Tuy chưa có kết quả thống kê toàn diện và đầy đủ nhưng có thể nói, vào WTO đến giờ này nông nghiệp VN chưa mất gì đáng kể. Thậm chí chúng ta được khá nhiều so với tính toán.
Về xuất khẩu, năm nay nông nghiệp dù bị dịch bệnh, thiên tai nhưng kim ngạch vẫn tăng. Đặc biệt, nông sản xuất khẩu trúng giá. Gạo VN đã có giá tương đương gạo Thái Lan. Hồ tiêu lên đến 3.500 USD/tấn, cao gấp đôi mọi năm. Những sản phẩm như cà phê, chè... đều có kết quả tốt.
* Thị trường xuất khẩu thuận lợi, nông sản được giá, doanh nghiệp (DN) và nông dân gắn kết hơn, vậy đời sống nông dân có nâng cao, thưa ông?
- Tuy trực tiếp tạo ra những thành quả trên nhưng chất lượng sống của nông dân lại đi xuống. Nông dân vẫn sống chật vật với nông nghiệp, họ từng bước bỏ quê lên thành thị làm thuê. Cuộc sống được cải thiện dần từ những công việc làm thuê đó. Đây là xu thế chung ở nông thôn hiện nay.
Nhà nước vừa qua công bố mức sống người dân, trong đó có nông dân đã tăng lên 6,6%. Theo tôi, con số này không phản ánh thực chất đời sống nông dân. Cách tính này là lấy tổng thu của sản xuất nông nghiệp trừ đi tổng chi để ra kết quả 6,6%.
Tuy nhiên con số này chưa bao hàm khoản đóng góp của nông dân như thuế, phí, xây dựng hạ tầng... và chưa tính khoản phải giữ lại để tái sản xuất. Xét thêm phần chi dùng trong tình trạng giá cả tăng quá cao như hiện nay thì mức sống thực của nông dân giảm xuống... Theo tôi, hiện nay chỉ tính riêng tăng trưởng nông nghiệp và mức sống nông dân cũng thấy một nghịch lý đáng báo động.
* Thưa ông, đó là nghịch lý gì và hệ quả thế nào?
- 90% lượng gạo xuất khẩu của VN do nông dân ĐBSCL làm ra. Một lượng cực lớn cà phê VN xuất khẩu cũng do nông dân Tây nguyên đem lại, thế nhưng đời sống của bà con hai vùng này hiện thấp nhất cả nước.
Khi giá nông sản có lãi cao thì thực chất phần giá trị gia tăng lớn nhất không vào túi nông dân. Nhưng khi nông sản mất giá thì nông dân lại là người đầu tiên chịu thiệt và thiệt lớn nhất... Tình trạng đó cũng diễn ra với các vùng nông thôn, sản xuất nông lâm ngư nghiệp khác.
* Vì sao lại có nghịch lý này, thưa ông?
- Hiện chính sách nông nghiệp của VN đang có quan điểm thống trị là "chiến lược giá rẻ”. Quan điểm này tạo sức ép cho nông dân luôn phải làm ra sản phẩm càng rẻ càng tốt trong hoàn cảnh giá đầu vào của nông sản ngày một tăng.
Vậy nên dẫu giá lúa, giá tiêu xuất khẩu có tăng thì nông dân cũng không được hưởng lợi nhiều khi giá phân bón, vật tư cũng tăng. Tỉ lệ lợi nhuận của DN xuất khẩu chỉ giữ nguyên hoặc nâng lên. Nếu giá cà phê, giá gạo xuất khẩu tụt thấp như từng xảy ra thì nông dân là người đầu tiên khốn khó.
Ngoài sự hưởng lợi từ "chiến lược giá rẻ”, các DN còn thiết lập nên những thị trường độc quyền để trục lợi. Ngành chăn nuôi chỉ một số DN có vốn nước ngoài cung cấp con giống chiếm thị phần chi phối. Tương tự, ngành thức ăn chăn nuôi hiện có 241 DN nhưng 82% thị phần lại do 25 DN nắm giữ và chủ yếu là DN có vốn nước ngoài.
* Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến bức tranh này?
- Trước đây chúng ta đã có hệ thống DN cung cấp vật tư, cây con giống nông nghiệp nhưng do làm ăn kém nên khi Nhà nước mở cửa cho nước ngoài vào, hệ thống này cũng được cổ phần hóa hầu hết. Các DN nước ngoài có thế mạnh mọi mặt.
Đặc biệt họ có thế mạnh về công nghệ, giống mà các DN trong nước không có. Đầu tư vào nông nghiệp lâu thu hồi vốn, rủi ro cao nhưng với các hãng mạnh thì họ có thể tồn tại. Ngược lại các DN tư nhân trong nước thì cực khó.
|
Nông dân thường chịu thiệt thòi trước các biến động của thị trường |
Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện DN tư nhân đầu tư cho nông nghiệp thì có 70% là loại hình TNHH. Tuy vậy do cơ bản là nông dân và không được hưởng chính sách bảo hộ nên họ hoạt động theo kiểu gia đình. Và hầu như không DN nào phát triển được. Tiếp cận đất đai ở nông thôn để làm nhà máy lại càng khó khăn hơn.