Tuần lễ M4P-Nâng cao Hiệu quả Thị trường cho người nghèo đã được tổ chức tại khách sạn Horison, 40 Cát Linh, Hà Nội từ ngày 27 đến 01/12/06.
Tuần lễ M4P nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật khu vực của ADB-DFID-ADBI. Tham dự tuần lễ hội thảo có đại diện của các Bộ, Viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội phụ nữ Việt Nam cùng nhiều đại biểu khác.
Ngày hội thảo đầu tiên được bắt đầu bằng báo cáo “Thị trường Lao động nông thôn và di cư” của ông Nguyễn Mạnh Hải, Viện Kinh tế Nghiên cứu Trung ương (CIEM), đại diện cho nhóm nghiên cứu lên trình bày. Báo cáo trình bày về thị trường lao động ở nông thôn Việt Nam, phân tích các kết nối giữa việc phát triển thị trường lao động nông thôn với tính trạng di cư, và đánh giá khả năng mà các chính sách về di cư có thể giúp tối đa hoá lợi ích của việc di cư đối với địa phương có người di cư, kể cả lợi ích đối với thị trường lao động nông thôn và phát triển nông thôn.
Tiếp theo là bài trình bày về các kết quả chính và các bước tiến hành trong nghiên cứu về“Hệ thống Phân phối và Bán lẻ mới và Người nghèo” do CIRAD-MALICA tiến hành nhằm đánh giá tác động của việc phát triển siêu thị đối với người nghèo trong vai trò là người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Cũng trong ngày hội thảo đầu tiên, ADB đã giới thiệu cuốn sách“Siêu thị và người nghèo tại Việt Nam”.
Ngày làm việc thứ hai tập trung thảo luận về Những công cụ của cách tiếp cận M4P. Sau bài trình bày về Sinh kế và Thị trường có sự tham gia của người dân, nhóm nghiên cứu của ILSSA đã giới thiệu cuốn sổ tay và các trường hợp nghiên cứu cũng như kinh nghiệm ứng dụng sổ tay tại một số nơi ở Việt Nam. Chuỗi giá trị và người nghèo là chủ đề của phiên làm việc buổi chiều với những kinh nghiệm phong phú trong xây dựng năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ, phát triển chuỗi giá trị cây nhãn, hợp đồng bao tiêu sắn củ tươi với nông dân huyện Krong Bong, Đắc Lăk, sáng kiến cây tre khu vực Mê Kông và Sổ tay công cụ chuỗi giá trị. Kết thúc ngày làm việc là lễ trao giải thưởng thiết kế Golden V do VCCI và ADB đồng tổ chức.
Chủ đề của ngày làm việc thứ ba là Những mô hình kinh doanh giảm nghèo và hợp tác công ty. Các đại biểu đã được nghe bài trình bày về Các thay đổi dự kiến trong chính sách nông nghiệp về trợ giá/chiến lược giảm nghèo sau khi Việt Nam gia nhập WTO của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Tiếp theo là các vấn đền về Trợ cấp Khuyến nông giảm nghèo và các hoạt động tạo thu nhập cho người nghèo. Chương trình của phiên làm việc buổi chiều xoay quanh vấn đề “Làm thế nào để các dự án định hướng thị trường có thể thúc đẩy phát triển với lượng khí thải cácbon thấp tại Việt Nam?” Đại diện cho SNV, ông Reinhert đã trình bày giải pháp “Khí đốt sinh học trong gia đình”. Dựa trên những phân tích về cung, cầu, những cơ hội và thách thức, ông Bastiaan Teune, Chương trình Biogas Việt Nam, đã đề xuất các giải pháp thương mại hoá ngành biogas. Theo đó, các doanh nghiệp nên cố gắng tự nâng cao năng lực phát triển, kết nối với các đối tác địa phương và các tổ chức phi chính phủ.
“Tạo ra lợi nhuận từ khoa học công nghệ” là chủ đề của ngày làm việc cuối cùng trong tuần lễ M4P. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thay đổi trong lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam. Theo nghị định 115/2005/NĐ-CP, chậm nhất đến tháng 12/2009, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng công lập phải chuyển đổi thành tổ chức khoa học tự trang trải kinh phí hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ, nếu không sẽ bị sáp nhập hoặc giải thể. Mục tiêu của buổi hội thảo cuối cùng này là nhằm tạo ra một diễn đàn, nơi các viện nghiên cứu có thể tiến hành các hoạt động thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu.
Nguyễn Thu Trang