Đổi mới chính sách nông nghiệp Việt Nam - Kỳ 1

20/10/2006

Trong điều kiện các vòng đàm phán đa phương gặp khó khăn và sự tăng cường các thoả thuận hợp tác song phương và khu vực, Việt Nam cần có những điều chỉnh chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sao  phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng đảm bảo tăng cường khả năng cạnh tranh, duy trì phát triển nông nghiệp nông thôn.
Trong điều kiện các vòng đàm phán đa phương gặp khó khăn và sự tăng cường các thoả thuận hợp tác song phương và khu vực, Việt Nam cần có những điều chỉnh chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sao  phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng đảm bảo tăng cường khả năng cạnh tranh, duy trì phát triển nông nghiệp nông thôn.| Việc đổi mới chính sách nông nghiệp cần được cân nhắc một cách tổng thể, có tính đến các yếu tố tự do hoá khu vực, các cam kết hợp tác khu vực mà Việt Nam đang tham gia như AFTA, Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và các cam kết còn đang đàm phán như ASEAN- Ấn Độ, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Úc và ASEAN-Niudilân.
 
Thất bại của vòng đàm phán Doha

Sau 5 năm đàm phán căng thẳng, vòng đàm phán Doha với mục đích tự do hóa thương mại toàn cầu và mở rộng lợi ích toàn cầu hóa cho các nước đang phát triển, đã bị trì hoãn vô thời hạn do các nhà đàm phán không thể thống nhất quan điểm về vấn đề trợ cấp nông nghiệp và chính sách giảm thuế nhập khẩu.

Vòng đàm phán Doha được chia làm 3 giai đoạn: (i) giai đoạn 1 đề ra nhiệm vụ đàm phán (Tuyên bố Doha); (ii) giai đoạn 2 thiết lập các phương thức đàm phán trong một số lĩnh vực và các luật lệ, quy định mới; và (iii) đưa ra các biểu cam kết của từng thành viên. Vòng đàm phán Doha đã không kết thúc được 3 giai đoạn trên theo thời hạn dự kiến trước ngày 1/1/2005 và thất bại hoàn toàn tại Geneva, 7/2006.

Từ năm 2001 đến 2006, vòng đàm phán Doha đã trải qua 5 mốc quan trọng:

2003 tại Cancún: Đây là cơ hội đầu tiên bị bỏ lỡ khi các thành viên rà soát lại quá trình đàm phán nhằm thúc đẩy mục tiêu bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan để hỗ trợ các nước đang phát triển. Hội nghị thất bại do bất đồng giữa các nước giàu và nước nghèo xung quanh vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Các nước đang phát triển tập hợp lại và hình thành 2 nhóm đàm phán mới: Nhóm G20, gồm các nước đang phát triển thu nhập trung bình và nhóm G90, gồm các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp.

2004 tại Geneva: Các thành viên WTO thống nhất một Thỏa thuận khung vào ngày 31/7/2004. Thoả thuận khung được xem là bước đệm để thiết lập các phương thức đàm phán và luật lệ, quy định mới trong lĩnh vực đàm phán, là nguyên tắc chỉ đạo cho quá trình đàm phán tiếp theo. Theo đó, cộng đồng EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Braxin thống nhất sẽ xóa bỏ tất cả các khoản trợ cấp xuất khẩu nông sản, giảm các khoản trợ cấp gây bóp méo thương mại và giảm thuế nhập khẩu nông sản. Các nước phát triển cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng chế biến, tuy nhiên vẫn được bảo hộ một số ngành mũi nhọn.

2005 tại Hồng Kông: Mục tiêu ban đầu của phiên họp là đi đến thỏa thuận cuối cùng của vòng đàm phán Doha đã thay bằng việc các nước giàu cam kết áp dụng hạn ngạch và  nhập khẩu tự do đối với tất cả các nước có thu nhập thấp và cam kết đến năm 2013 sẽ thực hiện xóa bỏ các khoản trợ cấp xuất khẩu nông sản.

2006 tại Geneva: Vòng đàm phán Doha diễn ra tháng 7/2006. Các nước tham gia đàm phán chủ chốt bao gồm Braxin và Ấn Độ (đại diện cho nhóm G20), EU, Hoa Kỳ và Úc (đại diện cho nhóm Cairns các nước xuất khẩu nông sản) và Nhật Bản (đại diện cho nhóm G10 các nhà nhập khẩu nông sản ròng). Tại hội nghị Geneva vừa qua, các nhà đàm phán không thể thống nhất quan điểm về vấn đề trợ cấp nông nghiệp và chính sách giảm thuế nhập khẩu. Phía Hoa Kỳ thì cho rằng đã nhượng bộ quá nhiều còn liên minh Châu Âu không chấp nhận cắt giảm thêm trợ cấp nông nghiệp. Các nước còn lại cũng không  muốn hạ thấp hàng rào bảo hộ nông sản của mình. Các nước đàm phán không đạt được sự thống nhất về vấn đề cắt giảm trợ cấp nông nghiệp và giảm thuế, dẫn đến việc Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy chính thức tuyên bố đình chỉ vòng đàm phán Doha.

 

 
Vấn đề trợ cấp trong WTO

Một vấn đề quan trọng trong vòng đàm phán Doha là nỗ lực kêu gọi giảm những trợ cấp có thể làm méo mó hoạt động thương mại, khuyến khích sử dụng hình thức hỗ trợ khác có lợi cho phát triển và bảo vệ môi trường chung. Hiện nay, rất nhiều thành viên của WTO duy trì các chương trình trợ cấp sâu rộng từ trung ương đến địa phương. Trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha tại Geneva vừa qua, Hoa Kỳ đưa ra những yêu cầu cứng rắn, không chấp nhận những cam kết “linh hoạt” trong vấn đề trợ cấp nông nghiệp của các nước.

Các chuyên gia kinh tế của WTO vừa nghiên cứu về cách thức cũng như tác động của trợ cấp đối với một số lĩnh vực khác nhau. Một số hình thức trợ cấp có thể mang lại lợi ích cho xã hội và hạn chế tác động của những nhân tố bên ngoài, song nhiều trợ cấp có thể gây thiệt hại lớn đến sự phát triển chung. Do trợ cấp có thể làm méo mó các hoạt động thương mại nên chính phủ các nước thành viên của WTO phải thông báo cho WTO tất cả những hình thức trợ cấp của mình. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ một số ít các nước thành viên chấp hành, thông tin về sử dụng hình thức trợ cấp và tác động trợ cấp không đầy đủ và minh bạch. Theo ước tính, trong khi cả thế giới chi khoảng 300 tỷ USD cho hoạt động trợ cấp thì riêng 21 quốc gia phát triển đã chi khoảng 250 tỷ USD. Nhìn chung, tỷ lệ trợ cấp trung bình theo GDP ở các nước đang phát triển thấp hơn so với các nước phát triển.

Mặc dù thương mại nông sản chỉ chiếm 8% thương mại toàn thế giới, song tạo nguồn thu nhập chính cho khoảng 2,5 tỷ người dân ở các nước đang phát triển. Người nông dân ở các nước nghèo khó có thể cạnh tranh được với nông dân các nước giàu như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản vốn nhận được các khoản trợ cấp xuất khẩu khổng lồ.

Hiện tại Hoa Kỳ áp dụng mức thuế nhập khẩu thấp hơn so với các nước EU và các nước phát triển khác. Vì vậy Hoa Kỳ yêu cầu các nước phát triển khác giảm 90% các dòng thuế nhập khẩu nông sản đang ở mức cao và cắt giảm 66% thuế nhập khẩu bình quân. EU chấp nhận đưa ra mức cắt giảm thuế cao hơn so với mức đưa ra ban đầu (cắt giảm 39% mức thuế bình quân) tiến gần với mức mà nhóm G20 đề xuất đưa ra là 54%, song vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của phía Hoa Kỳ.

Phía Hoa Kỳ chỉ trích EU về việc duy trì danh mục nông sản nhạy cảm đối trọng với mức độ tiếp cận thị trường mới mà Hoa Kỳ đưa ra, EU tiếp tục duy trì mức độ bảo hộ cao đối với 8% các danh mục nông sản của mình. EU khẳng định đã rất mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu cho các nước đang phát triển, cho phép 50 nước đang phát triển tự do tiếp cận thị trường và đã nhập khẩu nông sản của các nước đang phát triển nhiều hơn tất cả các nước phát triển hợp lại.

Các nước EU chấp thuận sẽ giảm 75% tổng mức trợ cấp gây bóp méo thương mại, theo yêu cầu của nhóm G20 các nước đang phát triển. Nếu theo như vậy, EU sẽ giảm trợ cấp gây bóp méo thương mại từ mức trợ cấp năm 2004 là 58,1 tỷ Euro xuống còn khoảng 28 tỷ Euro trong tương lai.

Hoa Kỳ đưa ra đề nghị sẽ cắt giảm trợ cấp khoảng 53%, tuy nhiên mức mà EU và G20 đưa ra cho Hoa Kỳ là phải cắt giảm ít nhất 60% và 75% và Hoa Kỳ từ chối yêu cầu này.

Cuộc đua FTA của các cường quốc kinh tế ASEAN

Khi các vòng đàm phán đa phương gặp khó khăn thì việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trở thành lựa chọn bổ sung lý tưởng. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, cho dù đã là thành viên WTO, nhưng nước này có rất nhiều thỏa thuận song phương, vượt qua Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn trước đây là bạn hàng số 1 của Hoa Kỳ. Trong điều kiện tiếp cận thị trường rất khó khăn với các hợp tác đa phương, thì các nước có xu hướng lựa chọn các hình thức hợp tác song phương để bổ sung.

Gần đây, Trung Quốc đã lần lượt đàm phán FTA với Ấn Độ, Australia và các quốc gia ASEAN. Nhật Bản đã có kế hoạch từ nay đến năm 2012 sẽ thiết lập FTA lần lượt với các quốc gia ASEAN. Hiện nay, Nhật Bản đã ký kết FTA với Australia, Singapore, Philipin, Malaysia và đang đàm phán với Indonesia. Theo một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại Nhật Bản, nếu Nhật Bản ký kết thoả thuận FTA với ASEAN sau Trung Quốc, tổng thu nhập quốc dân của Nhật Bản sẽ giảm 0,07%.

Singapore đã ký kết FTA với Nhật Bản, Hoa Kỳ. Thái Lan đã ký kết FTA với Trung Quốc, Úc, Niudilân và đang đàm phán với Hoa Kỳ, Philipin đang đàm phán với Nhật, Malaysia đang tìm kiếm thị trường chung với Úc...

Có thể nói ASEAN đang sôi động trong các liên kết hợp tác kinh tế với các cường quốc kinh tế thế giới. Khuynh hướng hình thành những hợp tác kinh tế song phương và khu vực bên cạnh hợp tác đa phương, thực sự trở thành cuộc đua trong bối cảnh các vòng đàm phán đa phương tiến triển chậm và bế tắc.

 

Chính sách nông nghiệp Việt Nam hiện nay

Tiếp cận thị trường

 Mức thuế nhập khẩu nông sản bình quân của Việt Nam hiện nay là 24,5%, cao hơn so với mức thuế bình quân chung là 18%, với 12 mức thuế từ 0% đến 100%, cao so với mức thuế bình quân các nước trong khu vực (Indonesia là 8,3%, Malaysia 2,5%, Philipin 18%, Thái Lan 26,5%). Mức độ bảo hộ có khác nhau cho từng nhóm nông sản.

So sánh thuế nhập khẩu nông sản Việt Nam với thuế nhập khẩu bình quân các nước

 

Nguồn: Bộ NN&PTNT (2005)

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nhóm bảo hộ thấp: là các nhóm các nguyên liệu đầu vào chế biến như ngô, đậu tương...

            Nhóm bảo hộ trung bình: là nhóm nông sản mà Việt Nam có khả năng xản xuất, nhưng năng lực cạnh tranh chưa cao như rau quả tươi, sữa, thịt tươi, thịt đông lạnh

            Nhóm bảo hộ cao: là nhóm nông sản chế biến như đường, thịt chế biến, rau quả chế biến, chè, cà phê hòa tan, là những sản phẩm công nghiệp chế biến Việt Nam sản xuất nhưng năng lực cạnh tranh còn yếu so với hàng nước ngoài.

Trong 12 nhóm nông sản, Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu ròng một số nông sản gồm gạo, rau, cà phê, chè và hạt điều... Nhà nước cũng nhập khẩu một số nông sản chế biến như rau chế biến, cà phê hoà tan và chè. Vì vậy, khi thực hiện mở cửa thị trường, việc giảm thuế nhập khẩu những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất trong nước.

Trong quá trình đàm phán, những ngành có khả năng cạnh tranh yếu kếm như sản phẩm chăn nuôi, mía đường, nông sản chế biến hiện đang bảo hộ với mức thuế suất cao bị yêu cầu giảm nhiều so với nông sản thô. Mức thuế cam kết trong tương lai sẽ thấp hơn mức thuế hiện hành. Thời gian thực hiện lộ trình giảm thuế trong khoảng từ 3-5 năm. Mới đây nhất, Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, ban hành kèm theo QĐ số 39 ngày 28/7/2006, theo đó, thuế nhập khẩu các nông sản chế biến như đường, thịt chế biến, rau quả chế biến, chè, cà phê hòa tan(cà phê đã rang xay) vẫn ở mức cao.

Nhóm nông sản

Thuế suất thuế nhập khẩu (%)

Thịt lợn

30

Thịt gia cầm

20

Sữa và các sản phẩm từ sữa

15-30

Trứng

40

Gạo

40

Rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được

15-30

Quả và quả hạch ăn được, vỏ quả thuộc chi cam quít hoặc các loại dưa

40

Cà phê đã rang

50

Chè

50

Hạt tiêu

30

Ngô đã rang nở

50

Gạo

40

Đường

30-40

Hạt điều

50

Nguồn: Bộ Tài chính (2006)[1]

Biện pháp phi thuế

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ 46/CP quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2001-2005. Quy chế này đã loại bỏ hàng loạt các hàng rào phi thuế. Đến năm 2005, Việt Nam loại bỏ giấy phép nhập khẩu cuối cùng còn áp dụng đối với mặt hàng đường ăn.

Nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật, thú y, giống vật nuôi cũng được tiến hành quản lý theo chuyên ngành, vừa đảm bảo bảo vệ an toàn kiểm dịch động, thực vật, vừa không vì mục tiêu bảo hộ trá hình cho sản xuất trong nước.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, các biện pháp phi thuế hạn chế nhập khẩu nông sản Việt Nam sẽ được bỏ gần hết, đến nay chỉ còn áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với đường, lá thuốc lá và muối. Tuy nhiên đàm phán để duy trì các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3 mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu của các nước rất cao về hạn ngạch, mức thuế trong hạn ngạch, mức tăng trưởng hạn ngạch hàng năm và cơ chế quản lý hạn ngạch…

Hỗ trợ trong nước

Chính sách hỗ trợ trong nước của Việt Nam tập trung phần lớn vào nhóm Chính sách “ hộp xanh” và “Chương trình Phát triển” là những nhóm chính sách mà các nước thành viên WTO được tự do áp dụng.

Việt Nam sử dụng số liệu thống kê giai đoạn 1999-2001 về hỗ trợ trong nước, trợ cấp xuất khẩu làm cơ sở cho đàm phán gia nhập WTO. Cơ cấu chính sách hỗ trợ trong nước cho ngành nông nghiệp (giai đoạn 1999-2001) như sau:

Nhóm chính sách hộp xanh[2]:

Các chính sách hỗ trợ trong nhóm này  do Việt Nam áp dụng chiếm 84,5% tổng nhóm hỗ trợ trong nước, tập trung chủ yếu trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, dịch vụ khuyến nông, các chương trình hỗ trợ vùng, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dự trữ công vì mục đích đảm bảo an ninh lương thực. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ kiểm tra giám sát dịch bệnh và sâu bệnh, hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số chi hỗ trợ trong nhóm hộp xanh, mới chiếm tỷ lệ khoảng 1-3%.

Nhóm Chính sách “Hộp xanh” năm 2001

Nguồn: WTO document WT/ACC/SPEC/VNM/3/Rev.5,  Bénédicte Hermelin(2005).

 

Nhóm chương trình phát triển[3]

Các chính sách hỗ trợ trong nhóm chương trình phát triển đang áp dụng chiếm 10,7% tổng nhóm hỗ trợ trong nước. Chủ yếu dưới các hình thức hỗ trợ cho 1 số chương trình hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho mía đường, sản xuất sữa, chăn nuôi; hỗ trợ lãi suất thấp cho người nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (bỏ trồng cây thuốc phiện).

 

Nhóm chính sách hộp đỏ[4]

Các chính sách trong nhóm hộp đỏ chiếm 4,9% tổng nhóm hỗ trợ trong nước. Việt Nam mới sử dụng những năm giá nông sản xuống quá thấp (gạo, đường, bông, thịt lợn), Nhà nước hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ lương thực cho nông dân đỡ thiệt hại. Tổng mức hỗ trợ gộp đối với các gạo, bông và thịt lợn của Việt Nam thấp hơn so với mức tối thiểu mà các nước đang phát triển được phép áp dụng (10% giá trị sản lượng), nhưng cao hơn mức tối thiểu đối với mặt hàng đường. Khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải giảm mạnh hỗ trợ trong nước đối với mặt hàng đường.

 



[1] Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, ban hành kèm theo quyết định số 39/QĐ-BTC ngày 28/7/2006

[2] Là những chính sách không hoặc rất ít bóp méo giá trị thương mại hàng hoá nông sản. Tất cả các nước được tự do áp dụng để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, không phải cam kết cắt giảm

[3] Là những chính sách các nước đang phát triển được phép áp dụng, miễn trừ cam kết

[4] Là những chính sách phải cam kết cắt giảm nếu vượt quá mức tối thiểu (% giá trị sản lượng của sản phẩm được hỗ trợ: đối với các nước phát triển là 5%, các nước đang phát triển là 10%)

 
Phạm Hoàng Ngân

Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC