Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên để trở thành nhà xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới thay thế Ấn Độ. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, ngành điều gặp nhiều khó khăn và rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với những bất lợi do sự mất ổn định về giá cả.
Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên để trở thành nhà xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới thay thế Ấn Độ. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, ngành điều gặp nhiều khó khăn và rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với những bất lợi do sự mất ổn định về giá cả.| Năm 2005, đầu vụ, hạt điều tăng giá, nhiều nông dân và doanh nghiệp tích trữ để xuất khẩu nhưng sau đó bất ngờ hạt điều giảm giá mạnh khiến nhiều tư nhân và doanh nghiệp thua lỗ. Ngay trong những tháng đầu năm 2006, sản lượng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vẫn tăng mạnh nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ do giá xuất khẩu biến động giảm.
Tình hình sản xuất, xuất khẩu điều trong thời gian qua:Theo thống kê của Hiệp hội điều Việt Nam, cả nước hiện nay có 350.000 ha điều. Sản lượng và xuất khẩu hạt điều Việt Nam đang tăng dần, cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ, nước đứng đầu thế giới trong mặt hàng này. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trong tốp 5 nước có sản lượng điều lớn nhất thế giới, cùng với Ấn Độ, Nigiêria, Braxin và Tanzania.
Trong những năm gần đây, tốc độ xuất khẩu điều của Việt Nam liên tục tăng. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 430 triệu USD. Năm 2005, do giá điều thế giới tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3%, đạt 485 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điều lớn trên thế giới. Thị trường xuất khẩu điều của Việt Nam ngày càng được mở rộng sang các nước như Mỹ, Ôxtralia, Nhật Bản, Canada, Anh, Italia, Hồng Kông và Singapo.
Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải Quan, 5 tháng đầu năm 2006 Việt Nam đã xuất khẩu được 43.809 tấn hạt điều, đạt kim ngạch 175.260.492 USD ( tăng 8.197 tấn và tăng 2.412.654 USD so với cùng kỳ năm 2005). Về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ đạt 16.172 tấn, trị giá 64.512.912USD, chiếm gần 36,81% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước trong 5 tháng đầu năm 2006. Đến hết tháng 6 năm 2006, cả nước xuất khẩu khoảng 54.000 tấn, kim ngạch đạt 217 triệu USD, tăng 22% về khối lượng xuất khẩu nhưng giảm 2,3% về kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhân điều trên thị trường thế giới giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm khoảng 1.000 USD/tấn). Tuy nhiên, Hiệp hội điều Việt Nam dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm 2006 sẽ khó vượt mức 300 triệu USD.
Biểu 1: Tổng kim ngạch xuất khẩu điều Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Hải Quan
Biến động giá xuất khẩu điều:
Ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với những bất lợi do sự mất ổn định về giá cả. Giá điều trên thị trường thế giới và trong nước liên tục giảm trong năm 2003. Nguyên nhân chính là do các nước xuất khẩu điều chính trên thế giới đều được mùa, lượng cung đã vượt cầu. Giá xuất bình quân ở mức 3.300-3.400USD/tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 5-10%. Năm 2004, giá điều xuất khẩu vẫn ở mức thấp, có tăng nhưng không đáng kể, duy trì ở mức 3.800USD/tấn.
Trong năm 2005, ngành điều có sự biến động lớn về mặt giá cả. Các quý đầu năm, ngành điều được cả mùa và được cả giá. Giá nhân điều xuất khẩu lên tới 5.200-5.300USD/tấn. Khi điều được giá các doanh nghiệp thu mua, đầu cơ tích trữ. Tuy nhiên, ngay sau đó, sản lượng điều của Việt Nam vẫn tăng mạnh nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ do giá xuất khẩu biến động giảm. Diễn biến này, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu và cơ sở thu mua hạt điều vốn có thói quen thu mua tích trữ và đầu cơ hạt điều chờ tăng giá để thu lợi bị thua lỗ nặng.
Trong 6 tháng đầu năm 2006, giá điều xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm mạnh. Nguyên nhân do giá thế giới giảm mạnh. Hiện nay, giá điều xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2006 trung bình ở mức 3.874USD/tấn. Cụ thể, tháng 1 năm 2006, giá điều xuất khẩu ở mức 4.128USD/tấn. Giá xuất khẩu tháng 2 đạt 4.160USD/tấn. Trong tháng 3, giá điều thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá thu mua điều trong nước sụt mạnh. Cộng thêm với thời tiết không thuận lợi cùng làm sản lượng điều sụt giảm mạnh. Đơn giá xuất bình quân trong tháng 3 đạt 3.874USD/tấn, giảm 4,3% so với tháng 2, giảm 6,16% so với tháng 1 và giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là sau một thời gian giảm khá mạnh, giá điều xuất khẩu của ta cũng đã nhích tăng trở lại trong tháng 4. Giá xuất trung bình tháng 4 đạt 3.960USD/tấn, tăng 1,42% so với tháng 3. Nhưng sang tháng 5, giá điều xuất khẩu lại có sự sụt giảm đôi chút. Giá xuất khẩu trung bình tháng 5 chỉ đạt mức 3.889USD/tấn. Nguyên nhân vẫn do sức mua trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh, trong khi ngành điều Việt Nam phát triển quá nhanh dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều và kém, nên khách hàng chuyển sang nhập khẩu điều của Ấn Độ nhiều hơn. Tuy nhiên, tháng 6 năm 2006 giá xuất khẩu điều có nhích lên đôi chút, ở mức 4.000USD/tấn.
Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, giá xuất khẩu điều trên thị trường luôn có sự biến động, tuy không nhiều nhưng cũng tạo ra sự bất ổn định trong giá cả, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu điều. Như vậy, giá điều 6 tháng đầu năm 2006 vẫn tiếp tục sụt giảm so với năm 2005.
Biểu 2: Biến động giá xuất khẩu điều 6 tháng đầu năm 2006
Nguồn: Báo cáo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
Khó khăn và hạn chế trong ngành hạt điều:
Hiện nay, ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn. Trước hết là về mặt công nghệ. Ngành điều đang rơi vào tình trạng đói công nghệ, chưa hề đổi mới một cách tích cực công nghệ chế biến sản phẩm trong vòng 15 năm nay. Các quy trình sản xuất hiện nay chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, do đó năng suất thấp, tỷ lệ hạt vỡ cao, chất lượng sản phẩm kém, khó cạnh tranh. Ví dụ, tỷ lệ hạt điều trắng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 40% trong khi các nước như Ấn Độ hay Brazil tỷ lệ này là 70%. Chất lượng sản phẩm điều của Việt Nam chưa đồng đều, nhiều khi còn kém nên khách hàng quay sang nhập hàng của Ấn Độ nhiều hơn thay vì nhập trực tiếp từ Việt Nam. Các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu chưa quan tâm đến vấn đề chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn Việt Nam đối với hạt điều mới chỉ áp dụng cho nguyên liệu đầu vào chứ chưa phù hợp với thành phẩm đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế. Trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam cho chế biến hạt điều một cách nghiêm túc, chứ chưa nói đến tiêu chuẩn thế giới.
Một số khâu cơ bản như bóc tách hạt, lột vỏ lụa, phân loại hạt…là các khâu có thể cơ giới hoá, nhưng các doanh nghiệp đều không thực hiện được, vẫn phải dùng đến lao động thủ công. Trên thực tế, cũng có doanh nghiệp sử dụng công nghệ chế tạo nhưng do thiếu vốn, chuyển giao kém nên tác dụng còn rất hạn chế. Với việc quá phụ thuộc vào lao động chân tay, nên ngành chế biến điều đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng, có những đơn vị thiếu đến 50% lao động. Lao động ngành chế biến điều mỗi năm một thiếu hụt, năm nay lại giảm 20-30% so với năm trước do lương thấp hơn so với các ngành các lao động khác.
Ngoài khó khăn cơ bản về công nghệ và nhân công thì việc giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá điều giảm dẫn đến giá xuất khẩu thấp hơn so với giá sản xuất cũng đang là vấn đề khó khăn chính đối với ngành điều. Tại Việt Nam chi phí chế biến điều đã tăng tới 0,63USD/kg. Giá điều chế biến trên thị trường nội địa liên tục tăng trong khi giá xuất khẩu lại giảm. Ví dụ, tại Bình Phước, giá điều chế biến lên tới 3,70USD/kg, trong khi giá xuất khẩu chỉ khoảng 3,80USD/kg, giảm 0.68USD so với mức giá thấp nhất của năm ngoái. Như vậy, các nhà sản xuất trong nước đang lỗ khoảng 0,30USD/kg.
Hơn nữa, do khó khăn trong đầu ra, nên các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam không nhận được các yếu tố hỗ trợ khác. Sự thua lỗ của ngành điều vào năm trước đã khiến ngành ngân hàng siết chặt vốn vay, càng gây nên khó khăn cho sảm xuất và tiêu thụ sản phẩm. thêm vào đó, việc tiêu thụ, sản xuất điều còn thiếu tính tập trung, làm theo kiểu hộ gia đình nhỏ lẻ. Việc điều hành phát triển và thu mua nguyên liệu còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp còn hiện tượng tranh mua tranh bán, sản phẩm phần lớn xuất khẩu dưới dạng bán thành phẩm. Hạn chế trong xúc tiến thương mại, nên thị trường không được mở rộng. Giá mua bán trên thị trường thì dao động, không dự báo được.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội điều Việt nam (Vinacas), dự kiến sản lượng điều thô quốc gia năm 2006 chỉ đạt 350.000 tấn, vì vậy lượng điều thô nhập khẩu dự kiến sẽ là 100.000 tấn. Để đảm bảo cung ứng hàng theo các hợp đồng xuất khẩu đã ký, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt đầu nhập khẩu hạt điều thô. Hiệp hội đã chọn các loại hạt chất lượng cao, giá khoảng 650USD/tấn để nhập khẩu. Tuy diện tích trồng điều được mở rộng với 350.000 ha nhưng trong đó chỉ có 30% diện tích cho năng suất và chất lượng cao, cộng thêm với giá nguyên nhiên liệu tăng mạnh, chi phí chế biến 1kg điều nhân tại Việt Nam hiện lên tới 15.000-16.000đồng/kg, hiệp hội cây điều Việt Nam (Vinacas) có kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu để bù đắp phần sản lượng nội địa giảm. Nhưng sau khi nghiên cứu thấy giá điều xuất khẩu xuống thấp trong khi giá nguyên liệu nhập lên tới 11.000-11.500 đồng/kg, cao hơn giá xuất khẩu 15-20%, nên Vinacas tạm hoãn kế hoạch này.
Nguyên nhân làm cho giá xuất khẩu trên thế giới giảm nhưng điều thô trong nước liên tục tăng đó là việc một số công ty mua phá giá, thu gom lẻ tẻ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng điều thô, đẩy giá điều thô trong nước tăng cao hơn so với giá xuất khẩu. Các doanh nghiệp khó tránh khỏi tình trạng thua lỗ.
Để giải quyết tình trạng khó khăn trên, trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO, để cạnh tranh được, ngành điều Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết bị để giảm lượng lao động thủ công. Các doanh nghiệp nên chú trọng và kiểm soát tốt hơn nữa về cung cầu; tổ chức hệ thống thu mua, chế biến điều có hiệu quả hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đến tiêu chuẩn và hệ thống chất lượng trong sản xuất và chế biến điều. Xây dựng thương hiệu và quảng bá tiếp thị cũng là một trong các nhân tố ngành điều nên chú ý nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn trong tương lai.
Dự báo về ngành hàng điều trong thời gian tới:
Đối với thị trường trong nước, theo Vinacas, dự kiến diện tích trồng điều sẽ lên tới 500 ngàn hecta vào năm 2010 với sản lượng 500.000 tấn. Thực tế, hiện các nước cũng không còn đất để trồng điều, như Ấn Độ một nước xuất khẩu điều lớn trên thế giới, hàng năm vẫn phải nhập khẩu điều thô từ Châu Phi. Việt nam vẫn còn nhiều đất nên việc mở rộng trồng điều là hợp lý, sẽ mang lại kết quả tốt trong tương lai. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu là 700 triệu USD hạt điều vào năm 2007 và 1 tỷ USD vào năm 2010.
Về giá, dự báo trong ngắn và trung hạn, giá hạt điều sẽ tiếp tục có xu hướng giảm do cạnh tranh tăng, song tốc độ sẽ chậm lại. Tuy nhiên, trong dài hạn khi giá giảm sẽ làm giảm sản lượng, trong khi nhu cầu vẫn cao. Vì thế sang năm 2007, nhiều khả năng giá sẽ phục hồi theo nhu cầu.
Phụ lục:
Số liệu thống kê xuất khẩu hạt điều sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2006
STT |
Nước |
ĐVT |
Tháng 5 |
5 tháng |
Lượng |
Trị giá (USD) |
Lượng |
Trị giá (USD) |
1 |
Anh |
tấn |
461 |
2.063.439 |
2.097 |
9.405.145 |
2 |
Ả Rập Xê út |
“ |
30 |
96.750 |
181 |
637.432 |
3 |
Bỉ |
“ |
16 |
70.700 |
143 |
655.200 |
|
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất |
“ |
15 |
91.500 |
88 |
458.837 |
4 |
Canada |
“ |
204 |
859.251 |
1.065 |
4.283.311 |
5 |
Đài Loan |
“ |
93 |
418.902 |
276 |
1.240.640 |
6 |
CHLBĐức |
“ |
127 |
583.875 |
462 |
2.107.568 |
7 |
Hà Lan |
“ |
1.316 |
5.915.164 |
5.136 |
23.276.978 |
8 |
Hồng Kông |
“ |
8 |
46.332 |
125 |
609.751 |
9 |
Hy Lạp |
“ |
29 |
131.723 |
61 |
294.873 |
10 |
Italia |
“ |
204 |
624.866 |
845 |
2.554.565 |
11 |
Latvia |
“ |
32 |
133.000 |
64 |
268.800 |
12 |
Litva |
“ |
16 |
63.980 |
95 |
355.786 |
13 |
Malaysia |
“ |
9 |
47.000 |
91 |
450.600 |
14 |
Mỹ |
“ |
3.479 |
13.953.728 |
16.172 |
64.512.912 |
15 |
Nauy |
“ |
32 |
135.450 |
175 |
817.950 |
16 |
CH Nam Phi |
“ |
63 |
234.425 |
142 |
503.535 |
17 |
Newzealand |
“ |
114 |
465.451 |
278 |
1.182.832 |
18 |
LB Nga |
“ |
206 |
957.200 |
947 |
4.112.262 |
19 |
Nhật Bản |
“ |
64 |
231.825 |
258 |
978.705 |
20 |
Australia |
“ |
1.116 |
4.823.013 |
4.077 |
17.999.357 |
21 |
Pháp |
“ |
|
|
184 |
797.505 |
22 |
Philippines |
“ |
12 |
26.676 |
79 |
243.841 |
23 |
Singapore |
“ |
48 |
244.300 |
160 |
685.971 |
24 |
Tây Ban Nha |
“ |
65 |
327.850 |
179 |
875.264 |
25 |
Thái Lan |
“ |
62 |
279.400 |
320 |
1.341.927 |
26 |
Trung quốc |
“ |
2.241 |
7.323.925 |
8.991 |
30.009.844 |
27 |
Ucraina |
“ |
33 |
90.000 |
81 |
237.000 |
Tổng cộng |
“ |
|
|
43.809 |
175.260.492 |
Nguồn :Vinanet
Tài liệu tham khảo:
- Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, 2006, Báo cáo quý mặt hàng hạt điều, năm 2003-2005.
- Báo cáo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Các bản tin thị trường.
- Các website: Vinanet, Agroviet, vneconomy, vnexpress, ...
- Các nguồn báo, tạp chí Trung ương và các địa phương.
- Hiệp hội điều Việt Nam.
Nguyễn Trang Nhung