Nhìn lại hoạt động khoa học ở Việt Nam qua các ấn phẩm khoa học quốc tế

28/01/2008

Thành tích của đội tuyển Việt Nam trong kỳ thi Olympic toán học quốc tế (IMO) lần thứ 48 vừa qua, cũng như các lần tham dự IMO khác là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào những thành công đó mà lạc quan cho rằng, nền khoa học của nước ta đang phát triển tốt. Trong thực tế, trình độ khoa học nước ta, kể cả ngành toán học, còn kém xa so với trình độ quốc tế và kém hơn cả một số nước trong khu vực. Trong tương lai, chúng ta cần phải đầu tư cho những ngành khoa học ứng dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Phát biểu trước thành công của đội tuyển Olympic toán học Việt Nam, một quan chức đã phát biểu: Đất nước này không thiếu tiền để làm toán học nhưng các nhà toán học phải quyết tâm xây dựng ngành toán trở thành trụ cột trong tinh thần người Việt Nam. Các nhà toán học phải xây dựng chương trình phát triển toán quốc gia để trở thành cường quốc thế giới về toán học. ước nguyện trở thành cường quốc thế giới về toán học là một tham vọng đáng được đặt ra, nhưng chúng ta cần phải xem xét ngành toán học Việt Nam đang ở vị trí nào trên thế giới. Và, vị trí đó cũng không thể chỉ đánh giá qua những tấm huy chương mà các em giành được trong những kỳ thi toán dành cho học trò.

Hai chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá khả năng và năng suất hoạt động khoa học của một quốc gia là số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt, và số tác giả thuộc quốc gia đó đứng tên đầu (hay tác giả chính) của bài báo. Theo thống kê gần đây, trung bình mỗi năm các nhà toán học Việt Nam công bố khoảng 20-25 công trình trên các tạp chí khoa học quốc tế. Đây là một con số cực kỳ khiêm tốn nếu so sánh với một trường đại học trung bình ở nước ngoài (chứ chưa so sánh với một nước). Điều đáng nói là phần lớn các công trình toán học từ Việt Nam là những công trình toán thuần túy ở những lĩnh vực rất hẹp mà toán học thế giới ít quan tâm. Thật vậy, giáo sư Phạm Duy Hiển đã làm một phân tích về hệ số trích dẫn (citation index), và kết quả cho thấy số lần trích dẫn các bài báo toán học từ Việt Nam tính trung bình chỉ 1 đến 2 lần (kể cả tác giả tự trích dẫn bài báo của mình!). Nói cách khác, phần lớn những nghiên cứu toán học ở nước ta có rất ít người sử dụng và chưa gây được tiếng vang trên trường quốc tế.

Mặc dù trên thế giới, toán học đã được ứng dụng một cách rộng rãi trong mọi hoạt động khoa học, đặc biệt là một thế kỷ qua, nhưng ở nước ta giới làm toán vẫn chưa thật sự “dấn thân” vào khoa học thực nghiệm. Có thể ghé qua trang web của Viện Toán học (www.math.ac.vn) và dạo qua một vòng các bài báo, công trình nghiên cứu của Viện, chúng ta có thể thấy phần lớn, nếu không nói là tất cả, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các vấn đề toán học thuần túy. Toán học ứng dụng của Việt Nam hầu như vắng bóng trên trường quốc tế. Xin lấy một ví dụ cụ thể: Ngành thống kê học đã phát triển rất mạnh và nhanh trên thế giới, nhưng ở nước ta thì hầu như chưa có ngành thống kê học. Hầu như bất cứ trường đại học nào trên thế giới cũng có bộ môn thống kê học, nhưng chưa có trường đại học nào ở nước ta có bộ môn này! Thành ra, trong khi giới toán học nước ta bàn những vấn đề toán học loại “trên mây”, thì những vấn đề thiết thực nhất lại không giải quyết được mà phải lệ thuộc vào các chuyên gia từ nước ngoài…! Trong khi nước ta có một viện toán học bề thế và tập trung nghiên cứu những vấn đề trừu tượng, thì những môn học thiết thực nhất và căn bản nhất về thống kê ứng dụng lại phải nhờ các chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy ngắn hạn!

Toán học là một lĩnh vực “mạnh” của khoa học Việt Nam mà còn như thế, vậy các ngành khoa học khác thì sao? Dựa vào số lượng bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế, có thể nói tình hình NCKH ở nước ta vẫn còn quá kém. Trong khoảng 5 năm (tính từ 2002 đến 2006), các nhà khoa học Việt Nam đã công bố được 2.469 bài báo khoa học. Nói cách khác, tính trung bình mỗi năm các nhà khoa học nước ta chỉ công bố khoảng 494 bài báo, một con số rất khiêm tốn so với lực lượng nhà khoa học ở nước ta (theo thống kê là khoảng 21.000). So sánh số lượng bài báo khoa học tầm cỡ quốc tế của nước ta với các nước khác trong khu vực cho chúng ta một “bức tranh” khác. Trong cùng thời gian 2002-2006, Singapore là nước có số lượng bài báo khoa học cao nhất (với gần 28.000 bài trên các tạp chí quốc tế), kế đến là Thái Lan, Malaysia, và sau cùng là ba nước còn lại (Việt Nam, Indonesia, Philippines). Riêng Thái Lan công bố được 11.429 bài báo khoa học, gấp 4, 6 lần con số của Việt Nam. Malaysia cũng cao hơn nước ta khoảng 2, 8 lần (xem biểu đồ phía trên).

Một điều đáng mừng là so với 5 năm trước 2002, số lượng bài báo khoa học của Việt Nam đã tăng khoảng 45%. Nhưng các nước trong khu vực (trừ Indonesia) cũng tăng, đặc biệt các nước như Thái Lan, Singapore và Malaysia có tốc độ tăng nhanh hơn nước ta. Tuy nhiên, trong số 2.469 bài báo khoa học của Việt Nam, chỉ có 548 bài (hay khoảng 22%) là do “nội lực” (tức là được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam làm chủ), còn lại khoảng 78% là do hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài. Đáng chú ý hơn là con số công trình nội lực này không tăng so với hơn 10 năm trước. Nói cách khác, NCKH ở nước ta vẫn chủ yếu là do hợp tác với nước ngoài và nội lực của ta không tăng trong thời gian qua.

Phân tích theo từng ngành cho thấy, hơn 50% số bài báo khoa học từ Việt Nam thuộc các lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết và trừu tượng (phần lớn là toán học thuần túy, vật lý lý thuyết), còn các ngành khoa học ứng dụng chỉ chiếm khoảng 46%. Đặc biệt là số bài báo trong ngành y - sinh học chỉ chiếm khoảng 33% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam (các nước trong khu vực khá “mạnh” trong lĩnh vực khoa học ứng dụng và y học lâm sàng, nhưng các ngành khoa học lý thuyết gần như đứng cuối bảng xếp hạng!). Nói cách khác, hoạt động khoa học ở nước ta vẫn chủ yếu tập trung vào các vấn đề lý thuyết, mà ít có những nghiên cứu ứng dụng tầm cỡ quốc tế.

Tại sao số lượng ấn phẩm y học (và khoa học nói chung) từ Việt Nam còn quá khiêm tốn trên trường quốc tế? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi, vấn đề chủ yếu là văn hóa khoa học, đầu tư cho khoa học ứng dụng, và vấn đề tiếng Anh.

Thứ nhất, có thể nói không ngoa rằng chúng ta chưa có một văn hóa khoa học, bởi vì từ xưa, nước ta không có một truyền thống khảo cứu khoa học. Lịch sử Việt Nam cho thấy nước ta có nhiều anh hùng quân sự, nhà thơ, nhà sử học, nhưng rất ít nhà khoa học, kỹ sư hay nhà kinh tế. Hệ thống giáo dục của nước ta ngày xưa được mô phỏng theo hệ thống giáo dục của Trung Quốc, đòi hỏi học sinh phải tuân theo sách vở một cách máy móc, không khuyến khích sự tự do tìm tòi, thử nghiệm. Khi người Pháp vào Việt Nam, hệ thống giáo dục Trung Quốc được thay thế bằng hệ thống giáo dục Pháp, tuy những tri thức khoa học và kỹ thuật được đưa vào một cách có hệ thống hơn, nhưng phần lớn chỉ để phục vụ cho thực dân. Với cả một hệ thống giáo dục như vậy, học sinh phải học thuộc lòng sách giáo khoa nhằm cố thi đỗ trong các kỳ thi rất gắt gao. Cách giáo dục “độc thoại” và “thụ động” này làm cho học sinh nản lòng trong việc tìm hiểu, chất vấn những sự việc, hiện tượng xung quanh xảy ra như thế nào và tại sao. Hậu quả là nhiều thế hệ học sinh thụ động, kém tưởng tượng, không phát triển được kỹ năng thực hành, sáng tạo và tính chủ động, tự lập; không có cơ hội NCKH. Do đó, phần lớn những kiến thức về Việt Nam, dân tộc Việt Nam và tài nguyên Việt Nam lại nằm trong tay các nhà khoa học ngoại quốc, thay vì trong tay các nhà khoa học Việt Nam. Ngay cả hiện nay, các trường đại học hàng đầu ở nước ta vẫn chỉ là những trung tâm huấn luyện và giảng dạy, chứ chưa thực sự là những trung tâm nghiên cứu như các nước trong vùng. Các tiêu chuẩn đề bạt giáo sư đại học chưa đặt nặng và các tiêu chuẩn NCKH và bài báo khoa học. Chính vì thế mà hiện nay, chúng ta thiếu hẳn một lực lượng giáo sư có khả năng và kinh nghiệm NCKH tầm cỡ quốc tế. Sinh viên đáng lẽ là những “mầm non” khoa học, nhưng rất tiếc họ chưa được hướng dẫn NCKH có hệ thống, cho nên khi ra ngoài học họ cảm thấy bị thua thiệt so với đồng môn người nước ngoài.

Thứ hai, ngân sách dành cho NCKH ở nước ta còn quá khiêm tốn. Theo thống kê hiện nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ ở nước ta chỉ khoảng 2% chi ngân sách Nhà nước. Có công trình nghiên cứu dịch tễ học thực hiện trên hàng ngàn đối tượng mà kinh phí cũng chỉ 50.000 USD! Với một kinh phí như thế, không ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp trong nước phải hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài để tìm thêm nguồn kinh phí. NCKH ứng dụng tầm quốc tế đòi hỏi các phương tiện khoa học tương đối đắt tiền. Vì hoàn cảnh kinh tế, nước ta còn thiếu những phương tiện như thế, và có lẽ đó cũng chính là lời giải thích tại sao các nhà khoa học trong nước phải hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài. Thật ra, hợp tác trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của Việt Nam vẫn là của người Việt Nam thì mới là vấn đề mà tác giả muốn đề cập. Tất nhiên, chỉ đơn giản tăng ngân sách đầu tư cũng chưa chắc đem lại những kết quả thiết thực, nếu không có một hệ thống tổ chức phân phối tài trợ cho các nhà nghiên cứu một cách công bằng và rõ ràng. ở các nước như Mỹ và úc, họ có một Hội đồng quốc gia (bao gồm đại diện là các nhà khoa học đến từ các ngành nghiên cứu) đứng ra xét duyệt và quản lý ngân sách NCKH. Mỗi năm, các nhà khoa học nộp những đề án nghiên cứu theo những khuôn mẫu có sẵn và các đề án này sẽ được Hội đồng gửi cho các đồng nghiệp (trong và có khi ngoài nước) kiểm duyệt kỹ lưỡng về tất cả các khía cạnh của công trình nghiên cứu, qua đó, họ sẽ quyết định tài trợ cho công trình nào có chất lượng nhất. Thiết tưởng đây cũng là một mô hình rất công bằng (dĩ nhiên là không công bằng tuyệt đối) mà chúng ta cần nghiên cứu kỹ để áp dụng.

Nhưng thiếu kinh phí và thiếu phương tiện hiện đại chỉ là vấn đề mang tính “ngoại tại”, còn một nguyên nhân “nội tại” đáng quan tâm hơn là vấn đề nhân lực. Nước ta vẫn còn thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu, thiếu các nhà khoa học có kinh nghiệm làm nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Cho nên dù có phương tiện hiện đại và kinh phí, chưa chắc Việt Nam đã có chuyên gia sử dụng thiết bị và có khả năng thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu. Theo thống kê năm 2000, chỉ có 15% giảng viên đại học có học vị tiến sỹ (một học vị cần thiết cho NCKH độc lập), và phần lớn các giáo sư đều ở độ tuổi 60-65. Với một lực lượng yếu như thế, không ngạc nhiên khi chúng ta chưa đủ khả năng để cạnh tranh trên trường quốc tế như là một tập thể mạnh. Trong khi đó, số lượng sinh viên chịu dấn thân vào NCKH còn quá ít, vì viễn cảnh về đồng lương dành cho các nhà khoa học còn quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nghèo nàn. Vì thế, ngay từ bây giờ Nhà nước cần có chính sách tuyển dụng nhân tài, nhất là giới trẻ, vào hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, đặc biệt là NCKH. Cần phải khuyến khích sinh viên theo đuổi sự nghiệp khoa học, và biến NCKH thành một nghề nghiệp hấp dẫn.

Thứ ba là vấn đề tiếng Anh. Trên 80% số các tạp chí khoa học quốc tế sử dụng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh lại là một nhược điểm, một rào cản lớn đối với các nhà khoa học Việt Nam, bởi vì một phần lớn được đào tạo từ Liên Xô và các nước Đông âu trong thời gian trước đây. Có nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa ở nước ta chẳng bao giờ có cơ hội xuất hiện trên các tạp chí quốc tế chỉ đơn giản vì cách diễn tả bằng tiếng Anh còn quá nhiều sai sót, đến nỗi ban biên tập đành phải “đau lòng” từ chối. Vấn đề tiếng Anh, mới đầu thoạt nghe qua tưởng như rất nhỏ, nhưng trong thực tế lại là một rào cản rất lớn cho các đồng nghiệp trong nước.

Khoa học Việt Nam chưa theo kịp đà phát triển kinh tế của đất nước, đó là một thiệt thòi. Chúng ta cần phải đẩy nhanh sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế. Để thực hiện việc này, chúng ta cần phải khắc phục ba vấn đề vừa nêu trên. Cụ thể là:

l Các trường đại học cần phải đặt tiêu chuẩn NCKH thành một ưu tiên hàng đầu (bên cạnh giảng dạy).

l Đưa các tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế vào hệ thống tiêu chuẩn để đề bạt các chức danh giáo sư, phó giáo sư.

l Có những hình thức khen thưởng (bằng tài chính, nếu cần) cho những công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

l Từng bước tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ lên con số 4% hay 5% tổng chi ngân sách quốc gia.

l Thiết lập và tài trợ một số nhóm nghiên cứu hay phòng thí nghiệm trong các trường đại học và viện nghiên cứu để nuôi dưỡng các tài năng trẻ và làm đòn bẩy cho phát triển NCKH.

l Hợp tác với các nhóm nghiên cứu hàng đầu ở nước ngoài, kể cả các nhóm nghiên cứu của người Việt ở nước ngoài, để đào tạo các chuyên gia khoa học có trình độ quốc tế.

Nhiều nhà khoa học nước ta đã từng lên tiếng cảnh báo rằng, nền khoa học của nước ta đang xuống cấp nghiêm trọng, một phần là do mất cân đối trong đầu tư. Do đó, ngay từ bây giờ chúng ta cần xem xét lại định hướng hoạt động khoa học để có những đầu tư tương xứng. Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta cần tập trung vào các ngành khoa học “mũi nhọn” nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và phát triển kinh tế như công nghệ sinh học (kể cả nông nghiệp và thủy sản), công nghệ thông tin, khoa học vật liệu, y học lâm sàng, môi trường học…

Trong quá khứ (và ngay cả ngày nay), chúng ta đã đánh giá quá cao những tấm huy chương loại nhỏ, và theo đuổi những cuộc thi tài cấp thấp, mà thế giới chẳng có nhiều người quan tâm. Đành rằng chúng ta có quyền tự hào về những học sinh đoạt những giải thưởng quốc tế về toán, vật lý, hóa học, tin học…, nhưng tính trung bình thì sinh viên đại học của ta vẫn còn kém về trình độ thực hành cũng như kỹ năng làm việc sau khi ra trường, và một bộ phận lớn trong đội ngũ giáo sư của ta vẫn chưa quen làm NCKH. Chúng ta quá chú tâm vào một thiểu số nổi bật mà bỏ qua phần đa số đang bị lu mờ. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm chỉnh nhìn lại “bức tranh lớn” để đưa khoa học Việt Nam lên một tầm vóc mới.


Tin khác