Việt Nam là một nước nhập khẩu sữa, với mức thu nhập và dân số ngày càng tăng, nhu cầu về sữa và các sản phẩm từ sữa cũng ngày càng lớn. Đến năm 2005, nước ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước. Trong thời gian gần đây, các tỉnh địa phương đã triển khai chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao, giá thu mua sữa thấp đã khiến cho nhiều nông dân trong cảnh “điêu đứng”. Đặc biệt, trước tình hình sắp gia nhập WTO, tương lai ngành sữa sẽ ra sao?
Từ phong trào nuôi bò sữa…
Từ sau quyết định 167/2001/QĐ-TTg, trong vòng năm 5 năm 2001-2010, ngành chăn nuôi đã có bước phát triển đáng kể. Năm 2001, đàn bò sữa cả nước có 41.200 con với sản lượng sữa tươi đạt 64.700 tấn chỉ đáp ứng 8% nhu cầu tiêu thụ, đến 2005, đàn bò cả nước đạt 107.609 con, sản lượng sữa tươi 198.000, đáp ứng được 22% nhu cầu tiêu thụ. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phát triển đàn bò sữa mạnh nhất với 57.000 con, kế đến là Long An 6.000 con, Tuyên Quang gần 5.000 con, Sơn La hơn 4.000 con. Hiện cả nước có khoảng 19.600 hộ chăn nuôi bò sữa tại 33 tỉnh thành phố, trung bình 5,3 con/hộ[1].
… đến lấy bò sữa làm bò thịt
Trong 5 năm 2001-2005, tốc độ tăng tổng đàn bò sữa cả nước là 25%/năm. Nhưng sang năm 2006, do gặp khó khăn, nhiều hộ nông dân đã dần thải loại bò sữa năng suất thấp không hiệu quả, và bán với giá bò thịt. Sáu tháng đầu năm 2006, đàn bò sữa cả nước đã giảm 1,2%. Tại các tỉnh phía Bắc, đàn bò giảm 4.603 con (từ tốc độ tăng 43,7%/năm giai đoạn 2001-2010 xuống còn 17%/năm) và rải đều trên tất cả 16 tỉnh có đàn bò sữa, Tuyên Quang giảm từ 4.817 xuống 3.942, Sơn La 4.491 xuống 3.614. Tại các tỉnh phía Nam có tới 6/17 tỉnh giảm số lượng bò sữa[2].
Vấn đề ở đâu?
Năm 2005 cả nước đã phải nhập khẩu lượng sữa trị giá 311,2 triệu USD[3]. Do đó, phát triển chăn nuôi bò sữa là hết sức cần thiết, nhằm thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng do đâu mà các quy mô đàn bò sữa lại giảm nhanh chóng trên cả nước?
Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ
Chỉ số quy mô đàn trung bình của một quốc gia thường được sử dụng để so sánh quy mô trang trại giữa các nước. Hiện nay quy mô chăn nuôi bò sữa Việt Nam còn nhỏ lẻ, bình quân cả nước 5,3 con/hộ, nên hiệu quả chăn nuôi bò sữa ở nhiều nơi thấp. Chăn nuôi bò sữa chủ yếu được thực hiện dưới hình thức hộ gia đình, chiếm 93% tổng đàn bò sữa cả nước.
Năm 2003, trong khu vực hộ gia đình, bình quân toàn quốc là 5,13 con/hộ; quy mô chăn nuôi bò sữa bình quân cho hộ chăn nuôi ở miền Bắc là 4-5 con; quy mô chăn nuôi lớn nhất là ở Sơn La bình quân 9,1 con/hộ. Ở miền Nam quy mô bình quân là 7-10 con; riêng thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng bò sữa lớn nhất toàn quốc có quy mô bình quân 6,1 con/hộ.
Trong khi các nước Châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, là quốc gia có nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa lớn, hầu hết các trang trại có quy mô nhỏ (<10 con/trang trại). Còn tại nhiều nước trên thế giới, phần lớn chăn nuôi bò sữa dưới hình thức trang trại với quy mô lớn. New Zealand, Úc và Cộng hoà Séc có quy mô đàn trung bình lớn nhất (190 – 250 bò sữa/trang trại). Agentina, Israen và Mỹ có quy mô lớn thứ hai (90 – 110 bò sữa/trang trại). Các quốc gia như Agentina, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Ireland, Israen, Estoni, Hungary, Cộng hoà Séc và các nước ở Bắc Mỹ, châu Đại Dương thường có các trang trại chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn (>50 con/trại). Quy mô đàn trung bình nhỏ nhất là ở các nước thuộc Nam Á và Ba Lan với 1 – 3 bò sữa/trang trại.[4]
Quy hoạch và kỹ thuật chăn nuôi
Từ khi có chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa, nhiều tỉnh vùng đã mở rộng chăn nuôi bò sữa mà không tính đến điều kiện và hiệu quả chăn nuôi. Năm 2001, chỉ có khoảng 12 tỉnh thực hiện chăn nuôi bò sữa, đến nay phong trào này đã lan ra 33 tỉnh thành, trong đó có cả một số tỉnh không có đủ điều kiện chăn nuôi như không có đồng cỏ và không có nhà máy chế biến. Nhiều tỉnh địa phương coi chăn nuôi bò sữa để xoá đói giảm nhiều nhưng không hề tính đến các yếu tố đảm bảo hiệu quả chăn nuôi như nguồn nguyên liệu thức ăn cho bò sữa, kênh tiêu thụ cho người nông dân và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Chăn nuôi bò sữa là một nghề mới ở nước ta và đòi hỏi phải có kiến thức tốt về kỹ thuật chăn nuôi. Hiện tại, Việt Nam có trình độ chăn nuôi bò sữa thấp. Ngoại trừ một số vùng còn lại đại đa số nông dân chưa có tập quán chăn nuôi, thiếu kiến thức về chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, khai thác sữa, thú y ... Chăn nuôi bò sữa trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro do thiếu kiến thức nuôi bò sữa.
Chí phí sản xuất cao
Chi phí thức ăn chăn nuôi bò sữa bao gồm thức ăn thô (chủ yếu là cỏ, rơm...) và thức ăn hỗn hợp (bao gồm cám gạo, hạt ngô, đậu tương, bột cá,...). Trong đó, chi phí thức ăn hỗn hợp chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa tươi. Tại Việt Nam, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm đến 70% giá bán sữa. Trong khi đó, tỉ lệ này tại Thái Lan là gần 57% và Đài Loan chưa đến 43%... [5] Một trong những nguyên nhân khiến chi phí thức ăn chiếm một tỷ lệ cao như vậy là do giá thức ăn hỗn hợp sản xuất ở Việt Nam, trong đó có thức ăn cho bò sữa. Nguyên nhân làm cho giá thức ăn gia súc còn cao đó là thuế nhập khẩu các nguyên liệu làm thức ăn gia súc còn cao, hơn nữa phần lớn nguyên liệu giầu đạm còn phải nhập khẩu. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn năm 2003, khấu hao con giống chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành (14%), cao nhất là vùng Hà Nội (19%) và thấp nhất là vùng TP.HCM và phụ cận (11%). Khấu hao bò sữa ở Việt Nam vào loại cao so với các nước trên thế giới, nguyên nhân là do cung cầu con giống còn mất cân đối, do nhiều địa phương tập trung đầu tư phát triển đàn bò sữa trong cùng một giai đoạn.
Kênh tiêu thụ kém
Trong chăn nuôi bò sữa, thu gom là khâu rất quan trọng. Thu gom không chỉ là một khâu tiêu thụ sữa bò, mà còn làm cho chất lượng sữa bò không bị giảm xuống. Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi bò sữa ở nước ta hầu hết ở xa nhà máy chế biến sữa, cho nên việc thành lập các trạm thu gom, trung chuyển để bảo quản, tiêu thụ sữa là điều hết sức cần thiết. Thông thường, sự hình thành các cơ sở thu gom sữa bò đều do nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa của tiểu vùng, hay khu vực. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương, việc phát triển chăn nuôi bò sữa không gắn liền với việc phát triển các kênh tiêu thụ đầu ra cho người nông dân. Điển hình, tại tỉnh Nghệ An, chỉ có một nhà máy tiêu thụ sữa tươi đặt tại Cửa Lò mà không có các cơ sở thu gom sữa tươi cho người nông dân, trong khi bò sữa được nuôi phân tán tại các trong huyện như Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn,...[6] Như vậy, do khoảng cách xa với các nhà máy sữa nên chí phí vận chuyển và bảo quản tương đối cao, chi phí vận chuyển trung bình từ trại chăn nuôi đến nhà máy và bảo quản lạnh hết 300đ/lít.
Theo nghiên cứu của Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, nếu xét tỷ lệ chi phí thực bỏ vào sản xuất vả tỷ lệ lợi nhuận thu được giữa cơ sở chăn nuôi bò sữa (CNBS) và cơ sở thu gom sữa bò thì chi phí thực của cơ sở CNBS bỏ vào sản xuất gấp 11,1 lần cơ sở thu gom sữa bò nhưng lợi nhuận thu được chỉ gấp có 3 lần đối với cơ sở thu gom sữa bò ở miền Bắc. Chi phí thực bỏ vào sản xuất gấp 20,6 lần cơ sở thu gom sữa nhưng lợi nhuận chỉ bằng 0,6 lần đối với cơ sở thu gom sữa đối với cơ sở CNBS ở miền Nam
Giá thu mua sữa tươi thấp
Lượng sữa của các cơ sở thu gom sữa bò chủ yếu bán cho nhà máy chế biến sữa, chiếm tỷ trọng 97%. Trong đó, 2 nhà máy chế biến sữa là Vinamilk (49%) và Dutch Lady (20%) đang gần như độc quyền thị trường. Do đó, giá thu mua sữa chủ yếu do 2 công ty trên quyết định. Hiện nay, mức giá thu mua sữa của các nhà máy sữa vẫn đang rất thấp. Thời gian qua, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng (5% năm 2005, và tăng 6,3% trong 6 tháng đầu năm), nhưng giá thu mua sữa lại gần như không thay đổi. Tháng 9 năm 2004, giá mua của Công ty Vinamilk là 3.500đồng/kg; Công ty Visomilk là 3.600đồng/kg[7]. Đến tháng 6-2006, giá thành sữa tươi bình quân vẫn chỉ 3.487 đồng/kg, dao động từ 2.810-4.410 đồng/kg. Giá sữa tươi tại nhà máy trung bình 3.851 đồng, dao động từ 3.200-4.200 đồng/kg[8].
Mức giá thu mua như trên được coi là thấp nhất thế giới. Hiện giá nguyên liệu sữa tại trại của Nhật Bản, Hàn Quốc là 8.700-11.500đồng/kg; Thái Lan là 4.600 đồng/kg; Trung Quốc là 4.800đồng/kg.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn năm 2003, tỷ suất doanh lợi nhuận (lãi/doanh thu) trong chăn nuôi bò ở các cơ sở chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam trung bình là 12% cao nhất ở vùng Lâm Đồng (23,6%), thấp nhất ở khu vực TP.HCM (1,7%). Tỷ suất này thấp hơn nhiều sở với các cơ sở sản xuất sữa tươi ở các nước EU, (58%).
Hội nhập, ngành chăn nuôi bò sữa sẽ ra sao?
Hiện nay, ngành sữa Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn được bảo hộ, nhưng nhiều nông dân nuôi bò sữa đã đang trong cảnh “điêu đứng“. Nông dân phải chịu chi phí chăn nuôi quá cao nhưng giá thu mua lại thấp nên hiệu quả sản xuất kém, đồng thời không tiêu thụ được đầu ra. Vậy trong thời gian tới, khi phải thực hiện cắt giảm thuế quan nhập khẩu thì người nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ ra sao?
Hiện nay, sữa tươi nhập khẩu vào nước ta có mức thuế ưu đãi 20%, thuế VAT 10%; sữa bột nhập khẩu có mức thuế 15%, VAT 10%...[9] Trong khi sữa nguyên liệu nhập khẩu vẫn phải chịu mức thuế cao thì phần lớn (78%) sữa nguyên liệu nhập khẩu vẫn là nguồn cung cấp chính cho các nhà máy chế biến sữa. Như vậy nếu gia nhập WTO, thuế nhập khẩu sữa tươi giảm xuống còn 10%, các nhà máy chế sẽ tăng cường hơn nữa việc sử dụng nguyên liệu sữa nhập khẩu để chế biến. Đây được coi là thách thức lớn cho các nông dân chăn nuôi bò sữa.
Hơn thế nữa, theo cam kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tiến trình hội nhập WTO, được ký kết ngày 31 tháng 5 năm 2006, mặt hàng váng sữa sẽ được giảm thuế từ 20-30% xuống còn 10% theo lộ trình 5 năm. Mức thuế đối với sản phẩm pho mát sẽ được giảm ngay lập tức từ 20% xuống 10%. Mức thuế đối với kem giảm từ 50% xuống 20% sau 5 năm. Với mức thuế như vậy, các sản phẩm bơ sữa ngoại nhập sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Thị trường sữa Việt Nam cần được minh bạch hóa
Ngoài thực trạng nêu trên khiến người chăn nuôi bò sữa đang trong cảnh “điêu đứng“, một vấn đề cũng đang cần được tháo gỡ để không những bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi bò sữa mà còn bảo vệ người tiêu dùng. Mặc dù sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu nhưng sản phẩm sữa tươi đóng hộp với nhãn mác “sữa tươi tiệt trùng“ đang tràn ngập trên thị trường. Các sản phẩm sữa tươi hầu như không ghi rõ tỷ lệ bao nhiêu sữa tươi, bao nhiêu sữa bột. Điều này có thể coi là hành vi đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, minh bạch hóa thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người tiêu dùng. Nó giúp cho người tiêu dùng có sự lựa chọn sản phẩm đúng với nhu cầu. Hơn thế nữa, việc minh bạch hóa thị trường cũng có thể giúp mở rộng đầu ra cho người chăn nuôi bò sữa.
Giải pháp
Từ sau kết quả của Hội nghị về Chương trình phát triển đàn bò sữa Việt Nam, các cấp ngành cần nhanh chóng triển khai giải quyết các vấn đề trong ngành chăn nuôi bò sữa:
- Rà soát và giữ lại tỉnh có năng lực và điều kiện phù hợp cho chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, cần đảm bảo các vùng phát triển chăn nuôi bò sữa hội tủ các điều kiện cơ sở hạ tầng, dân
- Xem xét các vấm đề nghiên cứu giống, vấn đề thú y, khuyến nông, hệ thống thông tin... đối với bò sữa
- Minh bạch hóa thị trường sữa
Đinh Thị Kim Phượng