Tổng kết sơ bộ ngành hàng mía đường 2006

23/02/2007

Do ảnh hưởng của việc giá đường thế giới tăng cao, giá đường trong nước cũng liên tục đứng ở mức cao trong suốt quý I và quý II/2006

Ngành hàng mía đường đã trải qua nhiều biến động trong năm vừa qua, trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Trong nửa đầu năm 2006, giá đường thế giới liên tục tăng cao, nhất là trong quý I/2006. Giá đường thế giới đã có lúc lên tới mức đỉnh điểm, cao nhất trong vòng 25 năm qua. Cơn sốt dầu mỏ dẫn đến việc dùng mía cho sản xuất ethanol làm nguyên liệu thay thế, hạn hán ở Thái Lan và sự sụt giảm sản lượng của Brazil trong niên vụ 2005/2006, kết hợp với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ là các nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng vọt giá đường trong nửa đầu năm 2006.

Do ảnh hưởng của việc giá đường thế giới tăng cao, cộng thêm sự sụt giảm trong sản lượng và năng suất mía niên vụ 2005/2006, giá đường trong nước cũng liên tục đứng ở mức cao trong suốt quý I và quý II/2006, thậm ở mức cao nhất từ trước tới nay. Do giá đường tăng cao, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu xảy ra phổ biến. Thêm vào đó là hiện tượng đầu cơ tích trữ đường của nhiều doanh nghiệp, làm cơn sốt giá đường càng tăng cao. Giá mua mia nguyên liệu cao khiến nhiều nông dân chặt bỏ các cây trồng khác để chuyển sang trồng mía. Nhằm làm hạ nhiệt cho cơn sốt giá đường, trong quý I, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu đường. Tuy nhiên, do giá đường trong nước luôn ở mức cao hơn giá đường thế giới, cụ thể là các nước lân cận như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, nên khi giá đường trong nước tăng cao, tình trạng nhập lậu đường qua biên giới cũng bùng phát mạnh. Trước tình trạng đó, tuy đã được sự cho phép của Chính phủ, các doanh nghiệp nhập khẩu đường vẫn không dám nhập thêm vì không cạnh tranh được với đường nhập lậu. Giá đường nhập lậu thấp cũng gây khó khăn lớn cho các công ty sản xuất trong nước, tạo ra một lượng tồn kho lớn cho các nhà máy. Lượng đường nhập khẩu chỉ đạt khoảng 50% mức 300.000 tấn theo hạn ngạch của Chính phủ, nhưng lượng đường nhập lậu ước tính lên tới 250.000-300.000 tấn. Đến cuối tháng 6, Chính phủ lại phải xem xét ngừng cấp hạn ngạch và giảm thuế cho nhập khẩu đường vì lượng đường tồn kho trong nước đã quá nhiều.

Từ quý III, cơn sốt đường đã dần hạ nhiệt và giá đường có chiều hướng đi xuống. Sang đến quý IV, đặc biệt là trong tháng 11, giá đường liên tục giảm, kéo theo hoạt động cầm chừng của các nhà máy và giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm rõ rệt. Giá đường trung tuần tháng 11 đã giảm khoảng 2000-3000 VND/kg so với thời điểm đầu năm 2006.

Giá mía đường cao trong suốt quý I và quý II/2006 đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng mía. Hiệp hội các nhà sản xuất đường Việt Nam (VASP) dự kiến sản lượng đường của cả nước niên vụ 2006/2007 sẽ tăng 27%, đạt 1,4 triệu tấn, đủ thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2007 và không cần nhập khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, mức thuế nhập khẩu đường của Việt Nam vẫn là 40%. Khi thực hiện việc giảm thuế theo lộ trình AFTA, từ 2007, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế nhập khẩu đường dần xuống mức 5% vào năm 2010. Với giá mía đường trong nước luôn ở mức 27-30 USD so với 21 USD của Thái Lan, nếu không sớm có sách lược bình ổn hoạt động, đặc biệt là quy hoạch đúng đắn vùng nguyên liệu, ngành mía đường nước ta sẽ khó lòng đứng vững.

Phạm Tuyết Mai 20/11/2006


Tin khác