Nghiên cứu thị trường và kinh tế tại Bộ Nông nghiệp Mỹ

06/03/2007

Ngày nay, USDA nổi tiếng là một trong những cơ quan trên thế giới làm tốt dự báo thị trường.

Trong Bộ Nông nghiệp Mỹ có nhiều cơ quan trực thuộc (tương đương cấp Cục, Viện của Việt Nam) cùng tham gia các hoạt động Nghiên cứu thị trường và kinh tế như Cơ quan Thống kê nông nghiệp Quốc gia (NASS), Cơ quan Tiếp thị nông sản (AMS), Cơ quan Nông nghiệp quốc gia (FAS), Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế (ERS).

Cơ quan Thống kê nông nghiệp Quốc gia là cơ quan đông nhất, có mạng lưới cán bộ thống kê hàng ngàn người làm chân rết ở các địa phương để điều tra số liệu thống kê liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xử lý số liệu phục vụ cho Bộ Nông nghiệp. Các thông tin thu thập gồm: thực trạng sản xuất, kinh doanh của nông hộ (lưu kho, diện tích, năng suất, sản lượng, giá cả, thu nhập, đời sống ... của nông dân).

Cơ quan Tiếp thị nông sản cũng có một đội ngũ cán bộ tại các điểm buôn bán cả nước làm nhiệm vụ thu thập và báo cáo số liệu thị trường, biên tập thành các báo cáo giá cả hàng ngày và hàng tuần tại tất cả các thị trường chính trong nước, mỗi năm xuất bản khoảng 100.000 tài liệu thông tin thị trường.

Cơ quan Dịch vụ nông nghiệp chuyên theo dõi số liệu về nông sản, tình hình quản lý, tổ chức, thu nhập của các nông trại ở nông thôn. Cơ quan Nông nghiệp quốc gia gồm các Thương vụ nông nghiệp tại các Sứ quán nước ngoài, giám sát ảnh vệ tinh và các công cụ trinh sát khác để theo dõi tình hình sản xuất và kinh doanh nông sản ở các quốc gia trên thế giới.

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế chịu trách nhiệm phân tích tình hình cung cầu cả trong và ngoài nước, cả ngắn hạn và dài hạn để làm tham mưu cho Bộ. ERS tiến hành các hoạt động phân tích, dự báo sau:

· Dự báo hàng tháng bao gồm nhiều nguồn số liệu: số liệu điều tra từ sản xuất và kinh doanh, các phân tích thống kê và phân tích bằng mô hình kinh tế, các ước lượng của chuyên gia. Quá trình dự báo kéo dài khoảng 2 tuần và sau đó được công bố bằng tài liệu “Ước lượng cung cầu nông sản thế giới” (WASDE) công bố mỗi tháng một lần. Nội dung dự báo là tình hình cân đối cung, cầu, bao gồm các khoản giống, thất thoát, dự trữ, xuất khẩu, nhập khẩu. Dự báo ngắn hạn hàng năm từng ngành hàng (lúa mì, lúa, ngũ cốc, hạt dầu, bông, đường, sản phẩm chăn nuôi, gia cầm, sữa và sản phẩm sữa...) điều chỉnh từng tháng cho đến khi thu hoạch để đảm báo số liệu sát với thực tế cả năm. Các dự báo này được dùng để ra các chính sách ngắn hạn và dài hạn của Bộ.

· Dự báo dài hạn: cả 5 cơ quan chính của Bộ Nông nghiệp Mỹ tham gia dự báo nông sản thế giới. Số liệu từ mọi nguồn (điều tra thống kê trong nước, theo dõi từ nước ngoài, mua của các nguồn tin khác, báo cáo của sứ quán) được tổng hợp để dự báo thu nhập của nông dân, giá nông sản và tình hình kinh doanh thương mại cho mười năm. Các dự báo này dựa trên các giả định khác nhau về chính sách thay đổi trong nước và quốc tế. Kết quả dự báo được USDA dự báo hàng năm vào tháng Hai tại hội nghị dự báo thị trường.

Hoạt động dự báo được bắt đầu từ năm 1860, khi nông dân Mỹ bắt đầu chuyển sang sản xuất hàng hoá và bị thương gia ép giá. Khi đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp phải chuyển sang vai trò cung cấp thông tin thị trường chính xác cho nông dân, và Bộ Nông nghiệp đã đầu tư lớn xây dựng hệ thống cung cấp số liệu và thông tin trên toàn thị trường để phục vụ cả các công ty lớn và nông dân nhỏ.

Ngày nay, USDA nổi tiếng là một trong những cơ quan trên thế giới làm tốt dự báo thị trường. Thương mại nông sản quốc tế phát triển, công việc phân tích dự báo thông tin thị trường trên toàn cầu càng trở nên hết sức quan trọng để Bộ Nông nghiệp Mỹ ra được các chính sách thương mại cũng như hỗ trợ sản xuất trong nước.

Số liệu của USDA đựơc cả hai đối tượng: cán bộ nhà nước, các cơ quan cung cấp dịch vụ công và lĩnh vực tư nhân (nông dân, nhà kinh doanh, nhà cung ứng vật tư, nhà xuất khẩu... ) theo dõi sử dụng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy dự báo của USDA có tác dụng rất mạnh ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường thế giới. Mặc dù đầu tư cho hệ thống này là rất lớn nhưng lợi ích đem lại cao hơn nhiều.

Kết quả của những nghiên cứu trên được công bố rộng rãi bằng Hội nghị dự báo hàng năm toàn quốc, bằng dự báo hàng tháng, bằng WEBSITE, bằng các chương trình TV và Radio riêng, và thông qua cả hệ thống điện thoại trả lời trực tiếp. Riêng bộ phận thông tin của ERS có 50 người làm việc để sản xuất các ấn phẩm khác nhau.

Cán bộ của ERS chủ yếu là các nhà kinh tế, xã hội học, cán bộ thông tin và tin học, có cả làm việc dài hạn và làm việc ngắn hạn. Cơ quan có tổng số hơn 450 người, trong đó có 300 cán bộ kinh tế. Ngoài ra có các cán bộ làm việc tạm thời tại ERS, chủ yếu là từ các trường Đại học đến tham gia nghiên cứu. Trong dịp hè, ERS nhận các nghiên cứu sinh và sinh viên kinh tế đến làm luận án và tham gia nghiên cứu.

Một năm, ERS được cấp 75 triệu USD, trong đó khoảng 50 triệu USD cho hoạt động của cơ quan và 25 triệu USD cho một quỹ nghiên cứu hợp đồng với các cơ quan bên ngoài để trả lời cho các câu hỏi cần cho việc ra quyết định và chính sách của Bộ Nông nghiệp. 80% số tiền đầu tư cho cơ quan là để trả lương. Chính sách của Bộ Nông nghiệp Mỹ là trả lương rất cao cho quan chức nhà nước (ví dụ, cán bộ nghiên cứu kinh tế được trả trung bình khoảng 5000 – 6000USD/tháng, có khi cao hơn cán bộ lãnh đạo). Ngược lại, cán bộ không được dùng tiền chi cho hoạt động của nhà nước để chi cho các việc trên. Ví dụ, cán bộ, kể cả từ bộ trưởng không được mua vé máy bay hạng nhất, không có lái xe riêng và dùng xe cơ quan, không sử dụng thư ký riêng ...

Giám đốc cơ quan nghiên cứu kinh tế của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ


TS. Đặng Kim Sơn

Tin khác