Ngày 09 tháng 11 năm 2005, tại khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo về kinh nghiệm phát triển của Thuỵ Điển.|
Tại buổi hội thảo, các giáo sư đầu ngành của Trường Kinh tế Stockholm trình bày về bước đột phá của Thuỵ Điển từ một nước nghèo nhất Tây Âu với một nền kinh tế nông nghiệp phát triển yếu trở thành một một trong những nước công nghiệp và phúc lợi xã hội phát triển cao nhất của thế giới. Dựa vào sự tăng năng suất trong ngành nông nghiệp và những tiến bộ về giáo dục, phát triển vốn con người cùng với thể chế đã tạo ra sự thành công trong công cuộc công nghiệp hóa Thuỵ Điển. Mặc dù là nước có nền công nghiệp phát triển, năng lực cạnh tranh được duy trì ở mức cao nhưng Thuỵ Điển vẫn xây dựng được mạng lưới an sinh và phúc lợi xã hội cao. Theo Giáo sư Joakim Palma – Viện nghiên cứu xã hội Thuỵ Điển, giáo dục có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là giáo dục đại học và cao đẳng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời phổ cập giáo dục nói chung đặc biệt là cấp tiểu học cũng cần phải quan tâm đến.
Để giải thích về mối liên hệ giữa thành công trong kinh tế và nền chính trị của Thuỵ Điển, Giáo sư Ari Kokko – Giám đốc nghiên cứu trường Nghiên cứu Châu Á cho rằng vai trò của những quy định Nhà nước, chính sách của Nhà nước, chế độ đại nghị và phúc lợi xã hội tất cả có mối liên quan tương tác lẫn nhau trong việc xây dựng môi trường phát triển ổn định, lâu dài. Bên cạnh việc các Đảng viên có thể nói lên tiếng nói của mình trong các cuộc họp thì hiện nay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân cũng có thể nói lên những tiếng nói riêng tạo ra sự thúc đẩy cá nhân và doanh nghiệp phát triển. Hơn thế nữa, phúc lợi xã hội đã tạo ra sự phát triển và ổn định cho chính hệ thống.
Kim Phượng