Ngày 13/10 vừa qua, hội thảo khoa học "Giải pháp thực hiện Xã hội hoá Đầu tư Kết cấu Hạ tầng" đã được tổ chức tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 2 Hoàng Văn Thụ, Hà nội. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực hiện XHH đầu tư Kết cấu Hạ tầng (KCHT) trong một số ngành kinh tế và địa phương.
Ngày 13/10 vừa qua, hội thảo khoa học "Giải pháp thực hiện Xã hội hoá Đầu tư Kết cấu Hạ tầng" đã được tổ chức tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 2 Hoàng Văn Thụ, Hà nội. Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thực hiện XHH đầu tư Kết cấu Hạ tầng (KCHT) trong một số ngành kinh tế và địa phương.| Tham dự hội thảo có các đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Y Tế, Bộ Văn hoá, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nôi, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam,...Ông Lê Văn Cương, chuyên viên vụ Tài chính-Tiền tệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đã mở đầu hội thảo bằng Báo cáo “Giải pháp thực hiện Xã hội hoá Đầu tư KCHT”. Theo đó, phát triển KCHT là một trong những nội dung cần thiết để thực hiện CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn vốn ngân sách Nhà rất hạn chế và nhu cầu đầu tư xã hội hàng năm ngày càng lớn, Xã hội hoá đầu tư là một giải pháp quan trọng trong phát triển KCHT. Một số các giải pháp cho vấn đề này đã được Nhà nước đề ra. Các bài tham luận tại hội thảo từ phía các bộ và địa phương đã đưa ra những đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện các giải pháp xã hội hoá đầu tư.
Theo ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT, công tác xã hội hoá đầu tư trong ngành GTVT khó khăn hơn so với một số ngành khác như điện, nước, viễn thông. Trong những năm tới, xã hội hoá đầu tư trong ngành này tập trung vào ba mục tiêu chính là đường bộ, đường biển và công nghiệp tàu thuỷ. Kênh huy động vốn chủ yếu sẽ thông qua phát hành trái phiếu công trình.
Ông Nguyễn Hữu Thành, chuyên viên cao cấp Bộ NN & PTNT trình bày những khó khăn đặc thù trong ngành nông nghiệp khiến việc huy động vốn vào các ngành như chế biến thực phẩm và vùng nguyên liệu rất hạn chế. “Đầu tư vào ngành này mang lại lợi nhuận thấp mà rủi ro lại cao”. Do đầu tư không hiệu quả, thiếu vùng nguyên liệu, yếu kém về công nghệ và năng lực quản lý nên nhiều nhà máy chế biến thực phẩm đã phải di dời hoặc đóng của, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Theo ông, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi cho chăn nuôi và chế biến gia cầm, đồng thời phải có một cơ chế tốt giúp việc huy động vốn tư nhân được thuận lợi hơn. Nhà nước nên thảm khảo ý kiến của các ngành, các nước có điều kiện tương tự như nước ta. Việc áp dụng nên tiến hành trong từng ngành theo một lộ trình cụ thể.
Qua hội thảo, nhìn chung, nhận thức về khái niệm “Xã hội hoá Đầu tư KCHT” còn chưa được thống nhất. Điều này là do chưa có chủ trương chính thức của Nhà nước về vấn đề trên qua các văn bản pháp quy. Xã hội hoá Đầu tư đã được thực hiện ở các ngành, bộ, địa phương song bên cạnh những mặt tích cực, các kết quả đạt được còn nhiều hạn chế.
Các đại biểu đều nhất trí rằng cần phải thể chế hoá bằng chính sách và văn bản pháp lý về “Xã hội hoá Đầu tư KCHT”, qua đó công khai mục tiêu của Nhà nước trong từng ngành cụ thể cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia. Rất nhiều đề xuất mong muốn thành lập tổ công tác thực địa, diễn đàn trao đổi trong và ngoài nước, tổ chức các chương trình học hỏi kinh nghiệm của các ngành, địa phương hoặc các nước đã thành công trong điều kiện, hoàn cảnh tương tự như nước ta.