Cần một hướng đi mới cho giám sát cung cà phê (Kỳ I).

20/09/2006

Năm 1998, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê Robusta xuất khẩu.  Kể từ đó, Việt Nam liên tục trở thành đối tác xuất khẩu cà phê quan trọng trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện đời sống của hàng triệu người dân, tạo hàng trăm nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người trồng, chế biến và buôn bán cà phê.

Năm 1998, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê Robusta xuất khẩu. Kể từ đó, Việt Nam liên tục trở thành đối tác xuất khẩu cà phê quan trọng trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện đời sống của hàng triệu người dân, tạo hàng trăm nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người trồng, chế biến và buôn bán cà phê.| Chính vì vậy, người dân địa phương đã đổ xô vào trồng cà phê, khiến diện tích tăng đột biến. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam (chiếm 14% thị phần thế giới) do đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến trên thị trường thế giới. Trong cuộc khủng hoảng cà phê kéo dài từ năm 1998, Việt nam đã bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích là đã sản xuất quá dư thừa, khiến thị trường thế giới mất cân bằng, làm giảm giá cà phê trầm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ nông dân Việt Nam mà cả nhiều nước sản xuất cà phê khác trên thế giới, đặc biệt là người nghèo và dân tộc thiểu số.

Thêm vào đó, do thiếu thông tin về chi phí sản xuất, nông dân trồng cà phê Việt Nam không thể biết được khả năng cạnh tranh của mình trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, thông tin của chính phủ cung cấp chưa kịp thời và chưa có thông tin dự báo để giúp nông dân và doanh nghiệp đưa ra những quyết định đầu tư, kinh doanh đúng đắn. Chính vì vậy, một phương pháp tiên tiến, khoa học thu thập thông tin về cung ngành hàng là vô cùng quan trọng, không chỉ cho công tác quản lý nhà nước mà còn cho nông dân và doanh nghiệp trong việc điều chỉnh các quyết định đầu tư, kinh doanh.

Các nguồn số liệu về cung cà phê của Việt Nam hiện nay

Hiện nay, ở Việt Nam có một số cơ quan cung cấp số liệu về cung ngành hàng, trong đó có cà phê như Tổng Cục Thống kê, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Bộ Thương mại, Sở NN&PTNT ĐăkLăk… Tuy nhiên, các nguồn số liệu này có độ chênh lệch lớn. Tổng cục Thống kê tập hợp số liệu về diện tích, năng suất, sản lượng từ các báo cáo thống kê của các tỉnh và tổng điều tra nông nghiệp. Tổng điều tra nông nghiệp cũng điều tra dựa trên phương pháp bảng hỏi hộ nông dân. VICOFA ước lượng cung cà phê đầu vụ: dựa trên số liệu dự báo của các tỉnh, tình hình sản xuất của năm trước và kinh nghiệm chuyên gia. Cuối vụ, hiệp hội lấy lượng xuất khẩu trừ đi số liệu tồn kho năm trước và năm nay, tạm nhập tái xuất và tiêu thụ trong nước. Sở NN&PTNT ĐăkLăk dựa trên số liệu thống kê của Sở Địa chính. Một số nguồn thông tin khác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua phương pháp dùng bảng hỏi hoặc các kênh riêng, không thường xuyên. Với những phương pháp lấy số liệu không thống nhất như vậy, các số liệu đưa ra từ những đơn vị/cơ quan này thường có chênh lệch lớn và không kiểm nghiệm được độ sai lệch.

Năm 2005, dự án “Nâng cao năng lực thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách nông nghiệp” - MISPA do Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ đã hỗ trợ Viện Chính sách và Chiến lược PT NN-NT ứng dụng thử nghiệm phương pháp ước lượng cung cà phê dựa trên ảnh vệ tinh và công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý). Phương pháp này đã từng được áp dụng cho nhiều nước châu Âu, châu Mỹ (đặc biệt là Brazin) và cả nước láng giềng Trung Quốc (cho 9 nhóm ngành hàng nông sản quan trọng trong phạm vi cả nước).

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng ứng dụng phương pháp này là rất khả quan, với độ chính xác cao, chi phí không quá tốn kém, không chỉ cho ngành hàng cà phê mà cho cả một số cây trồng lâu năm khác.

Ước lượng cung cà phê dựa trên ảnh vệ tinh và công nghệ GIS

Phương pháp ASF trên thế giới và những ích lợi của ảnh vệ tinh

Phương pháp ước lượng cung ngành hàng bằng Khung lấy mẫu diện tích (ASF) là phương pháp thống kê được ra đời từ giữa những năm 1940. Nguyên tắc của phương pháp này là lấy toàn bộ diện tích vùng đất của một khu vực chia thành những vùng diện tích nhỏ hơn bằng danh giới địa lý như đường xá, sông suối hoặc các yếu tố vật chất khác. Các vùng đất này có thể nhỏ (có diện tích dưới 1 dặm vuông) hoặc lớn (với diện tích lên tới 10 dặm vuông) phụ thuộc vào yêu cầu thống kê. Số lượng đơn vị được chọn làm mẫu phải thể hiện đầy đủ tính chất của toàn bộ vùng đất với mức độ chính xác cho phép. Sau đó, một số lượng mẫu nhất định sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để đo đạc trên thực địa nhưng phải đảm bảo tính đại diện.

Vào những năm 1970, phát minh chụp ảnh màu từ vệ tinh ra đời. Ảnh vệ tinh được chụp bằng phương pháp kỹ thuật số, dựa trên các chỉ số về ánh sáng phản xạ từ mặt đất. Ảnh vệ tinh có thể chụp được địa hình ở những vùng rộng lớn (cả nước hoặc những khu vực sản xuất) với giá rất thấp và trong thời gian rất ngắn. Các nhà nghiên cứu nông nghiệp đã bắt đầu khai thác tiềm năng của ảnh vệ tinh trong việc phân biệt sự khác nhau giữa các vụ mùa, đo diện tích và đánh giá những điều kiện tăng trưởng của cây trồng. Tuy nhiên, việc phân biệt các loại cây trồng chỉ dựa trên ảnh vệ tinh không khả thi do vùng chụp quá rộng nên không thể nhìn và phân biệt giữa các loại cây trồng khác nhau.

Một ứng dụng đặc biệt quan trọng của ảnh vệ tinh là "khả năng phân tầng" một vùng đất bằng các "khối" có các chỉ tiêu tương tự như nhau, giúp giảm sự khác biệt. Gần đây, ảnh Landsat hoặc Spot có những tính năng đặc biệt giúp phân tầng rất hiệu quả. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phối hợp tính năng này của ảnh vệ tinh với phương pháp điều tra ASF để tận dụng tối đa đặc tính ưu việt của cả hai công cụ này. Hình ảnh vệ tinh không có lỗi chọn mẫu vì ảnh được chụp cho cả một khu vực. Tuy nhiên, từ trên ảnh, các loại cây (trong đó có cà phê) trông rất giống nhau. Vì vậy, tính năng phân tầng của ảnh vệ tinh kết hợp với phương pháp điều tra ASF có thể làm giảm tối thiểu sai số.

Phương pháp này được mô tả theo sơ đồ dưới đây.

Hiện nay, phương pháp AFS kết hợp với ảnh vệ tinh đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới như Châu Âu (Pháp, Phần Lan, Italy, Rumani, Bulgaria), Châu Mỹ (Brazil, Argentina ), Châu Phi (Bờ biển Ngà, Ghana, Mali), châu Á.

Đặc biệt, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp này cho 7 loại cây trồng tại 9 tỉnh, từ năm 1998. Trung Quốc đã sử dụng các dữ liệu đầu vào là bản đồ nông nghiệp 1:100000 và ảnh vệ tinh Landsat. Sau khi phân tích ảnh vệ tinh, phân tầng, Trung Quốc ứng dụng phương pháp ASF đo diện tích bằng máy định vị toàn cầu GPS và máy quay camera trên mỗi mảnh diện tích 4km*4km. Từ diện tích các mảnh điều tra thực địa, các phép toán thống kê được áp dụng để suy ra diện tích các loại cây trồng cho từng tỉnh và huyện. Hình bên mô tả quy trình điều tra cung một số ngành hàng nông sản của Trung Quốc. Phương pháp này có ưu điểm là: (i) Phù hợp với điều kiện và tình trạng canh tác nông nghiệp, đa vụ, manh mún, trồng nhiều loại cây khác nhau; (ii) độ chính xác cao, 97%; (iii) cung cấp số liệu hàng năm về diện tích, sản lượng và cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này cũng gặp một số khó khăn như đòi hỏi rất nhiều loại bản đồ đất, nước, sinh thái, khí tượng để phân tầng. Vì vậy, khi áp dụng trong điều kiện của VN, cần có một số thay đổi cho phù hợp.

Trần Thị Quỳnh Chi


Tin khác