Nông nghiệp Việt Nam trong ASEAN (Kỳ I)

05/10/2006

ASEAN hiện có 10 nước thành viên (gồm 5 nước sáng lập viên năm 1967 là Indonêxia, Malaixia, Philipine, Singapore và Thái Lan, và 5 nước kết nạp sau là Brunây năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanma năm 1997, Campuchia năm 1999).

ASEAN hiện có 10 nước thành viên (gồm 5 nước sáng lập viên năm 1967 là Indonêxia, Malaixia, Philipine, Singapore và Thái Lan, và 5 nước kết nạp sau là Brunây năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanma năm 1997, Campuchia năm 1999).| Diện tích tự nhiên của khu vực là khoảng 4,5 triệu km2. Tổng dân số khoảng 550 triệu người (2004), tổng sản phẩm quốc nội toàn khối đạt trên 800 tỷ USD (2004), tổng trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều đạt trên 1058 tỷ USD (2004), tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình (2000-2004) đạt 5%.

Hiện nay, các hiệp định thương mại trong khuôn khổ hình thành khu vực mậu dịch tự do khu vực (AFTA- ASEAN Free Trade Area) đã bắt đầu có hiệu lực. Theo lộ trình giảm thuế của Chương trình Thuế quan ưu đãi có Hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff-CEPT), năm 2006 chính là thời hạn chót cho Việt Nam tiến hành giảm thuế nhập khẩu cho tất cả các loại hàng hóa xuống mức tối đa 5%, thời hạn cho Lào và Myanma là vào năm 2008, trong khi với Campuchia là năm 2010. Về dài hạn, các nước trong khu vực đã thống nhất giảm thuế xuống mức 0% cho tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu vào năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu (bao gồm cả Brunây), và vào năm 2015 cho 4 thành viên sau này trong đó có Việt Nam.

ASEAN đã ký hiệp định thương mại và đầu tư với Mỹ (TIFA), hiệp định thương mại với Trung Quốc (ACFTA) và hiệp định thương mại với Hàn Quốc (AKFTA). Ngoài ra, bản thân mỗi thành viên ASEAN còn ký các hiệp định thương mại song phương với nhau và với nhiều nền kinh tế khác.

Thông qua so sánh một vài chỉ báo cơ bản về các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các nước ASEAN, bài viết này muốn tìm hiểu về vị trí của nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh chung của nền nông nghiệp khu vực.

1. Dân số và lao động
Tỷ lệ dân số nông thôn ASEAN (2004, %)
Tỷ lệ dân số nông nghiệp ASEAN (2004, %)
Về tổng thể, ASEAN vẫn là một “khu vực nông nghiệp, nông thôn” với tỉ lệ dân số sinh sống tại nông thôn chiếm tới 57% tổng dân số, đồng thời dân số có hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 47% tổng dân số.

Tuy nhiên, tính chất “nông nghiệp, nông thôn” là không đồng đều: Nhóm các nước trong đó nông nghiệp, nông thôn giữ vai trò kinh tế-xã hội một cách rõ rệt là Lào (78,9% dân số sống ở nông thôn, 75,8% dân số hoạt động nông nghiệp), Myanmar (70,0%-69,0%), Campuchia (80,8%-68,5%), Việt Nam (73,8%-65,7%). Nhóm các nước có tỉ lệ dân số sống tại nông thôn và có hoạt động nông nghiệp tương đối thấp hơn gồm Thái Lan (67,9%-45,8%), Inđônêxia (53,2%-41,5%), Philippin (38,2%-37,0%). Nhóm các nước mà tính chất đô thị và công nghiệp nổi bật hơn hẳn là Singapore (0% dân số sống ở nông thôn, 0,12% dân số hoạt động nông nghiệp), Brunây (23,2%-0,6%) và Malaixia (35,1%-15,0%).

Về cơ bản, ASEAN là một khu vực có dân số “trẻ” và có nhiều tiềm năng về lao động với 50,6% dân số nằm trong độ tuổi lao động. Mức này cao hơn mức chung của thế giới (49,0%, 2004). Những nước có tỷ lệ này cao hơn mức chung của khu vực là Thái Lan (59,7%), Myanmar (54,7%), Việt Nam (53,4%). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động trong nông nghiệp còn cao hơn: 54,4%.

Tương tự như tỷ trọng của dân số nông nghiệp trong tổng dân số, tỷ trọng của dân số trong độ tuổi lao động có hoạt động nông nghiệp trong tổng dân số trong độ tuổi lao động phản ánh rõ vai trò của nông nghiệp tại mỗi quốc gia. Tuy nhiên, lần này mức độ “chênh lệch” có giảm xuống với chỉ hai nhóm nước thay vì ba như ở trên: Nhóm các nước có tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động có hoạt động nông nghiệp ít nhất là Singapore (0,09%), Brunây (0,6%) và Malaixia (15,9%). Nhóm các nước còn lại đều có tỷ lệ này từ 37% đến gần 76%.

Việt Nam là một trong những nước có tính chất “thuần nông” cao nhất khu vực: (1) Dân số nông thôn-73,8%; (2) Dân số nông nghiệp-65,7%; (3) Dân số trong độ tuổi lao động hoạt động trong nông nghiệp-65,7%.

Ngô Vi Dũng


Tin khác