Doanh nghiệp nông nghiệp trước thềm hội nhập WTO

10/11/2006

Ngày 25 tháng 10 năm 2006, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế, Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức “Hội nghị toàn thể ISG 2006” về chủ đề “Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và WTO”. Chủ trì hội thảo là TS. Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, và Ông Michael W.Marine, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Đến tham dự hội thảo có Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế Việt Nam, Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Ông Chu Tiến Quang, Viện Ngiên cứu Quản lý kinh tế trung ương và các đại điện của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới và các đại sứ Úc, Thuỵ Điển tại Việt Nam.

Theo Ông Đặng Kim Sơn, Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, 80% doanh nghiệp có quy mô 10-500 lao động. Các công ty TNHH phổ biến ở quy mô 10 lao động, và chỉ có 13% doanh nghiệp có trên 1 ngàn lao động (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước trung ương). Về năng lực thì tỷ lệ người biết ngoại ngữ rất ít (9,6% đối với doanh nghiệp tư nhân và 8,7% đối với các công ty TNHH) và tỷ lệ có khả năng làm việc với người nước ngoài lại càng thấp (chỉ đạt 3,5%). Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp không biết đối thủ cạnh tranh của mình là ai và mức giá của mình so với các doanh nghiệp khác có cạnh tranh không. Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa nhận thức đủ và sẵn sàng tham gia. Năng lực hội nhập từ chủ doanh nghiệp đến sảm phẩm còn nhiều hạn chế; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nông nghiệp thấp.

Đánh giá về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO, theo Bà Phạm Chi Lan, khi nhập WTO, doanh nghiêp nông nghiệp Việt Nam có triển vọng tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn do vị thế mới của Việt Nam trong WTO, trong vòng đàm phán Doha, thị trường trong nước phát triển và hệ thống phân phối mở rộng, thuận lợi hơn cho tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp nông nghiệp có thể tận dụng được cơ hội khi Nhà nước điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường hơn, bền vững hơn. Các ngành dịch vụ, công nghệ, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp sẽ phát triển và cơ sở hạ tầng ở nông thôn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nông nghiệp VN cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Khi hội nhập, cạnh tranh sẽ tăng lên trên thị trường nông sản trong nước và quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn, giá cả, dịch vụ. Những tiêu chuẩn bắt buộc cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (trong nước và quốc tế) đối với nông sản dưới sự giám sát nghiêm ngặt hơn.

Về khía cạnh môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần ở nông thôn, theo Ông Chu Tiến Quang, có 7 rào cản pháp lý ảnh hưởng không tốt và tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh ở Việt Nam hiện nay là: 1) rào cản đối với việc gia nhập thị trường của các loại hình doanh nghiệp; 2) rào cản về tiếp cận đất đai; 3) rào cản trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại và thị trường vốn; 4) rào cản liên quan đến tiếp cận thị trường lao động; 5) rào cản liên quan đến thị trường hàng hóa; 6) rào cản về các loại thuế; 7) rào cản về sở hữu và quản lý.

Tuy nhiên, theo Bà Phạm Chi Lan, về các rào cản pháp lý hiện tại cần phải tính đến cả rào cản rút khỏi thị trường. Vì tại Việt Nam, gia nhập thị trường thì dễ nhưng ra khỏi thị trường lại rất khó. Mặc dù Việt Nam đã có luật phá sản nhưng thời gian xử lý phải mất rất lâu sẽ gây ra lãng phí về nguồn lực. Rào cản về thuế thì không chỉ nói về thuế mà còn phải tính đến rào cản về phí và lệ phí. Ngoài ra, rào cản về tiếp cận quyền kinh doanh cũng là một khía cạnh rất lớn đối với doanh nghiệp. Mặc dù luật không cấm doanh nghiệp tham gia vào các loại hình kinh doanh nhưng trên thực tế, một số quyền kinh doanh chỉ dành cho một số đối tượng nào đó.


Đinh Thị Kim Phượng

Tin khác