Lạm phát và giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt càng đẩy thị trường thịt và thực phẩm vào thế bị ép từ cả 2 phía chi phí đầu vào và nhu cầu đầu ra. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng cuối năm được dự báo cũng không mấy sáng sủa, liệu rằng người tiêu dùng có phải chịu một cơn sốt thịt và thực phẩm như đã xảy ra với gạo…
Tình hình thị trường thế giới
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ , dự báo sản lượng các loại thịt của thế giới năm 2008 sẽ tăng so với năm 2007, tuy nhiên tốc độ tăng của thịt bò sẽ chậm lại. Đối với thịt lợn, sau 2 năm liên tiếp sụt giảm sản lượng, năm 2008 cũng sẽ tăng thêm 1,54% lên mức 97,1 triệu tấn. Sản lượng thịt bò toàn cầu dự báo đạt 60,9 triệu tấn, dựa trên sự tăng lên về sản lượng của các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Nguồn cung tăng chậm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thịt của các nước đang phát triển có xu hướng tăng cộng với những biến động của nền kinh tế toàn cầu sẽ làm giá các loại thịt trên thế giới tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều tương tự đã từng xảy ra sau khủng hoảng kinh tế 1998, do ngành chăn nuôi có độ trễ hơn so với các ngành sản xuất khác trên thị trường nên chu kỳ sụt giảm và hồi phục cũng đến sau. Vào thời điểm năm 1998 thì chỉ trong 2 năm tiếp theo giá trị cổ phiếu của ngành chăn nuôi đã tăng vọt 7 lần từ 10 cent lên mức 70 cent. Hiện tượng này đã lại bắt đầu diễn ra, kể từ cuối tháng 6/2008 các nhà đầu tư tại thị trường phố Wall và London đã chuyển hướng tìm đến với các cổ phiếu chăn nuôi.
Thị trường trong nước
Tại thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm với đợt rét kéo dài và dịch bệnh tai xanh bùng phát ở các tỉnh phía Bắc đã gây thiệt hại 180.000 đầu gia súc lớn, hơn 260.000 đầu lợn làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung thịt . Nếu tính toán một cách đơn giản thì sản lượng thịt bò năm 2008 không những tăng mà còn giảm 0,2%, thịt lợn sẽ chỉ tăng 5,9%, (đạt 269.500 tấn và 1.940.000 tấn). Các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ lại dự báo tình hình dịch bệnh tai xanh nghiêm trọng, tác động xấu từ thị trường tài chính và giá thức ăn chăn nuôi cộng với những bất cập nội tại trong khâu sản xuất tái đàn sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt lợn của Việt Nam giảm mạnh, chỉ ở mức 0,32%.
Nếu áp dụng mức tiêu dùng bình quân đối với thịt lợn tính theo tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2004-2007 thì năm 2008 với tình hình dân số Việt Nam dự báo khoảng 86,25 triệu người , tổng lượng thịt lợn tiêu dùng sẽ phải đạt 2.019.000 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Chênh lệch giữa tiêu dùng và sản xuất trong nước sẽ vào khoảng 79.000 tấn (hoặc lên tới 159.000 tấn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ). Theo cách tính như trên thì mức chênh lệch thịt bò cũng vào khoảng 119.000 tấn. Trong khi đó, lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam trong suốt giai đoạn 2003-2007 chỉ vào khoảng 25-30 nghìn tấn/năm, lượng thịt bò nhập khẩu là khoảng 75-90 nghìn tấn/năm.
Nguồn: www.agro.gov.vn
Trong quý 3 giá các loại thịt sẽ giảm nhưng biên độ giảm không lớn và không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng thịt không lớn vì người dân lo ngại về dịch bệnh cộng với tác động của lạm phát khiến đời sống khó khăn nên phải giảm tiêu dùng hoặc chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm thay thế khác rẻ hơn. Trong khi nguồn cung lại tăng mạnh do người sản xuất bán xả trại vì lo sợ bệnh dịch và muốn cắt lỗ sau một thời gian dài phải chịu chi phí cao.
Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm, thói quen tiêu dùng trong dịp lễ tết, hội hè, cưới hỏi sẽ tạo ra một cú híc về cầu. Trong khi đó bệnh dịch, thiên tai và các nhân tố chủ quan khác lại làm sụt giảm đàn gia súc và gia cầm và không kịp khôi phục chăn nuôi dẫn đến thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thịt các loại lên cao.
Mặc dù Chính phủ sẽ sớm có quy định thắt chặt việc kiểm dịch trong tất cả các khâu chăn nuôi, sản xuất và vận chuyển thịt gia súc, gia cầm; ưu đãi đối với các nguyên liệu chính sản xuất TACN (giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0% và đưa những mặt hàng này vào danh mục các mặt hàng thiết yếu ưu tiên sản xuất và nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu). Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp trong cung cấp nguồn hàng, giữ giá, dự trữ nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất cuối năm, sắp xếp lại hoạt động nhằm giảm chi phí trung gian, tìm kiếm các nguồn vốn vay và khách hàng phù hợp… để ổn định nguồn cung và kích cầu tiêu dùng Nhưng với những ảnh hưởng xấu từ việc kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường thịt và thực phẩm trong nước những tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và thách thức, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và người sản xuất, chăn nuôi sẽ hết sức khó khăn, một cơn sốt giá thịt và thực phẩm đang chờ cơ hội để bùng phát đòi hỏi chúng ta cần có những phương thuốc để chủ động đề phòng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì “phòng cháy vẫn hơn chữa cháy”.
(Trích nội dung “Báo cáo Thị trường thịt và thực phẩm”
của Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn
Phát hành trong tháng 8/2008)
--------------------------
[i] Dự báo tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ
[ii] Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
[iii] Dự báo theo tốc độ tăng dân số bình quân 1,24%/năm của năm 2007
[iv] Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ
>> Xem báo cáo tại đây