Năm 2003, diện tích lúa lai của Việt nam đạt 600.000 ha, với năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 3.7 triệu tấn thóc. Lúa lai đã trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa, không những với các tỉnh miền Bắc mà còn phát triển rất tốt tại các tỉnh Miền Trung, như Thanh Hóa, Nghệ An và Tây Nguyên. Diện tích sản xuất hạt lai F1 đạt 1.700 ha.|
Nhiều tỉnh có diện tích sản xuất hạt lai lớn, đứng đầu là Thanh Hóa với 357 ha, đứng thứ hai là Quảng Nam với 200 ha, tiếp đến là Hà Nam, Yên Bái, Nam Định, Hải Phòng với diện tích sản xuất nằm trong khoảng từ 120-180 ha.Kết quả sản xuất cho thấy, các vùng đột phá về năng suất hạt giống lúa lai tập trung ở miền núi và Bắc Trung Bộ; các vùng có điều kiện thích nghi tốt chủ yếu là ở đồng bằng Sông Hồng. Việc mở rộng sản xuất hạt giống lúa lai trên quy mô lớn ở hai tỉnh Quảng Nam , Đắk lắk và kết quả thành công tại Cần Thơ, Long An đã mở ra triển vọng to lớn về sản xuất hạt giống tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc sản xuất hạt giống lai F1.
Những cố gắng về đầu tư nghiên cứu khoa học, tạo ra các tổ hợp mới, nghiên cứu nhân dòng bố mẹ và triển khai chương trình khuyến nông sản xuất hạt lai F1 đã góp phần mang lại những thành tựu bước đầu trong sản xuất hạt lai. Bắt đầu từ năm 1992, Viện Khoa học Kỹ thuật Việt nam kết hợp với chuyên gia Trung quốc thử nghiệm sản xuất 40 ha đầu tiên trồng giống lúa lai F1. Tiếp sau đó, Cục Khuyến Nông và khuyến lâm cùng với các Trung tâm khuyến nông của một số tỉnh đã triển khai mô hình rộng khắp cho đến nay. Năm 2004, sản lượng hạt giống sản xuất trong nước đạt 3.200 tấn, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sử dụng giống trong nước. Riêng đối với Yên Bái, năm 2004 lượng giống lúa lai F1 sản xuất ra đã đáp ứng được 35% nhu cầu giống lúa lai, năm 2005 tỷ lệ này tăng lên là 40%. Một phong trào đang dấy lên ở một số địa phương đi đầu trong quá trình sản xuất hạt lai đó là việc hình thành các làng nghề sản xuất hạt giống lúa lai ở một số địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam như Định Tường, Hoằng Quỳ, Đồng Tiến, Minh Nghĩa, Xuân Kiên, Trực Thái, Trung Lao, Minh Tân, các HTX Đại Lộc, Điện Hồng ở Quảng Nam và một số xã của Yên Bái, Hà Nam, Hải phòng... Những làng nghề này được tổ chức với đội ngũ lao động được đào tạo và có kinh nghiệm khá vững trong sản xuất lúa lai F1 và đang giữ vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất hạt giống hiện nay.
Giai đoạn 1996 đến 2000, Thanh Hóa còn là một tỉnh chưa đảm bảo được an toàn lương thực cho dân cư với bình quân lương thực đạt có 300kg/ người dân, và thậm chí chỉ khoảng 200kg/người dân ở các huyện miền núi. Sau 5 năm phát triến lúa lai, năm 2004 bình quân lương thực toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 420kg/người dân và riêng đối với các huyện miền núi bình quân lương thực đạt 360kg/người dân. Thanh Hóa vượt lên trở thành một trong các tỉnh miền Trung đảm bảo được an ninh lương thực trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa gieo cấy khoảng 254 nghìn ha lúa, năng suất bình quân đạt 51 tạ/ha. Trong đó, tỷ trọng diện tích gieo trồng cây lúa lai không ngừng tăng trong tổng diện tích lúa qua các năm, từ 24,4% năm 2000 lên 32% năm 2002 và lên 37% năm 2004. Kết quả khảo nghiệm qua nhiều vụ cho thấy, các giống lúa lai được gieo trồng cho hiệu quả cao trong Vụ Chiêm Xuân là các giống lúa Nhị ưu 63, Nhị ưu 838 và giống lúa Bồi tạp Sơn Thanh gieo trồng trong Vụ Mùa-Hè Thu. Đặc biệt, lúa lai rất phù hợp phát triển ở các huyện miền núi, có tiềm năng năng suất cao, tương đối sạch bệnh, và phù hợp với điều kiện khí hậu Thanh hóa. Ở Thanh Hóa có tới 5 trên 11 huyện vụ xuân cấy lúa lai trên 60% diện tích, xã Cẩm Sơn (Cẩm Thủy) vụ xuân cấy lúa lai Nhị ưu 63, Nhị ưu 838 trên 100% diện tích. Năng suất bình quân các giống lúa lai này đạt từ 6,5 đến 6,8 tấn/ha. Trên vùng đất này, Hợp tác xã Cẩm Phong đạt năng suất lúa lai 6,4 tấn/ha trên vùng đất núi xấu, vẫn cao hơn năng suất bình quân giống lúa thuần chỉ đạt 5,5 tấn/ha. Đặc biệt, Thanh Hóa đưa giống lúa hai dòng, Bồi tạp Sơn Thanh, VL20 vào gieo cấy Vụ Mùa cực sớm, cho phép thu hoạch sớm, chậm nhất trước ngày 15/9 đã mở ra triển vọng sản xuất cho vụ đông và né tránh được mùa mưa bão thường xảy ra ở Miền Trung vào khoảng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 hàng năm. Trong tương lai, Thanh Hóa đang có kế hoạch nghiên cứu sản xuất các giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao hơn nữa, như giống D. ưu 527 cho vụ xuân và nghiên cứu bổ sung các giống lúa lai ngắn ngày như VL20, TH3-3.
Trong khi đó, ở một tỉnh miền Trung, Quảng Nam, lúa lai cũng được mở rộng sản xuất kể từ năm 2001, tuy nhiên cơ cấu giống lúa lai áp dụng vào sản xuất tương đối khác biệt so với Thanh Hóa.N Những năm đầu sản xuất lúa lai, tỉnh đã đưa vào thử nghiệm sản xuất nhiều giống, nhưng từ năm 2001 cho đến nay, cơ cấu giống lúa lai của Quảng Nam chỉ còn 2 dòng là Trang nông 15 và Nhị ưu 838, là các giống có khả năng thích nghi rộng và đã được sản xuất hạt giống tại địa bàn. Trong giai đoạn 2001-2005, do việc chuyển từ gieo trồng 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm và chuyển đổi một số diện tích lúa nên diện tích gieo trồng lúa của tỉnh giảm từ hơn 98 nghìn ha năm 2001 xuống còn gần 85 nghìn ha năm 2005. Tuy nhiên, nhờ áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới và sản xuất các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất cao nên sản lượng thóc tăng liên tục, từ 366 nghìn tấn năm 2001 lên 427 nghìn tấn năm 2004, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 4,5 tấn/ha. Vụ Đông Xuân năm 2004/05, một số đơn vị trong tỉnh đã liên kết với tỉnh bạn tổ chức sản xuất thử nghiệm hạt giống F1 lúa lai 2 dòng VL20, TH3-3, là các giống cho năng suất cao và thích nghi với điều kiện trồng trọt ở các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, nhưng lại không thành công ở Quảng Nam, do điều kiện thời tiết ở đây biến động, nhiệt độ lên xuống, lúc quá thấp, lúc quá cao trong vụ Đông xuân làm cho quá trình sinh trưởng phát triển của lúa bố mẹ không ổn định. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, tỉnh Quảng nam vẫn sẽ tiếp tục duy trì sản xuất 2 tổ hợp lúa lai là Nhị ưu 838 và Trang Nông 15, đồng thời có chính sách khuyến khích các công ty trong nước, nước ngoài vào liên doanh sản xuất và cung ứng hạt giống tại địa bàn, nhằm tăng cường công tác khảo nghiệm và đưa thêm nhiều giống lúa lai mới có năng suất cao, chống sâu bệnh, chất lượng gạo ngon và phù hợp với điều kiện sản xuất lúa ở Quảng Nam.
Yên Bái là một tỉnh miền núi chỉ với diện tích đất nông nghiệp chiếm chưa đến 10% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất ruộng chỉ chiếm 29% đất nông nghiệp, đã liên tục phấn đấu cho đến nay về cơ bản đã đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Một trong những giải pháp quan trọng mang đến sự thành công đó là ngành nông nghiệp tỉnh đã đầu tư nghiên cứu và đưa các giống lúa lai vào sản xuất. Diện tích sản xuất lúa lai tăng gần 4 lần, từ 28 ha năm 2001 lên 100ha năm 2005. Năng suất lúa lai tăng là 1,8 tấn/ha năm 2001 lên 2,4 tấn/ha năm 2004 và dự kiến năm 2005 này năng suất đạt 2,6 tấn/ha. Đến năm 2003, Yên Bái, cũng như Quảng Nam và Thanh Hoá, chủ yếu tập trung vào sản xuất tổ hợp giống lúa lai Nhị ưu 838. Đây là chủng loại giống được nông dân ưa chuộng và tỷ lệ gieo cấy cao. Bên cạnh tổ hợp lai chủ lực là Nhị ưu 838, Yên Bái đã lai thử thành công các tổ hợp lai HYT83, D.ưu 527, VL20, TH3-3 và đã đưa một phần giống của các tổ hợp lai mới này vào sản xuất.
Trên cả nước hiện đang hiện nổi trội hai phương thức sản xuất lúa lai điển hình mang lại hiệu quả cao. Phương thức thứ nhất đó là xu hướng hình thành và phát triển các làng nghề sản xuất hạt lai F1 ở các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Nam, Nam Định. Tổ chức sản xuất lúa lai theo các làng nghề sản xuất có ưu điểm là chuyên môn hoá cao trong sản xuất lúa lai nhờ đó có điều kiện tích luỹ kinh nghiệm sản xuất lúa lai vững vàng. Phương thức thứ hai là liên kết sản xuất lúa lai với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, diễn ra thành công ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, với phương thức nhà nước đầu tư toàn bộ giống bố mẹ, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc điều khiển sinh trưởng và các loại vật tư thiết yếu khác. Người dân đầu tư đất sản xuất và công lao động. Trong điều kiện thiên tai mất mùa, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ nông dân. Tổ chức sản xuất lúa lai theo phương thức liên kết với hộ nông dân sẽ giải quyết được các vướng mắc mà chương trình khuyến nông đang gặp phải đó là tạo thói quen sử dụng giống lúa lai sản xuất trong nước của nông dân, thay vì sử dụng giống nhập ngoại của Trung quốc, tâm lý e ngại rủi ro do phải đầu tư giống, phân bón, thuốc, máy móc thiết bị…
Khai thác tiềm năng của lúa lai để tăng năng suất một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả cao mà nhiều nước trên thế giới như Trung quốc, Ấn độ, Hoa kỳ đã áp dụng thành công. Đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng với những nỗ lực của cả ngành, của các đơn vị nghiên cứu, của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và đông đảo nông dân trên cả nước nhằm mục tiêu phát triển sản xuất lúa lai trên cả nước. Chúng ta đã có được những thành công bước đầu về đảm bảo an ninh lương thực, về cung cấp giống sản xuất trong nước và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chương trình khuyến nông sản xuất lúa lai, hầu hết các địa phương đều gặp phải những khó khăn về giống và có mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp&PTNT, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học Nông nghiệp và mạng lưới tỉnh bạn để chủ động được giống lúa bố, mẹ có chất lượng hiệu quả cao cho sản xuất giống lúa lai F1.
Phạm Hoàng Ngân
(Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, Hội thảo “Nghiên cứu và Phát triển lúa lai ở Việt nam”, ngày 29/8/2005)