Trả lời phỏng vấn báo SGTT, ông cho rằng: “Những tổ chức mang tiếng nói của người nông dân đang phát triển trì trệ”. Ở đây ông muốn đề cập đến những loại hình tổ chức nào?
|
Tiến sĩ Lê Đức Thịnh |
Các tổ chức mang tiếng nói của người nông dân có thể chia làm 3 nhóm: Các đoàn thể xã hội; Các hiệp hội; Hợp tác xã, các hiệp hội nghề nghiệp, ngành hàng. Xung quanh người nông dân có rất nhiều tổ chức đại diện cho tiếng nói của họ và hỗ trợ phát triển.
Vậy có vấn đề gì đang xẩy ra với những tổ chức đó?
Các tổ chức sinh ra là để phục vụ người nông dân, mang tính chất đoàn thể và có tính giáo dục. Những tổ chức này hoạt động không kém nhưng thiếu tính thiết thực. Vấn đề lớn nhất vẫn là cán bộ cấp cơ sở. Cán bộ được tuyển theo phong trào, không có năng lực và chuyên môn. Do đó hiệu quả công tác rất thấp.
Các hoạt động hỗ trợ người nông dân chủ yếu là chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn trồng trọt chăn nuôi… Còn những việc cần thiết như tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường, người nông dân đang rất cần lại không có.
Vấn đề thứ hai là tiếng nói của người nông dân trong các tổ chức mang danh của họ. Các hiệp hội ngành hàng không có đủ các tác nhân của các hiệp hội ngành hàng. Các hiệp hội trở thành tổ chức của những nhà xuất khẩu, người nông dân không được tham gia đúng mức cần thiết. Người nông dân không có tiếng nói của mình, và không được tổ chức nào bảo vệ lơi ích.
Các tổ chức mang danh người nông dân hiện nay chủ yếu là tiếng nói của một nhóm người đại diện, không thể hiện được hết những suy nghĩ, nguyện vọng và nhu cầu của người nông dân.
Tại sao các tổ chức của người nông dân lại chưa thực sự của nông dân và vì nông dân, thưa ông?
Trước hết là do nhận thức về mục đích hoạt động và vai trò của các tổ chức này, của các nhà quản lý, thậm chí là của các nhà nghiên cứu còn chưa đúng. Các tổ chức của người nông dân sinh ra là để bảo vệ lợi ích cho người nông dân chứ không phải vì lợi nhuận.
Đây phải là hình thái kinh tế tương trợ, với mục đích hỗ trợ hoạt động kinh tế của người nông dân, tạo dựng sự phát triển hài hoà. Các tổ chức này không hoạt động để tạo ra lợi nhuận mà để người nông dân có “sân chơi” hỗ trợ và bổ sung cho nhau để cùng nhau phát triển. Tiêu chí đánh giá hoạt động phải là con số có bao nhiêu người nông dân có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chứ không phải là tổ chức đó kiếm ra bao nhiêu tiền.
Cách quan niệm sai đã dẫn đến một cơ chế không hợp lý?
Kinh tế thị trường tạo ra sân chơi bình đẳng. Nhưng mà để phát triển xã hội không chỉ cần tăng trưởng, mà còn cần sự phát triển đồng đều. Do đó cần có cơ chế ưu tiên cho các tổ chức kinh tế hợp tác. Ví dụ khi quan niệm hợp tác xã như doanh nghiệp, và yêu cầu vay vốn ngân hàng bình đẳng như doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ không đủ sức làm. Cho nên cần có một cơ chế hỗ trợ riêng.
Hơn nữa, cách đào tạo cán bộ của các tổ chức này vẫn như cho các hợp tác xã thời bao cấp. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của nguồn nhân lực kinh tế tương trợ hiện nay.
Một nhân tố quan trọng nữa là vai trò của chính quyền cơ sở đối với sự hoạt động của các tổ chức đoàn thể của người nông dân. Ông đánh giá sao về mối quan hệ này?
Chưa có một thước đo rõ ràng nào để đánh giá mới quan hệ này. Vai trò của chính quyền nằm ở nhiệm vụ tổ chức, định hướng hoạt động và tạo ra cơ chế chính sách cho người nông dân tham gia vào tổ chức.
Việc phân chia quyền lực quản lý ở địa phương vẫn còn sự áp đặt. Nhiều nơi hợp tác xã là cánh tay nối dài của ủy ban, là nơi làm đủ thứ dịch vụ để sinh lợi nhuận. Bởi thế mà có một địa phương ở Hải Dương, khi chúng tôi thảo luận với chính quyền xã về việc giúp đỡ người dân thành lập hiệp hội sản xuất hàng đặc sản. Hợp tác xã đã làm quá nhiều việc, không còn đủ sức làm. Nhưng khi nhân dân tách ra tự thành lập hiệp hội riêng thì lại trở thành đối thủ cạnh tranh của hợp tác xã, bị gây khó dễ rất nhiều.
Ngược lại, các tổ chức của người nông dân trong mối quan hệ với chính quyền cơ sở còn điều gì không ổn?
Ở cấp cơ sở, các tổ chức của người nông dân chậm phát triển vì sản xuất mạnh mún, cán bộ không có năng lực. Đơn cử việc nắm bắt hoạt động sản xuất cũng không rõ ràng, không có tính thuyết phục. Do đó khi trâu chết rét, xã không có số liệu chính xác nên phải đi thống kê, kiểm tra rồi lập danh sách trình lên huyện. Huyện lại phải kiểm tra lần nữa rồi mới cấp tiền hỗ trợ, rất lòng vòng, mất thời gian. Nếu các tổ chức của người nông dân làm tốt việc quản lý thì sẽ rất đơn giản trong việc hỗ trợ này. Câu chuyện hỗ trợ nông dân kéo dài thời gian nuôi các basa ở Đồng bằng Sông Cửu Long để chờ nhà máy mua cũng thế. Không có thống kê từ tổ chức sản xuất, chính quyền phải hỗ trợ lòng vòng qua nhà máy, người dân mất nhiều thời gian chờ đợi.
Nếu mạng lưới tổ chức nông dân vững mạnh thì chính quyền cơ sở chỉ cần giám sát, mọi chuyện sẽ rất nhanh.
Thế còn tác động của kinh tế thị trường đối với hoạt động của các tổ chức của người nông dân. Đây cũng là một nhân tố quan trọng?
Trong cơ chế thị trường, nông dân muốn phát triển thì phải kết nối với thị trường. Nếu chỉ “tự cung tự cấp” thì không bao giờ phát triển lên được.
Nhưng người nông dân lại quá yếu đuối, phụ thuộc vào thị trường. Vụ việc giá gạo thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 là một ví dụ điển hình cho sự phụ thuộc đó. Thương lái, trung gian mua bán, bên tiêu thụ sản phẩm khống chế hoàn toàn người nông dân sản xuất.
Ở nhiều nơi, sự phụ thuộc đó dẫn đến hiện tượng “đẽo chân theo giầy”. Người ta phổ biến các giống mới để bán giống chứ không phải để hỗ trợ người nông dân tăng năng suất cây trồng. Người nông dân phụ thuộc quá nhiều vào giống, nên nhiều khi phải cải tạo đất cho phù hợp với giống mà thị trường cung cấp. Làm như thế thì đâu còn sinh lãi được. Mà các giống đặc sản sẽ nhanh chóng biến mất trước những sự thay đổi nhất thời như thế.
Vì sao thức ăn chăn nuôi được miễn thuế, trợ giá, giá trên thị trường giảm, nhưng giá bán trong nước vẫn cao?
Năm 1997 giá một cân thóc giống bằng 10 cân thóc thịt, nhưng bây giờ đã tương đương với 13 cân. Tại sao lại có nghich lý đó, khi mà năng suất sản xuất thóc giống trong nước đã tăng 2 đến 3 lần? Có quá nhiều khâu trung gian, dịch vụ giữa nhà cung cấp và người nông dân.
Tức là người nông dân quá thiếu thông tin về thị trường?
Chính xác! Người nông dân quá thiếu thông tin để tiếp cận thị trường. Đơn cử chuyện nếp cái hoa vàng ở Hải Dương. Giống lúa này chất lượng cao, nhưng năng suất thấp. Vì thế giá bán thường trên thị trường cao hơn các loại khác, không bán được.
Khi vào siêu thị thì người ta lại muốn đóng gói với nhãn mác của họ, bán với giá cao. Người sản xuất lại chịu thiệt lần nữa. Người nông dân không có cách gì để nói với khách hàng biết về giá trị của sản phẩm để hàng hóa được chấp nhận.
Nhưng mà để quảng cáo trên truyền hình, báo chí thì chi phí quá cao, người nông dân không thể thực hiện được. Do đó, rất cần hỗ trợ thông tin cho nông dân.
Việc hỗ trợ thông tin cho người nông dân không thể tiến hành với từng người, lại phải thông qua các tổ chức của họ?
Để hỗ trợ cho nông dân thì lại phải cần các dự án, cần nhiều thủ tục. Mà quan trọng nhất là phải tổ chức lại thể chế nông thôn. Các tổ chức mang tiếng nói của người nông dân phải đại diện cho tiếng nói pháp lý của họ, tập hợp người sản xuất thành một khối lớn mạnh và bảo vệ lợi ích cho họ.
Các nhóm nông dân sản xuất các mặt hàng cần lập tổ chức phù hợp với mình để tăng cường sức mạnh và khả năng tiếp cận thông tin. Đó là vấn đề then chốt để người nông dân tự bảo vệ mình khi tham gia vào thị trường.
Xin cảm ơn ông về những ý kiến quý báu này!
AGRO INFO (Thực hiện)