Báo cáo ngành hàng cao su 10 tháng đầu năm 2006

23/02/2007

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, cho đến thời điểm này cao su đang là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch đứng thứ hai sau gạo.

Tổng sản lượng cao su đã xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt 582.000 tấn, trị giá hơn 1tỷ USD, và so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 34% về lượng và 90% về giá trị. Có thể nói, năm 2006 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của cao su vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Thêm vào đó, giá cả xuất khẩu cao su trong 6 tháng đầu khá ổn định hoặc là tăng, nhưng tình hình giá cả xuất khẩu cao su cho thị trường thế giới trong quý III/2006 giảm đáng kể khoảng hơn 30% so với quý II, do chịu sự tác động điều khiển của thị trường cao su Trung Quốc và thu hoạch đang vào chính vụ. Tình hình giảm giá trong quý III cũng thường diễn ra vào các năm trước, nhưng mức giảm cũng không cao như quý III năm nay, và ba nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới đã phải nhóm họp cùng nhau nhằm đưa ra các giải pháp bình ổn giá cao su để đảm bảo quyền lợi của người trồng cao su. Biện pháp đưa ra là giảm lượng xuất khẩu cao su từ chính các nguồn này.

Hiện nay, sản xuất đồ gỗ cao su nội thất xuất khẩu được xem như là một lĩnh vực tiềm năng của ngành cao su. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất của nước ta hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ cao su để phục vụ nhu cầu nội địa (năm 2005 là 300.900m3), trong khi đó nguyên liệu gỗ cao su từ các vườn cao su tái canh chỉ đáp ứng được khoảng 100.000-120.000m3 gỗ phôi/năm. Ước tính, Việt Nam có thể tự cung cấp 300.000-400.000m3 gỗ cao su và gỗ cao su từ các vườn cao su trong nước sẽ là nguồn nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến đồ gỗ cao su xuất khẩu vào năm 2015.

Cơn bão số 6 trong tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại cho các vườn cao su Việt Nam, theo số liệu tạp chí cao su Việt Nam, hơn 100.000 cây cao su bị gãy đổ trong cơn bão này. Công ty cao su Quảng Nam là nơi thiệt hại nhiều nhất (30.083 cây bị gãy đổ), tiếp đến là nông trường Hiệp Đức, Công ty Cao su Quảng Trị, Công ty Cao su Hà Tĩnh và Công ty Cao su Quảng ngãi.

Vấn đề lớn trong ngành cao su Việt Nam hiện nay là xu hướng phát triển cao su tiểu điền. Theo số lượng của Hiệp hội cao su Việt Nam, diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 40% tổng diện tích cao su nhưng sản lượng chỉ chiếm 13.9% tổng sản lượng cao su cả nước. Bên cạnh đó, năng xuất cao su tiểu điền thường thấp, chỉ bằng một nửa so với các vườn cao su quốc doanh, đại điền và trung điền. Lý do đưa ra là cao su tiểu điền xuất hiện bột phát do người dân thấy giá cao su tăng nên chuyển đổi sang trồng cây cao su, không có nhiều vốn để đàu tư nên sử dụng giống chưa tốt, biện pháp canh tác và kỹ thuật khai thác mủ còn đơn giản, lạc hậu. Tuy nhiên, một lý do nữa cũng cần xem xét, cao su tiểu điền thường là mới trồng trong khi đó thời gian để bắt đầu khai thác mủ là 7 năm, như vậy nếu tính sản lượng trên tổng diện tích cao su tiểu điền thì năng xuất của cao su tiểu điền sẽ thấp hơn nhiều so với cao su quốc doanh và cao su đại điền. Vì vậy, để nâng cao năng xuất cao su tiểu điền trong thời gian tới, cần có hỗ trợ kỹ thuật và cây giống tốt cho các hộ dân trồng cao su.

Các nhân tố như bình ổn giá, đa dạng hoá sản phẩm, thu hút vốn đầu tư và mở rộng diện tích cây cao su trong nước và ở Lào rất quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam. Việc bình ổn giá có thể thực hiện bằng nghiên cứu kỹ cung cầu của các nguồn sản xuất và thị trường chính, đa dạng hoá thị trường, tránh tập trung xuất khẩu nhiều vào một thị trường lớn như Trung Quốc để có thể chủ động hơn trong xuất khẩu cao su và tránh bị ép giá. Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO trong tháng 11 vừa qua cũng là một lợi thế cho sự phát triển của ngành cao su Việt Nam, có thể huy động vốn đầu tư từ nước ngoài nâng cao công nghệ chế biến để có thể xuất khẩu cao su chất lượng thành phẩm cao hơn. Đồng thời, việc xuất hiện nhà máy sản xuất ô tô ở Việt Nam trong thời gian qua chắc chắn sẽ thúc đẩy ngành sản xuất săm lốp phát triển, và sự ra đời của các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô là một tiềm năng đầy triển vọng ở Việt Nam.

Nguồn tham khảo:

Hiệp hội cao su Việt Nam

Trung tâm thông tin thương mại - Bộ thương mại

Trung tâm thông tin – Bộ NN & PTNT

Tạp chí cao su Việt Nam


Tin khác