Nông nghiệp, nông thôn là những khu vực kinh tế-xã hội rộng lớn, đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Phát triển nông nghiệp, nông thôn có tính chất đa ngành, đòi hỏi cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của nhiều thành phần và lực lượng trong xã hội, trong đó đặc biệt là vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học.| Là cơ quan nhà nước có trách nhiệm trực tiếp quản lý lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) luôn mong muốn phát huy và nhận được sự ủng hộ của các cá nhân và đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững. Trên tinh thần đó, một hội nghị về “Tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn của các trường đại học” đã được Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) tổ chức ngày 13/9/2006.
Hội nghị này được Ban lãnh đạo Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung trực tiếp chủ trì. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện các trường đại học nông, lâm nghiệp (cả hai khối thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ GD&ĐT quản lý), đại diện các Viện nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT và đại diện các đơn vị chức năng của hai bộ ngành.
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã rất thẳng thắn và cởi mở khi đưa ra nhận xét: Dường như từ trước đến nay đang tồn tại một “rào cản” nào đó giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu với các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT. Câu hỏi đặt ra là làm sao để ứng dụng một cách hiệu quả các nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý; làm sao để các quyết định chính sách, đầu tư, v.v.. trong nông nghiệp, nông thôn được ban hành và thực hiện một cách khoa học, v.v…
Đề cập cụ thể hơn về vai trò của khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Nếu như giai đoạn đầu của Đổi Mới chủ yếu là “cởi trói” về mặt cơ chế, chính sách thì trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tới, phải ưu tiên hàng đầu cho phát triển khoa học, công nghệ thì phát triển nông nghiệp, nông thôn mới trở nên hiệu quả, bền vững. Để có được sự tham gia rộng rãi của các cá nhân và đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ trong và ngoài Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Một trong những cơ chế, chính sách mới mà Bộ NN&PTNT sẽ áp dụng kể từ nay đó là đấu thầu rộng rãi các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu của Bộ NN&PTNT. Thay vì để cho các nhà quản lý “nghĩ” ra các đề tài rồi phân cấp hành chính hoặc đặt hàng nghiên cứu như trước đây vẫn thường làm, thì nay Bộ NN&PTNT khuyến khích các cá nhân và đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ trực tiếp đề xuất các đề tài nghiên cứu với Bộ NN&PTNT (tất nhiên là theo những định hướng ưu tiên và tiêu chí nhất định của ngành). Bộ NN&PTNT sẽ đóng vai trò “đỡ đầu” cho các ý tưởng nghiên cứu vốn đã được các nhà nghiên cứu nung nấu từ rất lâu. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu làm được như vậy sẽ mở ra một hướng đi mới hiệu quả hơn cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.
Hội nghị cũng đã nghe các đơn vị chức năng trong Bộ NN&PTNT trình bày và gửi tài liệu chi tiết về những nội dung, định hướng hoạt động của ngành trong giai đoạn vừa qua và trong thời gian sắp tới để qua đó các đơn vị khoa học, công nghệ có thể chủ động nắm bắt các chủ đề, vấn đề nghiên cứu. Cụ thể:
- Báo cáo “Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2010” do ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch trình bày;
- Báo cáo “Kết quả hoạt động khoa học công nghệ 2001-2005 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2006-2010” do ông Triệu Văn Hùng, Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ trình bày;
- Báo cáo “Chương trình Giống cây trồng nông – lâm nghiệp, giống vật nuôi” của Cục Trồng trọt;
- Báo cáo “Chương trình Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ” của Vụ Hợp tác quốc tế;
- Báo cáo về dự thảo “Quy chế phối hợp giữa Viện với trường Đại học” của Vụ Tổ chức cán bộ.
Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Trần Văn Nhung đưa ra lời nhận xét tích cực và sự cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ từ phía bộ chủ quản đối với chủ trương kết hợp công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Bộ NN&PTNT. Đồng thời, ông Trần Văn Nhung cũng đề nghị hình thức hội nghị liên ngành này nên được tổ chức định kì với sự tham gia rộng rãi của nhiều đối tượng hơn nữa, chẳng hạn các doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại diện các trường đại học đều nhất trí với chủ trương của Bộ NN&PTNT về việc cần phải xây dựng một cơ chế cụ thể, chặt chẽ hơn nữa cho sự phối hợp giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu (thuộc cả hai khối do Bộ NN&PTNT và Bộ GD&ĐT quản lý), giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu với các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT. Đại diện các Đại học Nông nghiệp I, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Đại học An Giang (GS. Võ Tòng Xuân) đã nêu ra những ý kiến, đề nghị thẳng thắn, xuất phát từ đặc điểm riêng của mỗi đơn vị, của các vùng kinh tế-xã hội.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đề nghị các đơn vị chức năng của hai Bộ NN&PTNT và Bộ GD&ĐT cần sớm hoàn thiện quy chế phối hợp liên ngành, tạo hành lang thể chế cho sự cộng tác hiệu quả, bền vững. Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ nên sớm đưa ra những đề xuất cụ thể về đề tài nghiên cứu, về đào nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để Bộ NN&PTNT, sẽ cùng phối hợp với Bộ GD&ĐT cả về hành chính, tài chính, tổ chức, v.v… có thể xem xét, hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, trước mắt có ba chương trình mà Bộ NN&PTNT kêu gọi sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ đó là:
- Chương trình công nghệ sinh học, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt;
- Chương trình khuyến nông;
- Chương trình giống cây trồng, vật nuôi.
Mọi ý kiến, câu hỏi, đề xuất liên quan đến các vấn đề khoa học và công nghệ có thể trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các đơn vị chức năng của Bộ hoặc qua websites của các đơn vị trong ngành như: www.mard.gov.vn, www.ipsard.gov.vn, v,v...
Ngô Vi Dũng