Giải quyết các vấn đề bức xúc ở nông thôn:

08/03/2007

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy tai cuộc họp Ban chỉ đạo sơ kết Nghị quyết TƯ 5 BCHTƯ Đảng khoá IV về đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị  quyết TƯ 5, đất đai sản xuất ngày một giảm, khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Nếu thực trạng này vẫn tiếp tục thì nông nghiệp nông thôn sẽ thêm tồi tệ. Bài học lớn về vấn đề nông thôn ở Trung Quốc và một số vấn đề xảy ra ở một số nơi ở nước ta không đơn giản là vấn đề chủ quan. Bộ trưởng yêu cầu việc tổng kết, đánh giá nghị quyết TƯ 5 phải chỉ ra kỳ được vấn đề sâu xa của nông nghiệp - nông thôn - nông dân đang phải đối mặt, chứ không phải là một báo cáo thành tích hời hợt. “Phải nói vào bản chất, có tính chất quy luật. trên cơ sở đó chúng ta phải đưa ra được những giải pháp có tính chất cáhc mạng. Nếu không được như Nghị quyết 10 thì cũng phải có tính chất quy luật, chứ không phải là những giải pháp hờ hững. Phải thực sự tập trung trí tuệ, cả hệ thống để làm. Chúng ta cứ hô hào phát triển nông thôn, nhưng thử hỏi, ngân sách xã thu hồi mỗi năm được 300 - 400 triệu đồng, không đủ trả lương cho cán bộ thì lấy đâu ra tiền phát triển nông thôn? Trên cho được đồng nào thì làm, mà làm thì lại bớt xén” - Bộ trưởng nói. Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo số 07 giao cho Bộ NN - PTNT chủ trì nghiên cứu, đề xuất những chính sách về phát triển nông thôn, những chính sách hợp lý sẽ được Chính phủ cho thực hiện ngay. Điều này cho thấy Chính phủ đã nhận thấy rõ những bức xúc ở khu vực nông thôn. Bộ trưởng Cao đức Phát chỉ ra rằng, những năm trước đây, khi có Nghị quyết TƯ 10, Chính phủ không có tiền “đổ” vào đầu tư, nhưng nông nghịêp “cứ phát triển ầm ầm”. Đó là do cơ chế và chính sách của chúng ta. Để giải quyết những bức xúc ở nông thôn hiện nay, chúng ta cũng cần phải có những chính sách tương tự như thế. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ, Viện được giao nhiệm vụ tổng kết, nghiên cứu phải làm nghiêm túc, làm sao để ra kỳ được câu trả lời là chúng ta phải làm gì để phát triển nông thôn. Bộ trưởng cũng yêu cầu thực hiện phải theo thứ tự yêu tiên, không ôm đồm và chồng chéo. Trước hết phải đánh giá, đề xuất chính sách về vấn đề “khoan” sức dân, tiếp sức dân, giảm thu cái gì, tăng hỗ trợ nông dân cái gì? Nhưng trước hết phải đánh giá bằng được thực trạng “khoan” sức dân hiện nay. “Khoan” như thế nào? Ảnh hưởng ra sao đến đời sống của nông dân? Thứ hai là xây dựng các mô hình nghiên cứu về nông thôn ở cơ sở, cùng với nông dân làm thử xem thế nào. Tránh tình trạng làm theo kiểu “ban tiền”, “chuồn chuồn đạp nước”. Đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện các mô hình tại địa phương họ. Thứ ba tiếp tục CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn, đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế HTX để hình thành đề án CNH - HĐH nông nghiệp - nông thôn giai đoạn mới, để năm 2008, TƯ sẽ bàn và quyết định về vấn đề này. Bộ trưởng đồng ý sẽ phát động phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”. Bộ trưởng cũng yêu cầu chuẩn bị tốt cho lễ phát động này dự kiến sẽ được phát động vào tháng 5/2007. Lễ phát động này được đưa ra trên cơ sở đánh giá chung về phát triển nông thôn của cả nước và đặc biệt là mô hình phát triển nông thôn mới ở Hà Tĩnh - một tỉnh thuần nông, nghèo và Đồng Nai - một tỉnh công nghiệp phát triển.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác