Chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

07/03/2007

Tại buổi hội thảo, các cán bộ Viện đã có cơ hội trao đổi và giải đáp một số thắc mắc về chế độ khoán kinh phí theo thông tư 93

Chiều ngày 05 tháng 3 năm 2007, tại hội trường Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Phó Vụ trưởng Vụ tài chính – Bộ Khoa học & Công nghệ đã có buổi trình bày về các nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04 tháng 10 năm 2006 về “Hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”. Thông tư này được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm: chủ trì (đối với tổ chức), chủ nhiệm (đối với cá nhân) thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn thông qua phương thức tuyển chọn hoặc xét chọn để giao trực tiếp.

Tại buổi hội thảo, các cán bộ Viện đã có cơ hội trao đổi và giải đáp một số thắc mắc về chế độ khoán kinh phí theo thông tư 93. Dưới đây là một số nội dung chính đã được thảo luận và được các cán bộ Vụ tài chính giải đáp như sau:

1. Xây dựng Dự toán:

- Nêu rõ các Thông tư, định mức được áp dụng.

- Dự toán được xây dựng theo 2 phần là phần khoán và phần không khoán.

- Dự toán phải gắn với nội dung và sản phẩm cụ thể.

- Về định mức chi: vẫn theo quy định hiện hành (Áp dụng thông tư liên tịch số 45). Đối với những nội dung không có định mức thì chủ nhiệm đề tài phải thuyết minh.

Hiện nay, khoán kinh phí thực hiện đề tài, dự án là giao quyền tự chủ cho tổ chức chủ trì và chủ nhiệm trong việc sử dụng dự toán kinh phí của đề tài, dự án. Chủ nhiệm đề tài thống nhất với thủ trưởng đơn vị và có toàn quyền chủ động chi tiêu cho đến khi kết thúc dự án.

2. Quyết toán kinh phí:

- Kinh phí phải quyết toán theo niên độ.

- Đối với những đề tài, dự án thực hiện trên một năm, số dư (chi không hết của năm nay) được chuyển sang năm sau nhưng phải có báo cáo. Đối với đề tài thực hiện trong vòng 1 năm thì việc hoàn thành chứng từ được thanh toán trong 5 tháng tiếp sau ngày kết thúc đề tài.

- Quyết toán kinh phí gắn với sản phẩm (phải có xác nhận khối lượng công việc của cơ quan chủ trì đề tài)

- Khi được giao thực hiện đề tài, Chủ nhiệm đề tài thống nhất với cơ quan chủ trì về việc chủ động sử dụng kinh phí. Trong khuôn khổ dự toán được giao, Chủ nhiệm đề tài có quyền được chi mức cao hơn hoặc thấp hơn dự toán, tuỳ theo chất lượng và nội dung công việc cụ thể.

3. Về ký hợp đồng với chuyên gia: Chủ nhiệm đề tài được quyền chủ động trong việc tìm và thuê chuyên gia và tự chịu trách nhiệm, không yêu cầu chuyên gia phải có xác nhận cơ quan đang công tác.


Đinh Thị Kim Phượng - Agroinfo

Tin khác