Ngày 24-10 và 7-11 năm 2005, tại Vụ Bảo Hiểm - Bộ Tài Chính đã diễn hai hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ dự án “Phát Triển Bảo Hiểm Nông Nghiệp” do ADB tài trợ. |
Hội thảo thứ nhất mang tên “ Kinh Nghiệm Thế Giới Về Bảo Hiểm Nông Nghiệp: Nền Tảng Cho Phát Triển Bảo Hiểm Nông Nghiệp ở Việt Nam”. Tại hội thảo này Tư vấn trưởng, chuyên gia về bảo hiểm nông nghiệp, Ông Jerry Skees đã trình bày tổng quan về tình hình bảo hiểm và các hình thức bảo hiểm trên thế giới hiện nay, trong đó hình thức bảo hiểm cây trồng truyền thống ngày càng chứng tỏ là khó thực hiện trong khi hình thức bảo hiểm theo chỉ số (ra đời vào cuối những năm 1990) ngày càng được áp dụng rộng rãi do nó giảm được đáng kể chi phí quản lý, những lựa chọn đối nghịch, những rủi ro về đạo đức, đồng thời lại dễ hiểu, nhanh chóng và hiệu quả trong bồi thường v.v.
Đặc biệt Ông đã trình bày khá chi tiết về các hạn chế đối với sự phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở các nước đang phát triển, bao gồm: (i) hạn chế về tài chính (phần lớn chi phí bảo hiểm được tài trợ từ các nguồn tài chính công - ở các nước phát triển như Canađa, Mỹ, Tây Ban Nha phần tài trợ chiếm hơn 40% tổng chi phí bảo hiểm, trong khi ở các nước đang phát triển với phần lớn dân số làm trong lĩnh vực nông nghiệp thì ghánh nặng tài chính này đối với ngân sách sẽ càng lớn trong khi họ còn có bao nhiêu nhu cầu đầu tư khác cần đến nguồn ngân sách quý giá này); (ii) hạn chế về cơ cấu (sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển hầu hết là manh mún vì thế các chi phí liên quan đến quản lý và giao dịch sẽ làm gia tăng chi phí bảo hiểm); (iii) hạn chế về thị trường (tiếp cận hạn chế đối với các thị trường tái bảo hiểm); và (iv) hạn chế về thể chế (các quy định về mặt thể chế thường rất phức tạp, chậm thay đổi để thích nghi với các bối cảnh khác nhau của mỗi nước, trong khi phải mất ít nhất 25 năm để có thể xây dựng được một thị trường bảo hiểm như ở Mỹ hiện nay, đồng thời nó cũng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều tổ chức khác nhau).
Ông cũng trình bày về các chương trình bảo hiểm đã và đang thực hiện ở một số nước như Ấn Độ, Ethiopia, Mongolia, Mexico, Ukraina…từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam đồng thời nêu ra một vấn đề lớn là liệu có thể phát triển các sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số tại Việt Nam hay không.
Vì đây là một lĩnh vực khá mới nên sau khi Ông Jerry Skees kết thúc phần trình bày của mình thì các đại biểu tham gia đã thảo luận rất sôi nổi về các vấn đề như: nông dân Viêt Nam sẽ phản ứng như thế nào đối với loại hình bảo hiểm mới này; liệu họ có tham gia mua bảo hiểm không; phải có những hình thức truyền thông như thế nào; cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân mà vẫn đảm bảo được hoạt động kinh doanh của tổ chức bảo hiểm; cần có sự tham gia của các cơ quan ban ngành nào để có thể phát triển loại hình bảo hiểm đặc biệt này ở Việt Nam v.v.
Hai tuần sau thành công của hội thảo thứ nhất , hội thảo thứ hai mang tên “Một Số Kết Luận Bước Đầu và Định Hướng Phát Triển Bảo Hiểm Nông Nghiệp Viêt Nam Trong Tương Lai” đã được tổ chức. Hội thảo này nhằm trình bày các kết quả nghiên cứu bước đầu và định hướng tương lai của dự án, các cơ sở phương pháp luận nhằm tăng cường các cuộc trao đổi về rủi ro thiên tai ở Việt Nam đồng thời thu nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, thì các điều kiện tiên quyết được đưa ra cho bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam bao gồm: nâng cao chất lượng cũng như độ tin cậy của các nguồn số liệu; giải quyết các vấn đề liên quan đến chi phí quản lý, vấn đề thể chế, rủi ro đạo đức, lựa chọn đối nghịch của nông dân, xác định rủi ro, đồng thời lại không thể bảo hiểm cho các hiện tượng xảy ra thường xuyên, cũng như không được quá tốn kém cho chính phủ.
Các chuyên gia cũng đưa ra những gợi ý bước đầu liên quan đến việc phát triển mô hình bảo hiểm theo chỉ số thời tiết ở Việt Nam và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ngân hàng và sự hợp tác của các cơ quan khí tượng thuỷ văn trong sự phát triển của hình thức bảo hiểm này.
Tại hội thảo này các đại biểu tham gia đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cũng như thông tin liên quan đến khu vực nông nghiệp, đặc biệt là tình hình tín dụng nông nghiệp tại các địa phương, tình hình thu nhập của các hộ nông dân, những khó khăn thực sự mà người dân gặp phải sau thiên tai và nhu cầu trên hết của họ, mức độ nỗ lực của người dân để giảm thiểu thiệt hại, công tác dự báo và thông tin cũng như công tác chuẩn bị ứng phó từ trung ương đến địa phương v.v. Những thông tin này là rất hữu ích cho công tác lựa chọn một mô hình thử nghiệm hiệu quả cũng như đề xuất các lựa chọn chính sách thích hợp của Dự án.
Đặng Hiếu