thuỷ sản những năm giữa thế kỷ trước vẫn mang đậm dấu ấn của hoạt động kinh tế tự nhiên, “nghề cá” chỉ được xem là nghề phụ trong nông nghiệp. Sau 40 năm đổi mới, tỷ trọng ngành thuỷ sản trong khối nông lâm ngư nghiệp tăng nhanh qua các năm, từ 5,66% năm 1986 lên đến 21,97% năm 2021(4). Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tham gia xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên.

 

-                Sự đổi mới trong chính sách phát triển thuỷ sản

Nông nghiệp là mũi nhọn đột phá đầu tiên vượt qua các trở ngại của cơ chế quan liêu bao cấp, thì lĩnh vực thuỷ sản có thể được coi là tiên phong trong quá trình mở đường cho các chính sách mới. Năm 1981, trước những khó khăn trong phát triển kinh tế, sự ra đời của Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Seaprodex Việt Nam, được Nhà nước cấp phép áp dụng thử nghiệm cơ chế “tự cân đối, tự trang trải”, với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm, tạo giá trị thặng dư để tái sản xuất mở rộng đã tạo nguồn động lực mới cho sự phát triển. Việc áp dụng thành công cơ chế mới gắn sản xuất với thị trường đã tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế thuỷ sản, mở đường cho sự tăng trưởng liên tục của ngành trong gần 40 năm qua.

Qua thành công bước đầu của cơ chế mới, năm 1993, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá VII đã xác định xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, mở ra chủ trương “Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước mạnh với kinh tế biển”. Thực hiện chủ trương, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách cải tiến tổ chức sản xuất, chính sách tín dụng, vay vốn sản xuất. Chính phủ ban hành một loạt các văn bản triển khai chủ trương của Đảng: Nghị định 13-CP ngày 02/03/1993 về công tác khuyến nông, bắt đầu tổ chức mạng lưới và phát triển công tác khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Nghị định 14-CP ngày 02/03/1993 quy định chính sách cho hộ sản xuất vay vốn đế phát triển nông lâm ngư nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cho các hộ nông nghiệp được trực tiếp vay vốn để sản xuất.

Nhờ động lực của chính sách đổi mới, dịch vụ hậu cần dần được cải thiện, cùng với năng lực khai thác trên biển tăng lên nhờ chủ trương đóng mới, cải hoán số lượng lớn tàu khai thác xa bờ đã làm cho cơ cấu sản lượng khai thác giảm mạnh khai thác ven bờ và nâng cao giá trị hàng hoá. Nhờ tăng số tàu khai thác xa bờ, sản lượng khai thác tăng mạnh, từ 911,9 nghìn tấn lên 1660,9 nghìn tấn (năng suất khai thác bình quân tăng 9% giai đoạn 1993-2000). Năm 2000 cũng là năm bản lề mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản và phát triển nuôi các hình thức công nghiệp với các đối tượng giá trị cao như tôm và cá tra. Cũng năm này, việc xây dựng Luật Thủy sản được khẩn trương triển khai để có được công cụ pháp chế cần thiết cho quản lý ngành - Luật Thủy sản 2003.

Từ giữa những năm 1990, ngành đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, nhờ đó sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới. Đến năm 2008, đã có 544 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó 410 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, 414 doanh nghiệp đã áp dụng các quy phạm GMP, SSOP, HACCP, ISO 14001 v.v, đạt tiêu chuẩn sản xuất sạch hơn, được phép xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, v.v.

Để góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội, duy trì sự phát triển của nghề khai thác hải sản, Chính phủ đã kịp thời có chính sách hỗ trợ một phần xăng dầu cho ngư dân khi tham gia khai thác trên biển trong năm 2008 Quyết định 289/QĐ-TTg, ngày 18/3/2008. Nhờ chính sách hỗ trợ này, mặc dù chỉ được hỗ trợ một phần xăng dầu cho chuyến biển, nhưng hầu hết ngư dân phấn khởi và tiếp tục đi biển, hoạt động khai thác hải sản từng bước được khôi phục trở lại. Số tàu nằm bờ đã giảm. Thông qua hỗ trợ này, cơ quan quản lý nghề cá đã có cơ hội nắm được số lượng tàu thuyền khai thác, tạo tiền đề cho việc cải thiện công tác thông tin quản lý tàu cá cho những năm tiếp theo.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên biển”. Đề án với 2 giai đoạn, giai đoạn 1 năm 2009 nhằm cung cấp thông tin tổng hợp về thời tiết, khí tượng hải văn, hải dương học, v.v. và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các chủ doanh nghiệp khai thác nắm bắt thông tin hoạt động của tàu cá trên biển để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Giai đoạn 2 của dự án 2010 - 2012 hướng tới xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống giám sát tàu vị trí tàu thuyền trên biển trên cơ sở ứng dụng công nghệ vệ tinh, hoàn thiện hệ thống thông tin hai chiều giữa tàu, bờ và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác dự báo ngư trường, khí tượng hải văn nghề cá.

Đánh giá vai trò kinh tế biển trong sự phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã có Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển là “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giàu, mạnh”. Nghị quyết nhấn mạnh, khai thác và chế biến hải sản là một trong những ngành góp phần đột phá về kinh tế biển, ven biển nhằm nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển. Đồng thời, tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh trên biển, khả năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai.

Hiện nay, bối cảnh thế giới đang chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh. Bắt kịp xu thế này, với tư duy hướng ra biển, dựa vào biển và tầm nhìn chiến lược, ngày 22 tháng 10 năm 2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 3 trụ cột phát triển kinh tế biển bao gồm “giảm khai thác -  tăng nuôi trồng – bảo tồn”.

-                Thành tựu chính của chính sách phát triển ngành thuỷ sản

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 1993 sản lượng thuỷ sản có xu hướng giảm khai thác – tăng nuôi trồng, tỷ trọng khai thác từ 82,9% năm 1993 giảm xuống 40,9% năm 2023. Nhờ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế biển với 3 trụ cột “khai thác – nuôi trồng-  bảo tồn” mà sản lượng thuỷ sản năm 2023 đạt 9,3 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác là 3,8 triệu tấn và nuôi trồng là 5,5 triệu tấn.

Cơ cấu sản lượng thuỷ sản chia theo khai thác và nuôi trồng (%)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 2024

Thực hiện mục tiêu giảm số lượng tàu đánh bắt, tăng nuôi trồng theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu trong tiến trình gỡ “thẻ vàng” IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý). Theo Cục Thuỷ sản, tính đến tháng 10-2023, số lượng tàu cá còn 83.430 chiếc, giảm 6.292 chiếc so với năm 2022 là 89.722 chiếc. Trong đó: tàu từ 6-12m là 37.770 chiếc (giảm 5.230 chiếc); tàu từ 12-15m là 16.000 chiếc (giảm 480 chiếc); tàu từ 15-24m là 26.500 chiếc (giảm 470 chiếc); tàu trên 24m là 2.510 chiếc (giảm 112 chiếc). Số lượng tàu đã đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia VNFisbase là 72.271 chiếc, còn 11.210 tàu chưa đăng ký và cập nhật trên VNFisbase.

Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với hơn 600 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngành thủy sản tạo công ăn việc làm cho khoảng 4 triệu lao động, đưa Việt Nam vào danh sách 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

-                Cơ hội và thách thức ngành thuỷ sản trong bối cảnh mới

Hiện nay, bối cảnh thế giới đánh dấu giai đoạn khó khăn của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Trước những thách thức về dịch bệnh, chiến tranh, thương mại thế giới, ngành thuỷ sản Việt Nam khó tránh khỏi các tác động tiêu cực. Nhưng với sự hồi phục dần của nền kinh tế, ngành thuỷ sản đang đứng trước những cơ hội mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức trong thời gian tới:

+                Việt Nam có lợi thế chiều dài bờ biển và diện tích mặt nước có thể sản xuất nuôi trồng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là 1 trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn đến từ biến đổi khí hậu khiến vùng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt bị thu hẹp, nuôi trồng thuỷ sản trên biển chưa được phát triển tương xứng với lợi thế. Bên cạnh đó, việc đánh giá thực trạng để đưa ra giải pháp tái tạo nguồn lợi hải sản tự nhiên để phát triển kinh tế biển bền vững, cân bằng giữa khai thác – nuôi trồng – bảo tồn nguồn lợi hải sản còn khó khăn.

+                Thị trường thuỷ sản Việt Nam có thế mạnh về công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, vấn đề cả thế giới quan tâm đề cập hiện nay là cân bằng phát thải, sản xuất xanh. Cần ưu tiên đầu tư vào các công nghệ nhằm phát thải trong các khâu sản xuất, chế biến, sử dụng các thiết bị giảm tiêu hao năng lượng, vật liệu giảm hoặc ít phát thải.

+                Việt Nam có nguồn cung cấp khối lượng lớn thuỷ sản an toàn, chất lượng ổn định từ 28 tỉnh ven biển. Tuy nhiên, sản xuất ngành nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói riêng của Việt Nam chủ yếu có quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, cản trở việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông hộ sang sản xuất hàng hoá có quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp tăng hiệu quả, giảm giá thành.

+                Có nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước và vùng lãnh thổ mang lại lợi thế về thuế xuất nhập khẩu và cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 Hiệp định Thương mại dự do, với các nước tham gia chiếm 73% xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó 13 hiệp định Hiệp định Thương mại tự do đã ký (chiếm 71% xuất khẩu)

+                Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) giúp thúc đẩy xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Anh (1 trong 5 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất). Dự kiến tháng 10/2024 bên phía Liên minh châu Âu sẽ sang Việt Nam để giám sát, kiểm tra lần thứ 4 để thực hiện gỡ thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam, đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết được cụ thể hoá trong Luật Thuỷ sản năm 2017./.

Nguyễn Trung Kiên, Ban Chính sách và Chiến lược

Tài liệu tham khảo

1.                Báo Nông nghiệp, 2022. Ông Võ Văn Kiệt: Xác định thủy sản là ngành mũi nhọn thì mục tiêu, cơ chế phải đúng nghĩa mũi nhọn

2.                Minh Phương, 2024. Yếu tố quyết định trong hành trình gỡ “thẻ vàng” IUU. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

3.                Cục thuỷ sản. Quá trình phát triển

4.                Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030 theo hướng bền vững”

5.                Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam. Tổng quan ngành thuỷ sản Việt Nam

6.                Hải Đăng, 2024. 65 năm giữ vững vị thế ngành thuỷ sản. Cục Thuỷ sản

7.                Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Khai thác – nuôi trồng – bảo tồn, 3 trụ cột trong kinh tế biển


Tin khác