Định hướng xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc gia

05/10/2005

Sáng ngày 30-09-2005 tại Melia Hà Nội đã diễn ra hội thảo về dự thảo định hướng xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc gia do Cục Xúc Tiến Thương Mại - Bộ Thương Mại và Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế - UNCTAD/WTO tổ chức.

Sáng ngày 30-09-2005 tại Melia Hà Nội đã diễn ra hội thảo về dự thảo định hướng xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc gia do Cục Xúc Tiến Thương Mại - Bộ Thương Mại và Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế - UNCTAD/WTO tổ chức. |Hội thảo được tổ chức nhằm tham khảo ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan để đạt được sự trao đổi và thống nhất cần thiết trước khi chính thức bước vào giai đoạn xây dựng chiến lược. Tại hội thảo, đại diện nhóm soạn thảo tài liệu đã trình bày đi sâu vào hai nội dung chính: (i) đánh giá chung về tình hình xuất khẩu và những yếu tố hạn chế đến năng lực xuất khẩu của Việt Nam và (ii) định hướng xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc gia.

 

Có rất nhiều ý kiến đóng góp đến từ các ban ngành khác nhau như Viện Nghiên Cứu Thương Mại- Bộ Thương Mại, Vụ XNK - Bộ Thương Mại, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương Mại, các hiệp hội và các cơ quan khác. Nhìn chung các ý kiến này đều xoay quanh một số vấn đề như: ngành nào đáng được lựa chọn để ưu tiên trong chiến lược xuất khẩu; các vấn đề liên ngành trong chiến lược xuất khẩu quốc gia sẽ được giải quyết như thế nào; các biện pháp hỗ trợ đựơc thực hiện như thế nào để không vi phạm các nguyên tắc của WTO; các vấn đề về chu kỳ sản phẩm và công nghệ, giới hạn khả năng sản xuất, sự cân bằng sinh thái, độ nhạy của sản phẩm đối với các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, biến động giá cả thế giới sẽ được tính toán như thế nào trong việc hoạch định chiến lược xuất khẩu; và độ dài của chiến lược thế nào là hợp lý? Nhiều ý kiến cho rằng cần phải bổ sung các chỉ số trong việc xây dựng chỉ số ngành được ưu tiên sao cho đạt được tính thống nhất và tính chính xác cao; các chỉ tiêu được sử dụng trong tài liệu định hướng mới chỉ xuất phát chủ yếu từ phía cung chứ chưa bao hàm được nhiều yếu tố từ phía cầu; xây dựng ngành ưu tiên phần lớn là trên cơ sở các kết quả đã có chứ chưa có những phân tích mang tính dự báo, tiềm năng; chưa thấy nhiều điểm mới trong bản định hướng, phần lớn các nghành được lựa chọn vẫn là những ngành đã và đang được ưu tiên.

 

Hội thảo đã khép lại với rất nhiều vấn đề mới được mở ra với các nhà hoạch định chiến lược. Sự tiếp cận đa chiều của các đối tượng khác nhau chắc chắn sẽ mang lại cái nhìn toàn diện hơn và điều này sẽ tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu chính sách hoàn thiện hơn bản định hướng xây dựng chiến lược xuất khẩu nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất đối với các định hướng, đồng thời hoàn thành một khâu cực kỳ quan trọng trong quy trình xây dựng và hoàn thiện chiến lược xuất khẩu quốc gia.


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC