Làm thế nào để "kéo" FDI vào nông nghiệp?

05/02/2009

Trong nỗ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đánh giá là giải pháp tích cực, lâu dài. Thế nhưng lượng vốn FDI vào lĩnh vực này vẫn ở mức khiêm tốn. Vậy làm thế nào để “kéo” FDI vào nông nghiệp?

Năm 2008, lần đầu tiên lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Việt Nam đạt con số 64,11 tỷ USD, lượng vốn giải ngân đạt 11,5 tỷ USD, cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, số vốn này tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và xây dựng với 572 dự án ( chiếm 32,62 tỷ USD). Trong 10 năm (từ năm 1998 – 2008), FDI trong nông nghiệp chỉ chiếm 10,7% tổng số dự án FDI cả nước với 966 dự án. Cơ cấu vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ và ngày càng có xu hướng giảm, nhất là trong 3 năm gần đây. Năm 2006, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 6% tổng vốn đăng ký đầu tư, năm 2007 là 5,24%, nhưng đến tháng 11.2008 chỉ đạt 3,3%. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Vafie) Mai Thanh Hải, sở dĩ đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp thấp vì rủi ro cao, người nông dân lại chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, trong khi vốn FDI hầu hết nằm trong những dự án có thời gian giải ngân dài hạn. Cũng còn một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư nước ngoài không mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này là lợi nhuận quá thấp, thậm chí nhiều dự án còn thất bại.

Thực tế cho thấy, ngành nông nghiệp luôn trong tình trạng khát vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa có chiến lược thu hút cụ thể, thậm chí còn tồn tại tư tưởng miễn là có dự án đầu tư, hiệu quả thế nào tính sau dẫn đến nhiều bất cập trong thu hút vốn. Chính sách đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch vùng nguyên liệu vẫn còn gặp quá nhiều rào cản; Chất lượng lao động nông nghiệp thấp, trình độ quản lý cũng như khả năng tiếp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn yếu. Để sử dụng được nguồn nhân lực, các nhà đầu tư buộc phải mất thêm khoản phí đào tạo, thuê chuyên gia chuyển giao công nghệ; Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mô hình liên kết ba nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) quá lỏng lẻo đã làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, đó là chưa kể đến việc thiếu điện phục vụ sản xuất, hệ thống giao thông khó khăn đã đẩy phí vận chuyển nguyên vật liệu nông sản hàng hóa lên cao.

Thu hút vốn FDI hiện chỉ tập trung chủ yếu ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, với mục đích xóa đói giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, giải quyết hậu quả bão lụt, nước biển dâng, trong khi các dự án phát triển sản xuất và dịch vụ nông nghiệp vùng miền nào cũng cần. Do đó, nên điều chỉnh một số chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút FDI nông nghiệp vào 6 tỉnh nghèo ở miền núi phía Bắc, trong đó có đầu tư hệ thống hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, tín dụng cho nông dân và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Hiện Bộ NN và PTNT đang thành lập chiến lược thu hút FDI vào nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2020, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt theo hướng từng bước hoàn thiện cơ chế, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, đồng thời kêu gọi đầu tư bằng Chương trình xúc tiến đầu tư với những điều kiện ưu đãi về đất đai, bảo vệ thực vật, thú y...

Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Trung cho rằng, năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng chắc chắn sẽ giảm sút. Để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến nông nghiệp thì ngành cần sớm thống nhất quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển ngành, hoàn thiện cơ chế chính sách về khuyến khích đầu tư nước ngoài, như mở rộng ưu đãi thuế, tín dụng, thực hiện cam kết WTO về trợ cấp, vận dụng tối đa các quy định cho phép của WTO để tiếp tục áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư trong nông nghiệp...


Nguồn: www.nguoidaibieu.com.vn

Tin khác