Cà phê có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Biến động giá cà phê đã khiến cho nông dân nhiều nước điêu đứng. Sau nhiều năm giảm giá trên thị trường thế giới, cuối năm 2005, giá cà phê có xu hướng phục hồi và đạt mức đỉnh điểm trong vòng 5 năm qua. Biến động giá cà phê thế giới đã có những ảnh hưởng tới ngành cà phê Việt Nam, một nước có khoảng 97% sản lượng được xuất khẩu.
Khủng hoảng giá cà phê giảm
Chỉ cách đây chưa đầy nửa thập kỷ, cả thế giới bàng hoàng trước cuộc khủng hoảng giá cà phê. Giá cà phê thế giới giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 40 năm trước đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích ngành cà phê nói chung và đặc biệt là người sản xuất cà phê. Mức sống của hầu hết người trồng cà phê Đăk Lăk đều có xu hướng giảm. Nhiều hộ không đủ lương thực để ăn và nợ ngân hàng do vay tiền đầu tư vào trồng cà phê trong những năm trước đó, bình quân 4,5 triệu đồng. Người lao động thiếu việc làm và giá thuê lao động giảm.
Từ năm 2000, giá cà phê Việt Nam đã giảm mạnh. Tại thời điểm tháng 6 năm 2001 chỉ còn bằng 39% so với giá của năm 1999, 67% giá trung bình năm 2000 và tiếp tục giảm trong năm 2002 chỉ còn gần 400 USD một tấn cà phê xuất khẩu. Hàng nghìn hộ nông dân phải phá huỷ hàng trăm ha cà phê đang thu hoạch để trồng cây khác có lợi hơn. Năm 2001, với chi phí chăm sóc lớn gấp đôi số tiền bán sản phẩm, bình quân mỗi héc - ta cà phê, người nông dân lỗ từ 5 - 7 triệu đồng/năm.
Giá cà phê tăng đỉnh điểm
Nay, sau 5 năm khủng hoảng cà phê, thị trường thế giới có xu hướng phục hồi trở lại, bắt đầu từ cuối năm 2005. Đặc biệt vào những tháng cuối năm 2006, giá cà phê tăng đột biến. 5 tháng cuối năm 2006, giá cà phê thế giới tăng hơn giá trung bình 6 tháng đầu năm đến 32%. Giá trong nước và giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam luôn theo sát mức giá thế giới, vì vậy, khi giá thế giới tăng cao, giá trong nước và giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng tăng tương ứng, đạt tới đỉnh điểm trong vòng 10 năm qua, với mức tăng trưởng hơn 30% từ năm 2001 đến nay.
Biểu 1: Giá cà phê năm 2006 (USD/tấn)
Biểu đồ 2: Giá cà phê trong nước năm 1996-2006 (đ/kg)
Nguyên nhân khiến cho giá tăng cao trong giai đoạn này là mất cân bằng cung cầu cà phê trên thị trường thế giới. Nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới hàng năm tăng khoảng 1,5%, đạt 116 triệu bao niên vụ 2005/06, trong đó nhu cầu của Nga tăng hơn 10% trong năm 2006. Nhu cầu cà phê của Brazil tăng liên tục từ khoảng 7,5 triệu bao những năm 80, lên 15,4 triệu bao năm 2005 nhờ chất lượng tăng và xuất hiện nhiều sản phẩm mới. Dự báo nhu cầu của nước này sẽ tăng khoảng 3% trong 10 năm tới và dự đoán đến năm 2016 Brazil có thể trở thành nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Trong khi đó, niên vụ 2005/06, sản lượng cà phê thế giới chỉ đạt 109,39 triệu bao, thiếu hụt khoảng 7 triệu bao so với nhu cầu. Dự báo về tình hình vụ mùa không khả quan ở Brazil cũng khiến cho các nhà đầu cơ tích cực mua vào. Bên cạnh đó, lượng tồn kho cà phê của các nước sản xuất đang ở mức thấp kỷ lục. Đặc biệt, mức tồn kho của Brazil ở mức thấp chưa từng thấy, chỉ khoảng 2,1 triệu bao.
Giá tăng: mừng, lo lẫn lộn
Cùng với xu hướng tăng giá, nhiều nông dân của Việt Nam được lợi. ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, tổng sản lượng cà phê tăng 14,5 nghìn tấn so với vụ trước. Với giá cà phê tăng cao, mỗi gia đình trồng khoảng 3 ha cà phê thu về từ 250-300 triệu đồng. Nông dân phấn khởi vì trang trải hết nợ nần và còn lãi để tích luỹ.
Tuy nhiên, vụ mùa ở Việt Nam 2005/06 còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Tại nhiều vùng sản xuất cà phê lớn như một số huyện ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, cây cà phê bị ve sầu xâm hại, một số huyện ở Đắc Nông cây cà phê chè bị bệnh rỉ sắt làm khô cành, rụng quả. Cơn bão số 6 gây ra mưa lớn cũng làm cho năng suất cà phê vụ năm nay ở các tỉnh Tây Nguyên giảm. Không chỉ giảm về năng suất, chất lượng cà phê năm nay cũng có dấu hiệu suy giảm. Do giá tăng cao đột ngột nên nhiều hộ ở tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc đã phải thu hoạch nhiều cà phê xanh vì sợ mất trộm, khiến cho chất lượng cà phê thu hoạch giảm sút. Trong các tháng 10/2005 và tháng 3/2006, có đến 88% cà phê bị thải loại trên thị trường thế giới là cà phê của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam xuất phần lớn cà phê xô, sau đó các doanh nghiệp, nhà máy chế biến mới đem về sơ chế, phân loại nên lượng cà phê của Việt Nam loại ra khá lớn.
Ngược với nỗi vui mừng của nhiều hộ nông dân trồng cà phê vì được giá, một số doanh nghiệp Việt Nam đang lo lắng. Các doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia vào thị trường kỳ hạn xuất khẩu cà phê giao dịch bằng hợp đồng tương lai qua sàn giao dịch quốc tế, nên không tránh khỏi những thiệt thòi ban đầu. Theo báo Tiền phong, việc chốt giá bán không đúng thời điểm (giá tăng sau khi chốt hợp đồng), nhiều doanh nghiệp khốn đốn, thua lỗ đậm vì đã "trót nhỡ" ký hợp đồng bán hàng giá thấp trước đó. Tờ Thời báo Kinh tế cho rằng việc các doanh nghiệp thua lỗ là do vốn "ngắn", thường ký hợp đồng xuất khẩu trước rồi mới tất tả vay vốn, sau đó là tất bật ngược xuôi đi mua hàng trong nỗi lo phập phồng. Thiếu vốn đi liền với không có nguồn hàng dự trữ, cộng thêm thiếu thông tin, xử lý thông tin không sát thực tế làm cho doanh nghiệp Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ thua lỗ. Theo ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, người trồng cà phê thường chỉ bán cầm chừng lúc giá có biến động để chờ giá cao hơn. Với giá hiện tại, người trồng cà phê chỉ cần bán 1/3 sản lượng là đã đủ trang trải các khoản cần thiết trong năm. Đây là một thách thức khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam qua thị trường kỳ hạn. Bởi rất có thể khi đến thời điểm phải giao hàng theo hợp đồng, doanh nghiệp vẫn không thể mua đủ số hàng đã ký hợp đồng để giao.
Tuy nhiên, đây chưa phải là hiện tượng phổ biến trong các doanh nghiệp của Việt Nam. Khi chúng tôi trao đổi với đại diện của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắc Lắc, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và một số doanh nghiệp nhà nước và tư nhân xuất khẩu khác ở Đắc Lắc, họ đều cho biết phần lớn nông dân và doanh nghiệp hiện đang rất phấn khởi với xu thế tăng giá, chỉ trừ một số ít doanh nghiệp không có kinh nghiệm, giao dịch ảo qua mạng nên mới bị thua lỗ. Song, vẫn có một số điều cần lưu ý.
- Thứ nhất, tránh tình trạng khủng hoảng lần trước khi giá lên cao đỉnh điểm, nông dân đổ xô trồng cà phê, khiến một số vụ sau sản lượng tăng vọt, góp phần làm giảm mạnh giá trên thị trường thế giới.
- Thứ hai, việc trang bị đầy đủ kiến thức thị trường, khả năng dự báo thị trường cho các doanh nghiệp và cả người dân là rất cần thiết, đặc biệt là đối với mặt hàng xuất khẩu lớn như cà phê khi Việt Nam gia nhập WTO.
- Thứ ba, việc duy trì các hợp đồng nông sản liên kết giữa người nông dân, thu mua và xuất khẩu là rất cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định. Tuy nhiên, cơ chế ký kết, giám sát và duy trì hợp đồng này cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, mặc dù hợp đồng đã ký kết nhưng người nông dân vẫn có thể phá vỡ hợp đồng nếu giá lên cao hơn nhiều so với giá cam kết trong hợp đồng, lúc đó, doanh nghiệp lại đứng ra gánh chịu hậu quả.
Như vậy, tất cả những vấn đề như liên kết, tổ chức, cơ chế ký kết hợp đồng, nâng cao năng lực xử lý thông tin và thương mại cho doanh nghiệp là những vấn đề rất cấp thiết hiện nay, đòi hỏi có thêm những nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tìm hiểu để đưa ra những giải pháp phù hợp, mang tính chất chiến lược, chứ không phải những giải pháp tình thế để giải quyết các vấn đề trước mắt như hiện nay.