Tôi nói thật với thủ tướng, với những dẫn chứng được nêu một cách hệ thống, số liệu rõ ràng, cụ thể, chân thật, cuốn sách đã gây chấn động Trung Quốc.
|
Lý Xương Bình |
TT - Tôi nói thật với thủ tướng, với những dẫn chứng được nêu một cách hệ thống, số liệu rõ ràng, cụ thể, chân thật, cuốn sách đã gây chấn động Trung Quốc.
Ngày 6-12-1999, Huyện ủy Giám Lợi sau khi được nhất trí của Thành ủy Kinh Châu, bổ nhiệm tôi làm bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi. Đây là lần thứ tư tôi đảm nhiệm chức vụ bí thư đảng ủy xã (bốn lần bí thư đều ở bốn xã, trấn khác nhau).
Những người ra đi
Ngày mồng 4 tháng giêng. Tôi muốn dạo một vòng xem nông dân xã Bàn Cờ đón xuân như thế nào.
Tôi đã trải qua quá nhiều đau thương. Có biết bao con em nông dân thi đậu đại học nhưng vì nhà quá nghèo mà thất học. Chúng nó khóc, bố mẹ chúng nó khóc, đến quì trước mặt tôi xin cứu trợ, cầu mong xã cứu trợ. Tôi đã từng nhớ không hết, có biết bao con nông dân không học nổi cấp I, cấp II, cấp III. Chúng nó cũng khóc, bố mẹ chúng nó cũng khóc, ông bà chúng nó cũng đến khóc, cũng đến quì trước mặt tôi, cầu cứu tôi mở rộng lòng thương, chứng nhận xin miễn học phí. Tôi cũng không nhớ rõ nữa, biết bao nông dân nghèo chất phác gặp phải những án oan, không ai chịu xử lại, họ không biết đến đâu mà kêu. Họ quì trước mặt tôi, cầu mong tôi giơ cao chính nghĩa, tôi không còn nhớ nữa. Những sự việc như vậy quá nhiều... Tôi không biết quì có phải là đặc tính riêng của người Trung Quốc hay là tính chung của loài người. Mỗi lần có người quì là một lần tôi rơi lệ. |
Trên quốc lộ, từng đoàn người đi làm thuê lũ lượt kéo nhau rầm rộ như trẩy hội, thế không thể giữ nổi.
Hướng về phía nam, không kể loại xe nào, chỉ cần anh đi về phía nam là họ đứng ra chặn lại. Nếu là xe khách thì phải nhét chật ních đến người cuối cùng không lên được nữa mới chịu buông ra. Nếu là xe hàng thì họ ném rơm rạ lên, ngồi chèn lên nhau giống như hàng hóa, không vất lên được nữa mới thôi. Những nông dân đang hướng về phía nam lòng đầy hi vọng, hầu như không cảm thấy rét đến tận xương tủy của đợt gió bấc đầu năm.
Tôi đi xe con cũng bị chặn lại, yêu cầu chở họ đi một đoạn. Xe chở thêm năm nông dân. Tôi hỏi họ: “Các bạn đã tìm được việc làm chưa?”. Một nông dân trạc tuổi tôi trả lời: “Thì cứ đi, đến đâu hay đó”. Một thanh niên khác nói một câu mà tôi không sao biện bạch được: “Các anh làm quan bụng quá xấu xa đen tối, cho nên không ra đi không sống nổi”.
Xe đến địa phận xã Bàn Cờ, từ xa tôi đã nhìn thấy Lý Tiên Tiến, bí thư chi bộ thôn Giác Hồ, cùng mấy cán bộ thôn đang cãi nhau kịch liệt với đông đảo quần chúng. Tôi dừng xe lại, gọi Lý Tiên Tiến hỏi: “Tại sao mới đầu xuân mà đã cãi nhau như vậy?”.
Tiên Tiến thấy tôi như có thể trút hết nỗi tức giận trong lòng, nói: “Chúng nó họp với nhau nhất tề trả ruộng không làm nữa. Đây là chúng nó cố tình đối địch với chúng ta. Chúng nó muốn đi tôi không phản đối, nhưng phải nộp trước một khoản khoán sản, chứ họ không nộp tiền tôi lấy gì nộp cho xã. Hôm nay phải nộp tiền, không nộp tiền đừng hòng mà đi... Đồng chí đến đúng lúc quá, nói hộ tôi mấy lời”.
Vừa nghe nói bí thư đảng ủy xã mới nhậm chức, bà con nông dân vây lấy tôi, tranh nhau ào ào nói.
Tôi vội vàng bắt tay chúc mừng năm mới từng người một, giơ hai tay ám thị bà con yên lặng, nói thật to với mọi người: “Bà con cứ yên tâm mà đi. Nếu không tìm được việc thì báo nhanh cho Lý Tiên Tiến biết. Lý Tiên Tiến để ruộng lại cho bà con quay về trồng lúa. Tôi chúc bà con thuận buồm xuôi gió, dọc đường bình an, làm ăn phát tài”.
Bà con nông dân tự nhiên hoan hô, ai vác hành lý người ấy, vội vàng rảo bước tới bến xe. Lý Tiên Tiến vẫn tỏ ra bất mãn về cách giải quyết của tôi.
Tôi cố trấn tĩnh lại, nói nhẹ nhàng với mấy cán bộ trong thôn: “Cản trở có tác dụng gì? Cản trở được người, nhưng có cản trở được lòng đâu. Cứ để cho họ đi, đi thêm được một người là tìm thêm được một việc làm, thêm được con đường sống. Bây giờ không phải là lúc nghiên cứu nên cản như thế nào, mà là nên bàn làm như thế nào để giúp bà con có thể tìm được công ăn việc làm nhiều hơn”.
Lý Tiên Tiến vẫn chưa chịu, nói: “Đồng chí nói dễ nghe thật. Đều đi hết cả, ruộng ai làm? Tiền tìm ai thu, xã không cần tiền nữa ư?”.
Xe vừa đi vào thôn Giác Hồ, nhà nào nhà nấy đều đang cốt nhục phân ly, tình cảnh ôm nhau khóc nức nở bày ra trước mắt tôi. Những đứa trẻ đáng thương ôm chặt lấy chân mẹ không dứt ra được, bố mẹ thương tâm cũng khóc nhưng không ngừng giật hai tay con ra. Là một bí thư xã như tôi, lúc ấy thật đau đớn như dao đâm.
Bạn học cũ dạy tôi nên làm quan như thế nào
8 giờ sáng mồng 6 tết, Lý Tiên Tiến đã mời được 12 đồng học cấp III cũ về họp. Tôi có một đề nghị riêng với các bạn là vừa vui chơi vừa suy nghĩ, tôi muốn thỉnh giáo các bạn một vấn đề: tôi muốn làm một vị quan tốt thì nên làm như thế nào?
Người phát biểu đầu tiên là Nguyễn Nhân Đức, phó bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ. Nhân Đức nói: “Mình công tác 15 năm ở xã Bàn Cờ, đã từng lần lượt tiễn đưa đến năm, sáu đồng chí bí thư đảng ủy. Những bí thư này lúc mới đến nhậm chức ai cũng tỏ ra là một bí thư tốt bụng. Nhưng làm chưa đầy mấy tháng đã quên mất điều sơ đẳng mình là người phục vụ nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Nói theo lời nói của bà con, họ đã trở thành hỗn quan, quan tham, quan tầm thường, dung tục”.
Nhân Đức giải thích: “Lợi ích của cán bộ hiện nay đã phát triển đến mức không thể điều hòa được với lợi ích của bà con nông dân. Cán bộ có những lợi ích đặc biệt có thể nói ra và cũng khó nói ra. Điều này khiến lời hứa toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số địa phương đã thành lời nói giả dối, tự thân nó đã lừa dối người.
Năm 1986, cán bộ hành chính của xã Bàn Cờ chỉ có 15 người, bây giờ lên đến gần 350 người. Lúc đó người ăn cơm “hoàng lương”, ăn cơm nhà nước ít nên đóng góp của nhân dân ít. Thuế nộp cho 1 mẫu ruộng lúc đó chỉ mới hơn 10 đồng. Còn bây giờ thì ra sao? Một mẫu phải đóng góp các khoản thuế hơn 200 đồng. Đóng góp như vậy mà xã vẫn không đủ chi, còn phải vay nợ lãi ngoài nhân dân để chi.
Đối với vấn đề một bí thư đảng ủy xã, nên đề bạt ai, nên cách chức ai, nhân dân xã Bàn Cờ không có quyền phát ngôn. Người ăn lương nhà nước ở xã Bàn Cờ mới có quyền phát ngôn. Cơ quan lãnh đạo chính đảng cấp trên mới có quyền phát ngôn, có quyền quyết định. Đây là một sự thật không thể chối cãi được.
Cho nên mỗi bí thư đảng ủy xã đều xuất phát từ yêu cầu phải củng cố quyền lực của mình, nên buộc phải hi sinh lợi ích của quần chúng nhân dân để ủng hộ lợi ích cán bộ đồng cấp và lợi ích của lãnh đạo cấp trên. Đây cũng là sự thật không cần tranh cãi”.
Nguyễn Nhân Đức càng nói càng xúc động, cuối cùng đứng dậy, tiến sát người tôi, chân thành nói: “Bạn đồng học ơi! Là đồng học cũ, tôi nói thật với đồng chí, làm một quan tốt, một quan thanh liêm quá khó đồng chí ơi! Vì vậy tôi muốn khuyên đồng chí hãy làm một ông quan hồ đồ là tốt nhất. Nhưng là người dân xã Bàn Cờ, tôi khuyên đồng chí nên làm một ông quan thanh liêm”.
Một bạn đồng học làm nghề buôn bán cũng làm tôi kinh sợ khi nói: “Tôi ghét quan tham, vì tiền tôi kiếm ra phải chi cho quan tham một ít. Có lúc không bằng lòng mà vẫn phải mời quan tham đi nhà hàng. Rất ghét quan tham mà vẫn phải tỉnh bơ như không, từ xa đã phải mời mời chào chào, đón đón. Nhưng tôi cũng thích quan tham bởi vì muốn làm ăn thì phải lôi kéo, chỉ có quan tham mới lôi kéo được, lôi kéo được kiếm tiền mới dễ”.
Một đồng học khác phát biểu: “Lão Lý! Khi chúng ta đang cùng học với nhau ở Bàn Cờ, lúc đó hầu như ai cũng có thể lên được cấp III. Điều này đồng chí hiểu rất rõ. Còn bây giờ học sinh xã Bàn Cờ lên cấp III chỉ được 20%. Biết bao con em chúng ta chưa tốt nghiệp cấp II đã phải đi về phương nam làm thuê. Ở đấy các em làm gì? Đi bán thịt thuê, đi đánh giày, đi nhặt phế thải.
Nông dân còn có cái gì? Có nhà mà không dám về. Có hơn một nửa thanh niên đi ra ngoài mưu sinh, có đất không dám trồng cấy vì trồng cấy bị thua lỗ. Trên có người già không tận đạo hiếu, dưới có con nhỏ không thể thành tài. Chúng tôi một đời vất vả gian lao, chỉ nuôi béo mấy ông cán bộ và gian thương.
Lão Lý! Nếu quả thật đồng chí không khách sáo, thật tâm nghe lời nói của các bạn đồng học, nghe tiếng nói của nông dân, tôi tặng đồng chí hai câu sau đây: Nên tốt hơn với nông dân một tí. Nên nghiêm hơn với cán bộ một tí.
Lão Lý ạ! Đem tinh thần của đồng chí khi còn đi học ra, tự lực tự cường mà làm quan, hai túi đừng đựng cái gì cả mà làm quan, tin tưởng đồng chí là một người quan tốt, được nhân dân ủng hộ”.
LÝ XƯƠNG BÌNH
TRẦN TRỌNG SÂM dịch