Đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm giúp nông dân mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất để tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, 2 tháng qua còn nhiều nông dân các tỉnh ĐBSCL chưa tiếp cận được nguồn vốn này, nguyên nhân vì đâu ?
Rối vì thủ tục
|
Nông dân rất thiếu vốn để mua sắm máy móc nông nghiệp hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Internet |
Trong kỳ họp HĐND T.P Cần Thơ vừa qua, Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ thừa nhận: “Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc chứng minh về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì thế, nguồn vốn giải ngân theo chính sách hỗ trợ lãi suất này chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu vốn vay trong nông dân”.
Tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ ( T.P Cần Thơ ) đã qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg, nhưng hầu hết những nông dân muốn vay vốn đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa “chạm” được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Ông Bùi Văn Tín, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Một số khái niệm về hàng hóa trong quy định về chất lượng thiết bị, vật tư nông nghiệp chưa rõ ràng; sản phẩm nằm trong danh mục được hỗ trợ lãi suất thì có loại không có trên thị trường, có loại không đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân, nên dù có được hỗ trợ lãi suất chúng tôi cũng không dám vay”. Trong việc thực hiện chủ trương này, có một vài địa phương, vì nóng lòng muốn giúp nông dân thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, đã liên hệ với một số doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, giới thiệu chào hàng cho nông dân, nhưng doanh nghiệp cũng chưa mặn mà. Vì thế, nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi trong thực hiện gói kích cầu của Chính phủ.
Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, hiện đang có trên 80% nông dân trong tỉnh chưa biết cách làm thủ tục vay vốn. Ông Dương Nghĩa Quốc, phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho rằng: “Bên cạnh việc không nắm thủ tục, người dân còn chưa đủ khả năng làm dự án, phương án thanh toán nợ để đi vay. Nếu không được hướng dẫn cụ thể thì nông dân đành bó tay”.
Ông Lý Nam Hải, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, nguồn vốn vẫn HTLS vẫn chưa giải ngân được nguyên nhân vì ở một số huyện mới triển khai đến chính quyền cấp xã. Hơn nữa, với mức vay không quá 7 triệu đồng/ha để mua vật tư sản xuất nông nghiệp thì sẽ rất khó cho những nông dân nghèo, ít đất.
Còn ở Kiên Giang, Ngân hàng NN-PTNT tỉnh cho biết, toàn tỉnh cũng chỉ mới có hơn 20 hộ nông dân làm thủ tục vay. Tình hình tại tỉnh An Giang cũng tương tự. Trong khi đó tại Đồng Tháp, chưa có hộ nông dân nào đến ngân hàng vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất.
Đại biểu Quốc Hội tỉnh Long An, ông Trần Minh Mẫn, còn cho biết: “Chính sách hỗ trợ 4% lãi suất áp dụng cho các khoản vay mới không đến được đa số nông dân, vì hầu hết tài sản của bà con đều thế chấp ở ngân hàng bởi các khoản vay cũ với lãi suất cao”. Ngoài ra, theo quy định, hàng hóa được mua phải là hàng sản xuất trong nước. Trên thực tế, các loại máy móc mà nông dân vùng trồng lúa thường sử dụng đa phần sản xuất ở nước ngoài. Riêng máy gặt đập liên hợp, từ 2 năm nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã có chương trình hỗ trợ cho nông dân mua sắm, nhưng trong đó có khoảng 80% sản xuất tại Trung Quốc!
Ngoài ra, các hộ nông dân còn cần vốn hỗ trợ lãi suất để mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, những loại hàng hóa này ít có hóa đơn, chứng từ nên muốn vay vốn cũng không đơn giản. Còn khoản vay mua vật liệu xây dựng nhà ở thì... chưa nghe ai nói đến.
Vẫn khó đối vơi nông dân
Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, làm nông nghiệp rất nhiều rủi ro, nông dân khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thương mại như một số đối tượng sản xuất, kinh doanh khác. Trong khi đó, điều kiện vay của ngân hàng thường nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định lâu… nên nhiều nông dân không hứng thú. Các chính sách hỗ trợ cần hướng trực tiếp đến nông dân, giúp nông dân chủ động nguồn vốn đầu tư vào con giống, cây giống, tư liệu sản xuất. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ vay cho nông dân, điều chỉnh lãi suất, xem xét để giảm, giãn cho các khoản vay lãi suất cao trước đây. Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi cá tra Hòa Hưng (Cái Bè, Tiền Giang), anh Lê Thanh Dung, cho biết, hợp tác xã có 26 xã viên nhưng chỉ có một người được vay ưu đãi 4% lãi suất. Vì trước đây, nhiều người đã vay ngân hàng nhưng vẫn chưa trả nợ hết. Do đó, muốn vay để được hỗ trợ lãi suất, xã viên phải trả hết nợ rồi làm hồ sơ vay lại. Nhưng để trả nợ, nông dân chỉ có cách… vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Tuy nhiên, 4% hỗ trợ lãi suất tính ra cũng bằng với các chi phí phát sinh do vay nóng bên ngoài nên nhiều người không mặn lắm gói hỗ trợ lãi suất.
Theo Quyết định 497/QĐ-TTg, các khoản vay ngắn, trung hạn bằng đồng Việt Nam (trừ các khoản vay đã được hỗ trợ lãi suất theo QĐ 131 và QĐ 443) đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tổng mức vay (riêng máy vi tính mức vay tối đa không quá 5 triệu đồng/cái); vật tư nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất 4% và số tiền cho vay không quá 7 triệu đồng/ha và vật liệu xây dựng nhà ở được hỗ trợ 4% nhưng số tiền không quá 50 triệu đồng. Thời hạn cho vay 24 tháng và 12 tháng. Các chuyên gia cho rằng, với mức HTLS 4%/trên tổng mức vay 7 triệu đồng/ha ở sản phẩm vật tư nông nghiệp là không đáng kể. Nếu thủ tục vay rườm rà sẽ làm nản lòng nông dân, khi đó họ chấp nhận vay bên ngoài và vật tư nông nghiệp nông dân mua theo thời vụ ở các đại lý theo hình thức gối vụ. Thêm vào đó, mức vay 50 triệu đồng mua vật tư làm nhà ở khu vực nông thôn với thời gian tối đa 12 tháng, thì nông dân nghèo khó có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, bày tỏ: “Việc HTLS cho nông dân vay vốn mua máy móc, vật tư nông nghiệp là chủ trương đúng đắn. Nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư, đồng thời khuyến khích hàng hóa sản xuất trong nước phát triển, nhưng cũng chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Muốn giải quyết phần gốc phải hỗ trợ các cơ sở sản xuất cơ khí trong nước để có sản phẩm đồng nhất, chất lượng tốt và sản xuất hàng loạt với giá thành cạnh tranh. Hiện nay, nhiều DN lớn đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế tạo máy, xe ô tô, đóng tàu... nhưng ở lĩnh vực cơ khí, DN nhỏ chiếm đa số với công nghệ lạc hậu”. Theo tiến sĩ Bảnh, nông dân mua máy không chỉ phục vụ sản xuất của họ mà trở thành nhà đầu tư và mua máy làm dịch vụ, đòi hỏi chất lượng máy phải tốt để họ có thể thu hồi vốn nhanh. Tiến sĩ Bảnh cho rằng, hiện máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước có nhiều điểm độc đáo, thích hợp với vùng đất, lúa đổ ngã, nhưng công nghệ chế tạo kém, chưa thể sản xuất hàng loạt và chất lượng hạn chế. Hơn nữa, một cơ sở chỉ sản xuất được vài trăm cái máy một năm, trong khi đến mùa vụ, nông dân cần hàng ngàn cái và không thể xếp hàng chờ được. Trong khi đó, máy do Trung Quốc sản xuất dù chất lượng không hơn cơ sở sản xuất trong nước bao nhiêu, nhưng khi nông dân cần chỉ đặt hàng vài ba ngày là có
Bà Ngô Hồng Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Vay thế chấp sẽ khó cho nông dân, bởi nhiều nông dân không đủ tài sản thế chấp khi vay vốn mua thiết bị. Thời gian qua, thành phố đã triển khai hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp nhưng con số này không đáng kể. Năm 2008, số tiền hỗ trợ chỉ trên 200 triệu đồng, do vậy cần có sự thống nhất về chính sách hỗ trợ để có thể triển khai QĐ 497 đến người dân một cách hiệu quả”. Đồng tình với ý kiến này, bà Hoàng Kim Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho rằng phải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục vay, đối tượng vay, những sản phẩm nào được HTLS và việc ký xác nhận của địa phương cho đối tượng vay để tránh phiền hà cho nông dân. Việc vay thế chấp đã khó, còn việc thuyết minh nhu cầu, chứng minh hồ sơ, chứng từ để được vay vốn sẽ khó hơn đối với nông dân.
Các chuyên gia cho rằng, chủ trương kích cầu tiêu dùng nông thôn của Chính phủ đưa ra trong giai đoạn này là khá nhanh nhạy và cũng là giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, để chủ trương này thật sự đi vào cuộc sống cần phải có chiến lược cụ thể đi kèm nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc ở khu vực nông thôn, giúp nông dân sớm tiếp cận được nguồn vốn kích cầu, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp ĐBSCL..
Theo AGROVIET-TTXVN