Nông nghiệp và đói nghèo thời "hậu" WTO

12/09/2006

Mặc dù đã thu được những thắng lợi to lớn trong việc giảm đói nghèo, VN vẫn là một quốc gia có thu nhập thấp với GDP trên đầu người đạt khoảng 600USD. Đại bộ phận nhân dân có mức thu nhập chỉ trên ngưỡng nghèo chút ít, nên rất dễ bị tái nghèo nếu có những chấn động kinh tế từ bên ngoài.

Mặc dù đã thu được những thắng lợi to lớn trong việc giảm đói nghèo, VN vẫn là một quốc gia có thu nhập thấp với GDP trên đầu người đạt khoảng 600USD. Đại bộ phận nhân dân có mức thu nhập chỉ trên ngưỡng nghèo chút ít, nên rất dễ bị tái nghèo nếu có những chấn động kinh tế từ bên ngoài. |Nông nghiệp là một khu vực đặc biệt nhạy cảm, sử dụng 69% lực lượng lao động và 45% dân nông thôn sống dưới mức nghèo. Gia nhập WTO, nông nghiệp VN có nhiều hy vọng, song không ít thách thức.

Thách thức trước mắt và lâu dài

Cuộc cạnh tranh đối với những nông dân tham gia xuất khẩu nông sản và những nông dân sản xuất phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong nước sẽ gia tăng trên mọi phương diện, có thể dẫn đến hạ giá sản phẩm. Điều đó có hại cho nông dân và có lợi cho người tiêu dùng. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, việc mở cửa thị trường không hẳn đã đem lại lợi ích cho người nghèo thành thị; lợi nhuận dường như rơi vào túi các công ty nhập khẩu hay chế biến lớn. Hơn nữa, giá lương thực rẻ của ngày hôm nay có thể gây tác động lâu dài đến khả năng tự chủ lương thực của một quốc gia trong tương lai.

Nông dân VN có thế mạnh về một số sản phẩm xuất khẩu và có thể tiếp tục duy trì hoặc mở rộng trong tương lai (như gạo, hạt tiêu, điều). Song, một số sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước sẽ gặp khó khăn, vì VN chưa có khả năng cạnh tranh về những sản phẩm này (như đường, ngô, sản phẩm sữa và thịt).

Hơn nữa, nhiều sản phẩm mà VN đang cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu (như gạo) hay sẽ nhập khẩu ngày càng nhiều (như ngô) được chính phủ các nước giàu trợ cấp ở mức độ cao cũng như được bảo hộ, thông qua hàng rào thuế quan. Bên cạnh đó thách thức đối với việc thực hiện cam kết về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) ngay sau khi VN trở thành thành viên WTO là rất lớn, đặc biệt cho những người sản xuất quy mô nhỏ, vùng sâu, vùng xa.

Định hướng tương lai

Hiện tại, hiệu quả sản xuất và thương mại một số mặt hàng nông nghiệp còn thấp. Song, nếu được hỗ trợ đầu tư ở mức độ nhất định, thì có thể nâng cao hiệu quả để đảm bảo duy trì tính hấp dẫn đối với thu nhập của người nông dân ngay cả khi thị trường bị giảm sút và vẫn có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực.

Trong nhiều trường hợp, chính phủ có thể giúp đỡ nông dân đa dạng hoá sản phẩm hay chuyển sang các loại cây trồng khác, do khả năng cạnh tranh hay tiềm năng về sinh thái nông nghiệp của VN có giới hạn. Các loại cây trồng, vật nuôi ưu tiên cần được lựa chọn trên cơ sở nhu cầu của thị trường, thay vì dựa vào tiềm năng cung cấp.

Đối với những nông dân nghèo, đặc biệt là ở các hệ sinh thái bất ổn định ở vùng cao thì nên áp dụng chủ trương đa dạng hoá cây trồng và thiết lập các hệ thống sản xuất hỗn hợp

Chính phủ có thể hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng về tiếp thị và thương mại, kể cả các chợ bán buôn - nơi mà giá cả được quy định theo từng ngày. Chính phủ cần tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, đặc biệt về cây trồng (như tạo ra các giống cây trồng năng suất cao, phù hợp); nghiên cứu về các hệ thống sản xuất tổng hợp; và các giống gia súc. Ngoài ra, cũng cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ thú y và vệ sinh chuồng trại (để phòng ngừa bệnh cúm gia cầm), và cơ chế quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

(Nguồn tin: lao động)


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC