Tính đến hết tháng 9/2006, kim ngạch xuất khẩu chè Việt Nam đạt 77,5 triệu đô la Mỹ, chiếm khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu.
Chè là cây công nghiệp dài ngày, được xuất khẩu trên thế giới dưới hai dạng chính là chè xanh và chè đen. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu chè xanh lớn nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Ở Việt Nam, chè được trồng chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền núi và Trung Du phía Bắc. Tính đến hết tháng 9/2006, chè hiện đang đứng thứ 7 về kim ngạch xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản, sau gạo, cao su, cà phê, hạt điều, rau quả và hạt tiêu.
Năm 2006 là năm đầu tiên sản lượng chè thế giới sút giảm sau 7 năm tăng trưởng liên tục, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt hạn hán nặng nề ở các nước Châu phi hồi đầu năm và sự tăng giá của dầu mỏ. Do việc giảm sản lượng, giá chè trung bình trên thế giới năm 2006 tăng cao hơn so với năm trước từ 10 đến hơn 40% tuỳ loại chè.
Tính đến hết tháng 9/2006, tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam đạt 74 nghìn tấn, tương đương với 77,5 triệu USD, tăng 30,7% về lượng và 28,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm 2006 sẽ là năm đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam vượt ngưỡng 100 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể được kể tới là Đài Loan, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Irắc, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Tuy nhiên, hiện nay chè của Việt Nam vẫn chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, khâu chế biến lại thiếu tiêu chuẩn, ăn bớt công đoạn nên giá trị xuất khẩu thấp. Ngay cả trên những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan, Nga, chè Việt Nam vẫn ít được người tiêu dùng biết đến do chủ yếu được nhập khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Thương hiệu chè “Vinatea” của Tổng Công ty chè Việt Nam vẫn chưa thực sự khẳng định được uy tín cho chè đen xuất khẩu.
Tại các tỉnh vùng chè miền núi phía Bắc, sự phát triển quá nhiều cơ sở chế biến không cân đối với nguyên liệu gây nên tình trạng tranh chấp nguyên liệu khá gay gắt trong nhiều năm qua, đặc biệt ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Do việc tranh chấp mua nguyên liệu, các nông dân đã hái chè quá dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây chè.
Trong thời gian tới, các tỉnh cần có quy hoạch các vùng chè tập trung gắn với cơ sở chế biến, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng và chủ động cho các nhà máy. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác khoa học, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất chè và chế biến chè là rất cần thiết.
11/2006
Phạm Tuyết Mai