Phát triển nông nghiệp Lào Cai sau hội nhập WTO

30/10/2006

Ngày 20/10/2006, UBND Tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất nông nghiệp Lào Cai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, với mục đích thu nhận những thông tin mới nhất về những tác động có thể của sự kiện Việt Nam gia nhập WTO tới sự phát triển của Lào Cai nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Ngày 20/10/2006, UBND Tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất nông nghiệp Lào Cai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, với mục đích thu nhận những thông tin mới nhất về những tác động có thể của sự kiện Việt Nam gia nhập WTO tới sự phát triển của Lào Cai nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.|Tham dự và trao đổi tại Hội thảo có Ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Ông Đặng Kim Sơn, TS. Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược PTNNNT, Bà Phạm Thị Tước, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, Bà Lê Kim Dung, đại diện tổ chức Oxfam Anh và lãnh đạo các Sở, Ban ngành của Lào Cai.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi về tình hình phát triển sản xuất nông nghiệp Lào Cai giai đoạn 2001-2005 và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn 2006-2010, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bà Phạm Thị Tước, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT đã cung cấp cho đại biểu Lào Cai những thông tin toàn diện về những cam kết của Việt Nam về nông nghiệp, những tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO đến ngành nông nghiệp Việt Nam, các tỉnh miền núi phía Bắc và Lào Cai. Với một góc nhìn khác của một tổ chức phi chính phủ có bề dày hoạt động trong công tác giảm đói nghèo tại Việt Nam, đại diện tổ chức Oxfam Anh, Bà Lê Kim Dung đã đánh giá những cơ hội và thách thức tiềm năng của việc Việt Nam gia nhập WTO đến sản xuất và đói nghèo tại Việt Nam và Lào Cai, và đặc biệt nhấn mạnh đến những thách thức đối với các mặt hàng có mức độ cạnh tranh thấp, ảnh hưởng đến sinh kế người nghèo-trường hợp của ngô.

Với góc nhìn chính sách và chiến lược, TS. Đặng Kim Sơn đánh giá cao về vị thế kinh tế cửa khẩu của Lào Cai, tiềm năng phát triển lâm nghiệp với hơn nửa triệu ha rừng, 68% diện tích quy hoạch lâm nghiệp, trong điều kiện nhu cầu gỗ của thị trường Trung Quốc đang được đánh giá là rất lớn. Theo TS. Đặng Kim Sơn, Lào Cai đang có nhiều cơ hội phát triển mới của trong hành lang kinh tế Vân Nam-Hải Phòng cũng như triển vọng thu hút đầu tư, liên doanh sản xuất, mở rộng thị trường với Trung Quốc. Tuy nhiên, những thách thức mới mà Lào Cai sẽ phải đối mặt là việc phát huy lợi thế về khai thác khoáng sản thế nào cho vững bền và hiệu quả, bảo vệ và phát huy tài nguyên rừng và đa dạng tự nhiên như thế nào…? Ông đề xuất 6 giải pháp phát triển cho Lào Cai trong giai đoạn phát triển mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những giải pháp khai thác lợi thế, hội nhập và phát triển hành lang kinh tế Vân Nam-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và chiến lược phát triển lâm nghiệp, phối hợp với công nghiệp chế biến và vùng nguyên liệu cho Lào Cai.

Xung quanh câu chuyện xây dựng chính sách lâm nghiệp cho tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai kiến nghị “ Trong quá trình Tỉnh thực hiện cần có sự giúp đỡ của Nhà nước và của Bộ NN&PTNT. Lào Cai giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng thu ngân sách tỉnh từ khai thác khoáng sản không nhiều. Trong khi đó, người dân Lào Cai lại trực tiếp bị ảnh hưởng của môi trường tàn phá. Tài nguyên rừng nằm trên mặt đất, tài nguyên khoáng sản nằm dưới mặt đất. Vậy thì khai thác khoáng sản chắc chắn phải phá rừng? Chính sách của Nhà nước như thế nào để hài hoà giữa việc khai thác khoáng sản và bảo vệ rừng? Hiện nay, chính sách của nhà nước cho các tỉnh miền núi rất nhỏ giọt, mới thực hiện thí điểm ở Vườn quốc gia (cho Lào Cai và Lai Châu), nhưng thực sự người dân không được hưởng lợi là bao nhiêu. Rồi việc xác định cơ cấu cây rừng cho các tỉnh miền núi như Lào Cai là cây gì? Trồng rừng bây giờ thì 15, 20 năm sau mới có sản phẩm. Vậy chỉ đạo quy hoạch nông nghiệp như thế nào cho người dân Lào Cai?”

Tiếp thu các ý kiến trao đổi và đóng góp của các đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai Ông Phan Duy Hạnh kết luận: Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là Chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung phù hợp với tiềm năng và lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động của từng vùng. Gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; hình thành sự liên kết nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn. Để thực hiện chủ trương này, cần phải có sự chuẩn bị và nỗ lực toàn diện giúp Lào Cai tự tin và vững vàng khi tham gia hội nhập.

Hoàng Ngân


Tin khác