Tìm hướng phát triển cho Lâm nghiệp

24/10/2006

Trong buổi làm việc của Nguyên Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn với Viện Chính sách Chiến Lược Phát triển nông nghiệp nông thôn ngày 13 tháng 10 năm 2006, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã trao đổi về “ Tìm hướng phát triển cho Lâm nghiệp” trong thời gian tới.

Trong buổi làm việc của Nguyên Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn với Viện Chính sách Chiến Lược Phát triển nông nghiệp nông thôn ngày 13 tháng 10 năm 2006, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã trao đổi về “ Tìm hướng phát triển cho Lâm nghiệp” trong thời gian tới.|

Ông cho biết, nền Nông nghiệp Việt Nam muốn đạt được tăng trưởng tốt trong tương lai thì phải phát triển thành nền sản xuất hàng hoá lớn. Trong số các ngành hướng về xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam như lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, thuỷ sản...thì ngành gỗ là ngành có tiềm năng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Ngành Lâm nghiệp nói chung và ngành gỗ nói riêng không những mang lại hiệu quả về mặt kinh tế xã hội mà còn mang lại những hiệu quả lớn về mặt sinh thái như bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Ngành trồng rừng có những đặc điểm kinh tế thuận lợi như cây lấy gỗ ít rủi ro hơn trồng trọt và chăn nuôi. Cây lấy gỗ ít rủi ro hơn về thị trường, về giá cả cũng như ít rủi ro hơn về sâu bệnh và thiên tai. Một đặc điểm thuận lợi nữa của các cây lấy gỗ đó là không cần bảo quản nhiều, thị trường tiêu thụ lớn và đất đai trồng rừng của Việt Nam nhiều (2/3 diện tích là đồi núi và cao nguyên).

Hướng phát triển cho ngành trồng rừng nên tập trung vào 3 loại cây lấy gỗ chính đó là gỗ cao su (trồng nhiều ở Miền Nam), cây keo (trồng nhiều ở Miền Bắc) và gỗ cây xoan (trồng cả Miền Nam và Bắc). Đặc điểm của 3 loại cây lấy gỗ này là thời gian thu hoạch ngắn (trung bình từ 7-12 năm), dễ trồng, sâu bệnh ít và gỗ khai thác rất thuận lợi trong việc xuất khẩu và sản xuất đồ dùng. Bên cạnh đó, có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày như gừng, nghệ, củ mài, sắn...để khai thác thức ăn cho chăn nuôi và tạo thêm thu nhập cũng như giải quyết được nhiều việc làm cho nông dân.

Về mặt quỹ đất , vốn và khoa học công nghệ, Nguyên phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn cho biết, đối với quỹ đất trồng rừng, lấy những diện tích đất chưa sử dụng giao cho doanh nghiệp, cho dân nhằm phát triển sản xuất tập trung, chuyên môn hoá. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm tiền tệ hoá đất của nông dân. Doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học công nghệ còn nông dân chăm sóc. Một hình thức khác là cho nông dân thuê đất, khoán cho nông dân làm và hàng năm chia lợi tức. Đối với nguồn vốn, có thể sử dụng huy động các nguồn vốn tự có trong dân, vay ngân hàng, lấy ngắn nuôi dài, nông-lâm kết hợp...Khoa học công nghệ phải được đổi mới, nâng cao năng suất, giảm thời gian trồng, thâm canh, đa công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm đầu ra.

Kết thúc buổi làm việc, Nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khẳng định, nếu ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là ngành Lâm nghiệp nói riêng làm tốt các công việc trên thì chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả lớn về mặt kinh tế và xã hội.

Nguyễn Trang Nhung


Tin khác