Những mô hình tổ chức tham mưu chính sách nông nghiệp - Kinh nghiệm từ Bộ Nông nghiệp Pháp

12/12/2006

Quá trình đổi mới, hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam trong những năm vừa qua, xét về bản chất, chính là qúa trình đổi mới, hội nhập về thể chế, chính sách.

 Điều này, đến lượt nó, lại đòi hỏi phải có những điều chỉnh trong hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, tham mưu và hoạch định chính sách nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Và bởi vậy, trên cơ sở tính tới những điều kiện đặc thù của Việt Nam, việc tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong tổ chức và hoạt động các cơ quan nghiên cứu, tham mưu và hoạch định chính sách luôn là điều cần thiết.

Chính vì lý do đó, ngày 11/12/2006, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Những mô hình cơ quan tham mưu chính sách nông nghiệp-Kinh nghiệm từ Bộ Nông nghiệp Pháp”. Diễn giả chính của hội thảo là ông Bruno Vindel, chuyên gia đến từ đơn vị Đánh giá, Dự báo, Nghiên cứu và Định hướng (SDEPEO- Sous-Direction de l’Évaluation, de la Prospective, des Études et de l’Orientation) thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp, và nội dung của cuộc hội thảo tập trung vào việc phân tích mô hình tổ chức và hoạt động của SDEPEO với tư cách là một cơ quan tham mưu chính sách của Bộ Nông nghiệp Pháp.

SDEPEO có cơ chế hoạt động tương đương như một Cục trong Bộ Nông nghiệp (tuy nhiên vị thế chưa tương đương một Cục). Nhiệm vụ của tổ chức này là cung cấp những cơ sở cần thiết cho qúa trình hoạch định chính sách của Bộ Nông nghiệp Pháp. Những sản phẩm mà SDEPEO mà đưa ra là các nghiên cứu, phân tích kinh tế, nghiên cứu dự báo, báo cáo nhóm chuyên gia, v.v… Cơ cấu tổ chức của SDEPEO tương đối gọn nhẹ với 23 nhân viên chính thức hoạt động trong ba đơn vị trực thuộc là:

(i) Phòng Phân tích kinh tế và Dự báo. Đơn vị này có nhiệm vụ tự mình tiến hành hoặc tập hợp các nghiên cứu kinh tế về các chủ đề chuyên ngành hoặc các chủ đề có tính đan xen. Công cụ chủ yếu được sử dụng cho việc phân tích kinh tế và dự báo là các mô hình kinh tế lượng như: 1/ MAGALI: dựa trên việc mô tả về nguồn Cung của các trang trại-“farm France”, từ đó rút ra các kết quả kinh tế vĩ mô như thu nhập nông nghiệp, giá trị gia tăng của ngành, v.v.. 2/ FADN-Farm Accountancy Data Network: Dựa trên khoảng 7000 tài khoản tương đối ổn định, cho phép tính toán thu nhập của các doanh nghiệp nông nghiệp và ảnh hưởng của chính sách nông nghiệp chung châu Âu, v.v…

(ii) Phòng Đánh giá chính sách và Xây dựng các chương trình Nghiên cứu. Nhiệm vụ trước tiên của đơn vị này là tiến hành và điều phối các hoạt động đánh giá chính sách. Ngoài ra, đơn vị này có có nhiệm xây dựng các chương trình nghiên cứu hàng năm cho tất cả các đơn vị trong Bộ Nông nghiệp Pháp.

(iii) Phòng Hướng dẫn, Đổi mới và Môi trường. Nhiệm vụ trước tiên (Hướng dẫn) của đơn vị này là thực hiện hoặc phối hợp các nghiên cứu nhằm phục vụ cho các lợi ích của các đơn vị trong Bộ. Thứ hai (Đổi Mới) là cùng với các ban giám đốc của các đơn vị nghiên cứu khoa học trong Bộ Nông nghiệp Pháp thực hiện chức năng hành chính về giám sát các đơn vị nghiên cứu và kỹ thuật.

Nguyên tắc và cơ chế hoạt động của SDEPEO được dựa trên 4 nội dung cơ bản:

(i) Tăng cường sáng tạo các ý tưởng mới. Để thực hiện được điều này, các nhân viên của SDEPEO nhấn mạnh vào các hoạt động cụ thể như tăng cường tham khảo các thư mục tài liệu, nguồn thông tin trên internet và phối hợp các nghiên cứu.

(ii) Xây dựng mạng lưới làm việc. Thông qua việc duy trì nguyên tắc làm việc theo nhóm, tham gia các buổi hội thảo, hội nghị và các mối quan hệ liên cá nhân.

(iii) Tăng cường các hoạt động chuyên môn. Thông qua việc tham gia các hôi nghị có tính chuyên môn cao, xuất bản các ấn phẩm khoa học và các trao đổi học thuật.

(iv) Sản xuất tri thức. Bao gồm các hoạt động giải thích chính sách cho Bộ Nông nghiệp, báo cáo đánh giá chính sách, xây dựng các chỉ số, v.v…

Các mối liên kết tổ chức-thể chế chủ yếu mà SDEPEO thiết lập được là với các viện nghiên cứu (nông học và kinh tế học), các viện kỹ thuật, các đơn vị trong Bộ Nông nghiệp Pháp, Phòng thống kê nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phòng thống kê trung ương Pháp, các bộ khác (tài chính, môi trường), các hiệp hội nghề nghiệp, Văn phòng liên minh châu Âu, và các tổ chức quốc tế (OECD, FAO, WTO, WB, v.v…)

Trong nội bộ SDEPEO có tổ chức một Hội đồng Dự báo với thành viên là những người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu khoa học, hoạt động nghề nghiệp, kinh doanh, tư vấn độc lập. Vai trò của Hội đồng này là nghiên cứu những vấn đề ở tầm chiến lược, dài hạn.

Một trong những hoạt động cơ bản của SDEPEO là hoạt động biên tập và xuất bản. Các thông tin được biên tập và xuất bản dưới các hình thức như các bài viết hoặc các nghiên cứu khoa học, ấn phẩm kỹ thuật, v.v.. với mục tiêu là phổ biến các kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi các đơn vị trong Bộ Nông nghiệp Pháp.

Về mặt bản chất, SDEPEO không phải là một viện nghiên cứu bởi nó không có các phòng nghiên cứu và thí nghiệm; nó cũng không chú trọng quá mức vào việc xây dựng các khung phân tích lý thuyết hoặc các mô hình phân tích, v.v.. mà SDEPEO hướng tới việc thu thập, phối hợp và sử dụng các kết quả nghiên cứu, các khung và mô hình phân tích để phân tích, đánh giá, dự báo về chính sách.

Với lập luận cho rằng, một cơ quan tham mưu chính sách – “think tank” thì cần phải có một số tiêu chí cơ bản như: (i) có hoạt động liên quan đến các dịch vụ công; (ii) ó khả năng phát hiện và nắm bắt các vấn đề; (iii) có các hoạt động biên tập, xuất bản; (iv) có cái nhìn đa chiều, độc lập về các chính sách; (v) có hoạt động dự báo, đề xuất chiến lược. Và cho dù SDEPEO về cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chí này, ông Bruno Vindel cũng cho rằng việc xây dựng một mô hình tổ chức tham mưu chính sách phụ thuộc và hoàn cảnh, điều kiện của mỗi nước tại mỗi giai đoạn khác nhau.

Trên con đường phấn đấu trở thành đơn vị tham mưu chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) rất cần tìm hiểu các mô hình cơ quan tham mưu chính sách khác nhau, đặc biệt là từ các nước phát triển. Trên thực tế, Viện cũng đã cử các đoàn cán bộ trực tiếp tới các nước khác nhau như Trung Quốc, Mỹ, v.v.. để học hỏi và rút kinh nghiệm. Kết luận tại buổi hội thảo, Viện trưởng-Tiến sỹ Đặng Kim Sơn cho rằng, cuộc hội thảo đã mang lại những bài học ý nghĩa thiết thực cho các cán bộ của Viện, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi mà các hoạt động của Viện mới chủ yếu dừng lại ở việc tham gia nghiên cứu xây dựng các chính sách của ngành, còn các hoạt động phân tích, đánh giá và dự báo chính sách còn chưa đáp ứng được yêu cầu./.


Ngô Vi Dũng(Agroinfo)

Tin khác