Báo cáo tóm tắt - Tình hình ngành hàng điều 9 tháng đầu năm 2006

23/02/2007

Sản lượng hạt điều thế giới mấy năm qua liên tục tăng, phản ánh xu hướng sản lượng của châu Phi và Việt Nam. Do cung tăng vượt cầu, giá điều trên thị trường thế giới đã giảm.

Tình hình chung

Cạnh tranh gia tăng trên thị trường xuất khẩu điều thế giới đẩy giá mặt hàng này liên tục giảm từ đầu năm tới nay. Trong khi nguồn cung điều từ các nước sản xuất đều tăng lên thì nhu cầu liên tục giảm từ đầu năm tới nay, đặc biệt là Mỹ - thị trường tiêu thụ điều lớn nhất thế giới. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong vài tháng tới.

Sản lượng hạt điều thế giới mấy năm qua liên tục tăng, phản ánh xu hướng sản lượng của châu Phi và Việt Nam. Do cung tăng vượt cầu, giá điều trên thị trường thế giới đã giảm.

Giá trung bình trong 5 tháng đầu năm nay là 4,1 USD/kg, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường Việt Nam, giá điều thô cũng giảm mạnh, từ mức 16.000-17.000 đồng/kg đầu năm 2005 xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg và duy trì ở mức giá này suốt từ tháng 4 cho đến tháng 9/2006.

Tình hình trong nước

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, toàn ngành xuất khẩu được khoảng 91.949 tấn nhân các loại và đạt kim ngạch khoảng 365,8 triệu USD. So cùng kỳ năm 2005, tăng gần 20% về lượng nhưng chỉ tăng nhẹ về trị giá xuất khẩu do giá giảm.

Hạt điều Việt Nam đã xuất sang 30 thị trường chính; trong đó, xuất sang Mỹ đạt cao nhất (34,88% lượng xuất). Kế đó là các thị trường Trung Quốc (20,36%), Úc (10,85%), Hà Lan (10,36%), Anh (4,36%), Canada (3,06%). Tỷ trọng xuất đến các thị trường còn lại rất thấp, dưới 1% tổng lượng xuất. Sản lượng xuất khẩu 9 tháng qua các thị trường lớn trọng điểm tiếp tục tăng, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng khá mạnh.

Giá bán bình quân toàn kỳ là 3.991 USD/tấn nhân. So với cùng kỳ năm 2005, giá xuất khẩu trung bình giảm tới 13,3%. Tuy nhiên, giá xuất có khác biệt lớn giữa các thị trường, chủ yếu do yêu cầu chất lượng khác nhau. Thị trường châu Âu và Úc đạt mức giá cao, thường từ 4.200-4.500 USD/tấn. Mức giá xuất vào thị trường Mỹ và Canada là 4.017 USD/tấn.

Có thể đánh giá chung là: 9 tháng đầu năm, mặc dù có khó khăn nhưng sản lượng xuất khẩu của ta vẫn tăng trên 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, về trị giá chỉ tăng nhẹ do giá xuất khẩu bình quân giảm khoảng 13,3%. Thị phần xuất khẩu chủ yếu vẫn là các thị trường lớn, quan trọng và thị phần tăng khá, đặc biệt là Mỹ và Úc.

Về tổ chức sản xuất kinh doanh, ngành hàng điều đã tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mà nổi bật tăng cường khai thác thị trường Mỹ.

Ngoài vấn đề giá nhân điều thế giới giảm, một số vấn đề khó khăn chung và tồn tại của ngành hàng điều Việt Nam là (1) thiếu liên kết giữa các thành viên Hiệp hội trong thu mua nguyên liệu dẫn đến cạnh tranh thu mua, tăng giá nguyên liệu; (2) cạnh tranh lao động trong và ngoài ngành; (3) thiếu đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nhân và vỏ hạt điều.

Về phía cung nội địa, các chỉ tiêu chủ yếu như diện tích, năng suất, sản lượng điều và năng lực chế biến đều tăng rất nhanh trong giai đoạn 2000-2005. Đến cuối 2005, diện tích điều là 433 ngàn ha, sản lượng hạt điều thô khoảng 346 ngàn tấn, nhân thô 110 ngàn tấn, có 219 cơ sở chế biến với tổng công suất thiết kế 674 ngàn tấn.

Nhận định chung

Vào quý 4 nhiều nhà máy ở Việt Nam hết nguyên liệu chế biến. Sản lượng xuất khẩu quý 4 của Việt Nam sẽ giảm đáng kể so với quý 3 do không phải nhà máy nào cũng có điều kiện nhập điều thô.

Hiện nay vấn đề thua lỗ của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là bài toán khó giải quyết mà nguyên nhân chính là giá nguyên liệu mua cao từ đầu năm, chi phí chế biến cao mà giá xuất khẩu lại thấp.

Doanh thu xuất khẩu cả năm 2006 ước chỉ đạt 400 triệu USD, so với doanh thu 486 triệu USD và 103.000 tấn xuất khẩu trong năm 2005.


Tin khác